Vướng mắc việc ghi quê quán trong giấy tờ hộ tịch
Thời gian qua, nhiều người mong muốn thay đổi việc ghi quê quán trong các loại giấy tờ pháp lý liên quan đến hộ tịch như khai sinh, hộ khẩu, lý lịch tư pháp… nhưng theo quy định pháp luật hiện hành thì khó thực hiện được. Vấn đề đặt ra là cần sửa đổi quy định này cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của người dân khi có yêu cầu.
Người dân làm thủ tục tư pháp - hộ tịch tại UBND phường Phước Hiệp, TP.Bà Rịa. |
Trong thư gửi tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, anh Lê Trung Thành (SN 1983, ngụ tại nhà số 463, đường 30-4, phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu), cho biết: Ông nội của anh Thành sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, sau đó di cư vào Vũng Tàu sinh sống từ những năm 1950. Ba anh Thành được sinh ra và lớn lên ở Vũng Tàu. Còn mẹ anh Thành quê gốc Thanh Hóa. Anh Thành và các con của anh cũng được sinh ra tại Vũng Tàu. Như vậy, vùng đất Vũng Tàu đã gắn bó với gia đình anh Thành qua 4 thế hệ gần 70 năm. Vì vậy, anh Thành và cả gia đình thống nhất chọn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm quê quán của mình.
Theo đó, khi anh Thành làm khai sinh cho con trai (sinh tại Bệnh viện Bà Rịa, năm 2018) phần quê quán trong giấy khai sinh của con, anh Thành ghi là Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng không được bộ phận tư pháp phường chấp thuận, cho rằng ghi như vậy là sai quy định pháp luật về hộ tịch, phải ghi quê quán con anh Thành là Hải Phòng theo quê quán của anh Thành, cha anh Thành và ông nội của anh Thành.
Giải thích vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng Phòng Hành Chính – Tư pháp, Sở Tư pháp cho biết, căn cứ Khoản 8, Điều 4, Luật Hộ tịch 2014 quy định: Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh. “Như vậy, mặc dù chia sẻ với nguyện vọng của gia đình anh Thành, nhưng việc ghi quê quán trong đăng ký khai sinh phải tuân theo quy định hiện hành của Luật Hộ tịch”, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân nói. “Vài chục năm nữa, tới đời cháu, chắt của tôi thì phần quê quán trong khai sinh của mấy đứa trẻ cũng vẫn ghi là Hải Phòng thì liệu có phù hợp thực tế?”, anh Thành chia sẻ.
Cũng gặp rắc rối trong vấn đề về quê quán trong giấy tờ hộ tịch nêu trên, anh Nguyễn Văn Hiếu (ngụ phường 1, TP.Vũng Tàu), cho biết: Trước đây, khi còn làm việc tại một cơ quan Nhà nước, quá trình lao động, học tập, phấn đấu của anh Hiếu được cấp ủy cơ quan ghi nhận, xem xét kết nạp Đảng. Nhưng khi thực hiện việc xác minh lý lịch tại quê quán anh Hiếu ghi trong hồ sơ (từ ông cố đến ông nội và cha của anh ở Hậu Giang) thì cấp ủy địa phương không xác định được có đúng hay không, nên không chứng thực hồ sơ. Bởi vì cha anh Hiếu rời xa quê từ lúc tuổi đôi mươi, gặp và kết hôn với mẹ anh ở Vũng Tàu, lúc anh Hiếu làm hồ sơ xin vào Đảng thì cha và mẹ anh đã chết; còn những người thân lớn tuổi trong dòng họ tại quê quán của ông nội anh Hiếu cũng đã mất. Vì vậy, việc kết nạp Đảng của anh gặp vướng mắc, trong khi chưa thực hiện được việc này, do hoàn cảnh gia đình anh Hiếu xin nghỉ làm việc tại cơ quan Nhà nước.
Theo Điều 6, Nghị định 123/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch 2014, nêu rõ: “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó”.
Như vậy, việc ghi quê quán trong giấy khai sinh có ý nghĩa quan trọng về mặt pháp lý đối với việc xác lập các giấy tờ về hộ tịch, lý lịch nhân thân của công dân kể từ khi sinh ra cho đến hết cuộc đời. Còn về ý nghĩa tình cảm, theo cách hiểu phổ biến của nhiều người, quê quán là nơi sinh ra của cha, hoặc mẹ; nơi gắn bó nhiều kỷ niệm nhất về cuộc sống của cha, mẹ và bản thân họ.
Từ những vướng mắc trên, thiết nghĩ, cơ quan thẩm quyền cần xem xét, nghiên cứu, sửa đổi Khoản 8, Điều 4, Luật Hộ tịch 2014 cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của người dân.
Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH