Huyện Xuyên Mộc: Sẽ sớm xây bờ kè chắn sóng bãi biển Bình Hải
Người dân ở ấp Bình Hải (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) rất lo âu khi tình trạng biển xâm thực ngày càng sâu vào khu dân cư, gây ra nguy cơ cuốn trôi nhà cửa và uy hiếp tính mạng người dân. Họ mong muốn tỉnh sớm đầu tư xây dựng bờ kè chắn sóng tại khu vực này.
Cơn bão số 9 xảy ra vào ngày 25-11 vừa qua đã làm cho nước biển xâm thực sâu hơn vào bờ biển khu vực ấp Bình Hải, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.
|
Có mặt tại bờ biển ấp Bình Hải, xã Bình Châu sau khi cơn bão số 9 (Usagi) vừa đi qua địa bàn tỉnh ngày 25-11, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu mới thấu hiểu nỗi lo của những hộ dân đang sinh sống nơi đây. Theo những người dân cho biết, biển đã có hiện tượng xâm thực vào bờ từ mấy năm trước. Nay biển tiếp tục lấn sâu vào đất liền, khiến cho diện tích đất ở, đất rừng chắn sóng nơi đây bị thu hẹp, sóng biển vào thời điểm triều cường đã vào sát nhà dân.
Bà Bùi Thị Phương (ấp Bình Hải) cho biết, hiện tượng biển xâm thực diễn ra mạnh nhất vào mùa mưa bão. Khi triều cường kết hợp với gió thổi mạnh tạo sóng lớn đổ vào bờ, cuốn trôi đất cát, cây cối và gây sạt lở. Nhiều ngôi nhà của người dân nơi đây cũng bị biển ăn sâu gần vào đến móng nhà. Mỗi lần mưa bão hay triều cường, gia đình bà Phương lại phải đi nơi khác để lánh nạn, khiến cuộc sống gặp khó khăn, thu nhập bấp bênh.
Anh Trần Đình Ngọc (ấp Bình Hải) cho biết, cách đây khoảng 5 năm, biển còn cách nhà anh khoảng 100m, nhưng 2 năm trở lại đây, cứ mỗi đợt triều cường hoặc áp thấp nhiệt đới, biển lại xâm thực sâu vào đất liền khiến cho khoảng cách giữa nhà anh và biển ngày càng gần hơn. “Đợt mưa bão năm ngoái, sóng biển đã đánh sát vào sân nhà tôi. Bây giờ, nhà tôi chỉ còn cách biển khoảng 40-50m, chỉ cần thêm vài trận triều cường, mưa to gió lớn nữa là sóng biển vào đến nhà, khiến gia đình tôi hết sức bất an. Mong chính quyền có giải pháp ngăn chặn biển xâm thực, giúp người dân ổn định sinh sống”, anh Ngọc bày tỏ.
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết người dân sống ở sát chân sóng khu vực ấp Bình Hải đều là những ngư dân nghèo từ các địa phương khác đến lập nghiệp. Cuộc sống chủ yếu mưu sinh trên bãi biển như: nhặt cá, vận chuyển cá lên bờ, cào hến, bắt ốc… Không có đất ở nơi khác, nên cuộc sống của họ khó khăn, bấp bênh, đành phải bám trụ trong những căn nhà làm bằng vật liệu nhẹ nằm sát chân sóng biển.
Ông Vũ Văn Linh, Trưởng ấp Bình Hải cho biết, hiện tượng xâm thực tại địa phương diễn ra mạnh nhất khoảng 2 năm trở lại đây và ngày càng gia tăng. Mỗi năm biển xâm thực vào đất liền thêm từ 15-20m, có nơi biển ăn sâu vào trong khoảng 50m. Ấp Bình Hải hiện có khoảng 60 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ tình trạng biển xâm thực. “Mỗi lần nghe đài báo ngoài biển có bão hay áp thấp nhiệt đới, người dân ấp Bình Hải lại lo lắng cho sự an nguy của căn nhà và tính mạng của họ. Nguyện vọng của người dân ở đây là mong chính quyền tiến hành xây dựng một tuyến bờ kè, ngăn chặn biển xâm thực”, ông Linh nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Bình Triệu, Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, tình trạng biển xâm thực trên địa bàn ngày một mạnh, tập trung chủ yếu ở ấp Bình Hải. Nếu để tình trạng này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. “Vì vậy, việc đầu tư xây dựng bờ kè chắn sóng là cấp thiết đối với địa phương và mong mỏi của người dân. UBND xã đã kiến nghị vấn đề này lên các cấp, hiện đang chờ tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện”, ông Nguyễn Bình Triệu cho hay.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, tiếp thu phản ánh của người dân về tình trạng biển xâm thực tại ấp Bình Hải như trên, Sở NN-PTNT và UBND huyện Xuyên Mộc đã đề nghị Ban quản lý dự án chuyên ngành NN-PTNT tỉnh tiến hành khảo sát thực tế, nhận thấy những kiến nghị của người dân là có cơ sở. Theo đó, Ban quản lý dự án chuyên ngành NN-PTNT tỉnh đã có văn bản trình UBND tỉnh về “Dự án ổn định khu dân cư cấp bách ấp Bình Hải, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc” để UBND tỉnh xem xét, phê duyệt, bố trí vốn sớm triển khai thực hiện (chủ yếu làm bờ kè chắn sóng, chống xói lở khoảng 500m) nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra cho cuộc sống người dân tại khu vực này.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG