Qua đường dây nóng Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, các hộ dân ở hẻm 780 Bình Giã, TP. Vũng Tàu phản ánh: Tại số 780/8/39U Bình Giã, phường 10, có hộ nuôi dê gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong khu vực.
Chuồng nuôi dê của gia đình bà Cúc không bảo đảm vệ sinh môi trường, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân xung quanh. |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, địa điểm nuôi dê tại số 780/8/39U, đường Bình Giã là của gia đình bà Nguyễn Thị Cúc. Chỉ cần tới gần địa chỉ này, mọi người đã cảm nhận được không khí có mùi khó chịu. Khi bước chân vào trại, mùi hôi nồng xộc vào mũi. Khuôn viên trại có diện tích chưa tới 100m2 cũng là nơi sinh hoạt của gia đình bà Cúc. Chuồng nuôi nhốt dê kết cấu khá sơ sài với mái tôn và xung quanh quây lưới B40 đã gỉ sét.
Bà Cúc cho biết, trước đây, gia đình bà nuôi dê tại khu đất 58ha, phường 10, TP. Vũng Tàu. Sau đó, Nhà nước có chủ trương thu hồi đất khu vực trên nên gia đình bà chuyển đến thuê đất tại hẻm 780 Bình Giã và tiếp tục chăn nuôi khoảng 6 tháng qua. Hiện nay, đàn dê có hơn 30 con gồm: dê thịt, dê con và dê sinh sản, được nuôi nhốt trong diện tích nhỏ nên vấn đề vệ sinh chuồng nuôi rất kém. Dê nuôi nhốt chủ yếu ăn cám công nghiệp, nên chất thải trộn lẫn phân dê tạo nên mùi hôi hỗn hợp phát tán theo gió bay khắp nơi. “Do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình tôi mới nuôi dê để mưu sinh. Thời gian tới, tôi sẽ làm nền, hố ga và vệ sinh chuồng nuôi thường xuyên, không để mùi hôi phát tán ảnh hưởng đến bà con xung quanh”, bà Cúc nói.
Do việc nuôi dê của gia đình bà Cúc nằm xen trong khu dân cư, nên đã ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ xung quanh. Bà L.T.T ngụ cách nhà bà Cúc không xa, ngán ngẩm nói: “Mỗi khi ăn cơm, gia đình tôi không dám mở cửa vì sợ mùi hôi bay vào nhà. Trước đây, khu vực này cũng có hộ nuôi heo gây ô nhiễm và đã được di dời, nay lại đến hộ bà Cúc chăn nuôi dê làm mất vệ sinh môi trường”.
Nhiều hộ dân khác sống quanh trại nuôi dê của bà Cúc cũng khổ sở khi hằng ngày phải chịu ảnh hưởng của mùi hôi thối. Chị N.T.M chia sẻ: “Nhiều hôm tôi phải thắp nhang, xịt nước thơm cho át mùi hôi từ trại dê nhưng chỉ được ít phút rồi đâu lại vào đó. Chúng tôi mong cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sớm có biện pháp yêu cầu bà Cúc di dời trại dê ra khỏi khu dân cư, trả lại không khí trong lành cho khu vực”, chị M. kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Văn Bình, công chức địa chính-xây dựng UBND phường 10 cho biết, chính quyền địa phương đã nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm từ việc chăn nuôi dê của gia đình bà Cúc. Ngày 9-5 vừa qua, phường đã kiểm tra thực địa tại địa chỉ trên. Kết quả cho thấy, diện tích trại nuôi khoảng hơn 80m2, khu vực chuồng nuôi chưa có hố ngăn mùi và hệ thống xử lý chất thải, có mùi hôi phát tán ra xung quanh. “Đoàn kiểm tra đã yêu cầu bà Cúc xây dựng hố ga và có biện pháp khử mùi, giảm số lượng đàn nuôi. Bà Cúc đã đồng ý và hứa khắc phục nhưng đến ngày 22-5 vẫn chưa thực hiện”, ông Lê Văn Bình nói.
Ông Nguyễn Trung Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND phường 10 cho biết, theo quy định, người dân không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư để tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, việc xử lý triệt để các hộ chăn nuôi trong khu dân cư đang gặp nhiều khó khăn. Bởi, khi xử lý vi phạm hành chính với biện pháp tịch thu tang vật vi phạm là gia súc, gia cầm, cơ quan ra quyết định xử phạt không có nơi nuôi nhốt tạm thời, không có người chăm sóc trong khi chờ xử lý. “Vì vậy, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu người chăn nuôi gia súc, gia cầm thường xuyên vệ sinh chuồng trại để không phát tán mùi hôi, ảnh hưởng đến khu dân cư. Đồng thời, thực hiện việc tuyên truyền, vận động người nuôi sớm di dời vị trí nuôi ra xa khu dân cư”, ông Nguyễn Trung Nghiệp cho hay.
Bài, ảnh: SƠN KHÊ