.

Những thủy sản chứa chất kịch độc cần biết

Cập nhật: 18:43, 15/03/2019 (GMT+7)

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ ngộ độc do ăn phải những loại thủy hải sản ít người biết đến. Đa số nạn nhân trong các vụ này đều không biết về độc tính của các loài thủy hải sản này.

Cá sấu hỏa tiễn được nuôi trong bể cá cảnh.
Cá sấu hỏa tiễn được nuôi trong bể cá cảnh.

Mới đây, Bệnh viện Lê Lợi đã tiếp nhận 5 người ngộ độc sau khi ăn cá sấu hỏa tiễn. Các bệnh nhân đều có biểu hiện đau bụng, ói, tiêu chảy. Do được cấp cứu kịp thời, các nạn nhân đều ổn định sức khỏe và đã xuất viện ngay sau đó. 

Theo bác sĩ Vũ Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, những bệnh nhân này bị nhiễm độc đường ruột do thức ăn, nhiều khả năng là do ăn phải trứng cá sấu hỏa tiễn, vì trứng của loại cá này có độc tính. 

Cách đây hai năm, tại Bệnh viện Lê Lợi cũng tiếp nhận vụ ngộ độc tương tự như trên. 6 trường hợp cùng nhập viện sau khi cùng ăn trứng và thịt cá sấu hỏa tiễn. Trong đó, 4 trường hợp phải nằm viện điều trị. 

Điều đáng nói đa số nạn nhân trong các vụ việc kể trên đều không hay biết về độc tính của loài cá này. Bởi đây là một loài cá được nhập ngoại chủ yếu nuôi để làm cảnh, không thường dùng trong thực phẩm ở Việt Nam và ít người biết đến. Do đó, đến nay vẫn còn rất hiếm những cảnh báo về độc tính của loài cá này. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi (PV) cá sấu hỏa tiễn là loài cá nước ngọt, có nguồn gốc và phân bố ở Bắc Mỹ, tên khoa học là Lepisosteus Oculatus Winchell thuộc bộ Lepisosteiformes (bộ cá mõm dài). Tại Việt Nam, cá sấu hỏa tiễn còn có các tên gọi khác như: cá mỏ vịt, cá sấu mõm dài, cá Phúc Lộc Thọ, cá nhái đốm... Loại cá này có hình thù đặc biệt, có nhiều đốm đen trên mình, đầu và vây, mõm dài dẹp với nhiều răng sắc nhọn; chúng thường được người dân nuôi làm cảnh.

Thịt loài cá này có thể ăn được, tuy nhiên trứng và gan của nó có chứa độc tố tetrodotoxin (giống với cá nóc) nên có thể gây ngộ độc nặng dẫn đến tử vong. Độc tố này cũng được tìm thấy ở một số loại vi khuẩn, ở da và nội tạng con sa giông, kỳ nhông, bạch tuộc đốm xanh, cóc, con so (hay còn gọi là sam lông)...

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, tetrodotoxin là chất độc tan được trong nước, không bị nhiệt phá hủy, nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại (có thể bị phân hủy trong môi trường kiềm hay a xít mạnh). Sau khi ăn các loài thủy, hải sản có tetrodotoxin, chất độc này hấp thụ nhanh qua đường ruột, dạ dày trong 5 - 15 phút. Triệu chứng nhẹ xuất hiện sớm sau ăn thủy hải sản có tetrodotoxin là tê lưỡi, miệng, môi, mặt, tê ngón và bàn tay, ngón chân và bàn chân, đau đầu, vã mồ hôi, đau bụng, buồn nôn và nôn, tăng tiết nước bọt. Triệu chứng nặng gồm các biểu hiện: Loạn ngôn, mất phối hợp, nạn nhân mệt lả; yếu cơ, liệt cơ tiến triển, suy hô hấp tím tái, ngừng thở, co giật; mạch chậm, huyết áp hạ và hôn mê…

Ngay khi có dấu hiệu ngộ độc tetrodotoxin đầu tiên như tê môi, tê tay (người bệnh vẫn còn tỉnh) cần gây nôn, đề phòng bệnh nhân bị sặc (để bệnh nhân nằm tư thế nghiêng, đầu thấp); đồng thời cho bệnh nhân uống than hoạt sớm trong vòng 1 giờ sau khi ăn cá sẽ có hiệu quả cao, loại bỏ chất độc, chống chỉ định khi người bệnh đã hôn mê hay rối loạn ý thức. Liều lượng uống dành cho người lớn là 30g+250ml nước sạch quấy đều; trẻ 1-12 tuổi uống 25g pha với 100-200ml, dưới 1 tuổi: uống 1g/kg pha với 50ml; có thể cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi uống một lọ than hoạt nhũ 30ml; và phải đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện gần nhất để xử trí kịp thời.

MINH THIÊN

.
.
.