HỎI: Tôi có nghe nói về phương pháp “da kề da” rất tốt cho sản phụ sau sinh. Bác sĩ có thể cho tôi biết cụ thể về phương pháp này và đến đâu để được thực hiện.
(Chị Nguyễn Thị Lài, ở xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc)
Chào chị! “Da kề da”, hay còn gọi là “cái ôm đầu tiên” là quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh sớm (EENC). Cụ thể, khi đứa trẻ vừa được đỡ ra khỏi cơ thể mẹ, nữ hộ sinh lau khô, ủ ấm và đặt ngay bé lên trên bụng mẹ tiếp xúc “da kề da”, dây rốn được để nguyên, thay vì cắt ngay như trước đây. Cơn “vượt cạn” của sản phụ đỡ đau đớn hơn rất nhiều khi được ôm ấp đứa con vừa chào đời và còn giúp trẻ không bị hạ thân nhiệt, trẻ sẽ tìm vú mẹ sớm hơn và bú mẹ khỏe hơn. Đặc biệt với những trẻ non tháng, có những cơn ngưng thở thì nhịp thở của mẹ sẽ kích thích phản xạ thở đều đặn ở trẻ. Dây rốn nối mẹ và trẻ được giữ lại giúp trẻ tiếp tục được cung cấp máu từ mẹ nhằm phòng chống thiếu máu trẻ sơ sinh. Dây rốn chỉ được cắt khi ngừng đập. Những trường hợp trẻ bị ngạt cần hồi sức tích cực thì sẽ kẹp dây rốn sớm trước 1 phút.
Rốn của trẻ sau khi cắt sẽ được để khô và rụng tự nhiên, tuyệt nhiên không băng rốn và sát khuẩn như trước đây. Hơn nữa, theo quy trình trước đây, sau khi chào đời trẻ sẽ được hút nhớt đại trà, nhưng quy trình EENC không thực hiện hút nhớt cho trẻ mà để tự khô, trừ những trường hợp trẻ bị tắt nghẽn đường thở mới thực hiện hút nhớt. Cách làm này giảm tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cho trẻ sơ sinh, bởi khi thực hiện hút nhớt dễ làm tổn thương đến niêm mạc mỏng manh của trẻ, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Với bà mẹ, sau khi sổ thai, bà mẹ được tiêm oxytocin và xoa đáy tử cung 15 phút/lần trong hai giờ đầu, nhằm giảm đáng kể tỷ lệ băng huyết sau sanh.
Hiện nay, quy trình EENC được áp dụng đối với sản phụ sinh thường tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, và các trung tâm y tế huyện, thị.
(Bác sĩ Lê Thị Luyện, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh)