Cần giám sát việc khơi thông dòng suối ở khu phố Núi Dinh
Phản ảnh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, các hộ dân ở khu phố Núi Dinh, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa cho biết, hơn 3 năm qua, dòng suối dài gần 2km ở khu phố này bị tắc nghẽn, bồi lắng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cấp nước cho hoạt động sản xuất của bà con.
Theo phản ảnh của người dân, hàng chục năm qua, tại khu vực tổ 2, khu phố Núi Dinh có 22 hộ dân sống bằng nghề trồng rau, hoa màu. Gần khu vực này có một dòng suối dài gần 2km, bắt nguồn từ chân Núi Dinh chảy ngang qua. Các hộ dân lấy nước từ dòng suối này để phục vụ tưới rau, hoa màu. Mặt khác, dòng suối này cũng là kênh thoát nước vào mùa mưa cho khu vực dân cư nơi đây. Tuy nhiên, gần 3 năm qua, hoạt động rửa cát làm vật liệu xây dựng của một DN tại khu vực đầu nguồn dòng suối đã gây nên tình trạng bồi lắng, tích tụ bùn dưới lòng dòng suối, khiến dòng chảy bị thu hẹp, mùa nắng thì tắc nghẽn, mùa mưa thì gây ngập úng, ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân.
Ông Trần Quốc Cường (tổ 2, khu phố Núi Dinh) đo độ sâu dòng suối chạy qua địa bàn. Do bị bùn đất bồi lắng nên dòng suối bị lấp khiến mực nước gần ngang mặt đường. |
Bà Nguyễn Thị Thơm (tổ 2, khu phố Núi Dinh) cho biết, trước đây dòng suối ở khu vực này nước rất trong và sạch, lòng suối sâu khoảng 2m, rộng 4m, nhưng từ khi một số DN khai thác cát trong khu vực thực hiện hoạt động rửa cát, lòng suối bị bồi lắng và thu hẹp.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, lượng bùn bồi lắng trong lòng suối có đoạn đã cao gần 2m, khiến mặt nước gần ngang bằng mặt đường. Do dòng suối bị tắc nghẽn bởi bùn lắng, các hộ dân không thể lấy nước để tưới rau. Ông Nguyễn Văn Bảo (tổ 2, khu phố Núi Dinh) bày tỏ: “Nước suối luôn đục ngầu vì bùn. Gia đình tôi phải canh ngày nào có nước trong để bơm tưới rau, nhưng cũng không thể tránh được tình trạng có lúc phải dùng nước đục. Điều này khiến năng suất và chất lượng rau giảm sút, ảnh hưởng tới thu nhập của gia đình”.
Ông Nguyễn Văn Bảo (tổ 2, khu phố Núi Dinh) phản ảnh tình trạng nước suối đục ngầu do hoạt động bơm rửa cát làm vật liệu xây dựng của DN ở đầu nguồn.
|
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng TN-MT TP. Bà Rịa cho biết, trước phản ảnh của người dân, Phòng TN-MT đã phối hợp với UBND phường Kim Dinh kiểm tra thực tế tại khu vực trên. Kết quả kiểm tra ghi nhận, lòng suối bị bồi lắng. Nguyên nhân là do Công ty TNHH Đặng Phú Cường (TP. Bà Rịa) bơm rửa cát làm vật liệu xây dựng gây nên. “Chúng tôi sẽ làm việc với DN, yêu cầu ký cam kết 3 tháng/lần phải tiến hành nạo vét, hút bùn tại dòng suối để khơi thông dòng chảy cho khu vực này. Nếu DN không thực hiện, chúng tôi sẽ đề xuất UBND thành phố rút giấy phép hoạt động”, ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định.
Ngày 25-2, trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đặng Phú Cường cho hay, hoạt động bơm rửa cát vật liệu xây dựng của DN tại dòng suối trên đã diễn ra vài năm nay. Khối lượng bơm rửa cát mỗi lần khoảng 5-10m3 và không phải ngày nào cũng thực hiện. “Trước phản ảnh của người dân về tình trạng tắc nghẽn dòng chảy của suối, công ty đã khảo sát và sẽ thực hiện việc nạo vét khơi thông dòng chảy, không làm ảnh hưởng tới sinh hoạt và sản xuất của bà con”, ông Đặng Quốc Cường nói.
Ngoài ra, các hộ dân cũng cho biết, mấy tháng qua, Công ty TNHH Đồng Nhân thực hiện việc san lấp mặt bằng thi công dự án Khu dân cư Đồng Nhân (khu phố Núi Dinh, phường Kim Dinh) đã làm hẹp đường thoát nước ở đoạn cuối con suối, làm cho tình trạng tắc nghẽn dòng chảy càng nghiêm trọng hơn. Về vấn đề này, ông Trần Đức Dũng - quản lý công trình san lấp mặt bằng thi công dự án khu dân cư Đồng Nhân cho biết, đơn vị sẽ sớm xây dựng kênh thoát nước ở đoạn cuối với chiều rộng 3m, có bờ kè 2 bên để bảo đảm thoát nước, không gây ảnh hưởng tới các hộ dân.
Như vậy, nguyên nhân khiến dòng suối ở khu phố Núi Dinh bị tắc nghẽn đã được xác định và các DN liên quan đã nhận trách nhiệm, đồng thời hứa khắc phục. Vấn đề đặt ra là UBND phường Kim Dinh và Phòng TN-MT TP. Bà Rịa cần đôn đốc các DN nhanh chóng khắc phục, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc khơi thông dòng chảy con suối này, bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất của người dân.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG