Phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, các hộ dân ở tổ 6, thôn Phước An, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức cho biết: Tại nơi họ sinh sống, có dòng suối tự nhiên gọi là suối Mấu (suối Máu), là nguồn cung cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp lâu nay. Tuy nhiên, dòng suối đang bị chùa Linh Sơn cổ tự II chặn lại, khiến hàng chục hộ dân lâm vào cảnh không có nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp vào mùa khô.
Ông Nguyễn Văn Lắng (tổ 6, thôn Phước An, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) lo ngại dòng suối Mấu bị chùa Linh Sơn Cổ Tự II rào chắn sẽ không còn nơi để chăn nuôi vịt. |
Theo phản ánh của người dân, dòng suối Mấu chảy từ tổ 6, thôn Phước An, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức đến thôn Tân Thuận, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ. Mấy chục năm qua, suối Mấu là nơi cung cấp nguồn nước chính phục vụ cho việc tưới cây trồng, chăn nuôi và ruộng lúa cho hàng chục hộ dân ở xã Đá Bạc và xã Long Tân hai bên dòng suối. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, chùa Linh Sơn cổ tự II (thôn Phước An, xã Đá Bạc) tiến hành cải tạo nạo vét lòng suối thành hồ và chặn dòng, khiến nước không thể đổ về hạ nguồn, gây ảnh hưởng tới sản xuất của người dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đoạn suối chùa Linh Sơn cổ tự II chặn dài khoảng 2km và chỉ vào mùa mưa, nước mới chảy tràn xuống hạ nguồn.
Ông Nguyễn Văn Lắng (tổ 6, thôn Phước An, xã Đá Bạc) bức xúc nói: “Chùa Linh Sơn Cổ Tự II tiến hành xây dựng hàng rào bao quanh dòng suối, khiến cho gia đình tôi không có nguồn nước để chăn nuôi vịt và tưới cho vườn tiêu hơn 1,5ha vào mùa khô. Đề nghị chính quyền có biện pháp buộc nhà chùa trả lại dòng suối tự nhiên cho người dân”.
Được biết, suối Mấu khởi nguồn tự nhiên từ núi Bình Ba về hạ nguồn xã Long Tân (huyện Đất Đỏ). Năm 1991, UBND xã Long Tân đã mở rộng lòng đập suối Mấu. Lúc này, người dân có đất hai bên suối đã hiến đất phục vụ việc xây dựng, nâng cấp và mở rộng lòng suối. “Ranh giới đất của chùa Linh Sơn Cổ Tự II tới đâu chúng tôi không biết nhưng dòng suối tự nhiên này đã có từ lâu. Nay nhà chùa nạo vét, chặn lòng suối thành hồ, khiến vào mùa khô chúng tôi không có nước sản xuất nông nghiệp. Đề nghị nhà chùa xem xét lại việc này”, ông Nguyễn Tuấn Thành, Tổ trưởng tổ 5, thôn Tân Thuận, xã Long Tân bày tỏ.
Suối Mấu là dòng chảy tự nhiên, nhưng đoạn chảy qua chùa Linh Sơn Cổ Tự II đã được nạo vét, cải tạo thành ao nuôi cá. |
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu về những phản ánh của người dân, Đại đức Thích Huệ Thắng, quản lý chùa Linh Sơn Cổ Tự II cho biết, nhà chùa đang quản lý, sử dụng hợp pháp 17ha đất, trong đó khu vực suối Mấu hơn 2ha. Nhà chùa nạo vét lòng suối thành hồ chứa để tích nước cho việc tưới cây của chùa vào mùa khô. “Nhà chùa không cho phép chăn nuôi vịt trên dòng suối vì gây ô nhiễm môi trường, làm mất đi sự linh thiêng nơi thờ tự. Vì vậy, nhà chùa mới rào con suối lại”, Đại đức Thích Huệ Thắng lý giải.
Theo ông Trần Đình Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Đá Bạc, chùa Linh Sơn Cổ Tự II có đầy đủ quyền sử dụng 17ha đất, trong đó có một phần suối Mấu. Cụ thể, diện tích đất này đã được UBND huyện Châu Đức cấp giấy CNQSD đất cho ông Nguyễn Thanh Tìm (thôn Phước An, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) ngày 14-7-2014. Đến năm 2016, ông Tìm đã chuyển nhượng lại diện tích đất trên cho ông Nguyễn Đức Cang, trụ trì chùa Linh Sơn Cổ Tự II. “Trước phản ánh của người dân, UBND xã Đá Bạc đã yêu cầu chùa Linh Sơn Cổ Tự II nạo vét lòng suối phải bảo đảm tạo điều kiện cho các hộ dân có nguồn nước tưới cây vào mùa khô”, ông Trần Đình Hảo cho hay.
Về vấn đề suối Mấu là dòng nước tự nhiên nhưng lại được cấp cho cá nhân sử dụng, ông Nguyễn Trí Thuần, cán bộ Phòng TN-MT huyện Châu Đức giải thích: Năm 2014, trước khi cấp giấy CNQSD đất cho ông Nguyễn Thanh Tìm, các cơ quan chuyên môn của huyện Châu Đức đã gửi văn bản tới Trung tâm quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh đề nghị xác minh nguồn gốc đất khu vực suối Mấu. Trong văn bản trả lời, đơn vị này khẳng định, không quản lý, khai thác đối với dòng suối trên mà do người dân quản lý. Do đó, UBND huyện Châu Đức đã cấp giấy CNQSD đất cho ông Tìm. Sau đó, ông Tìm chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Đức Cang.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG