.

Công ty bảo hiểm có "làm khó" ngư dân?

Cập nhật: 16:50, 15/11/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, một số ngư dân có tàu đóng theo Nghị định 67 phản ánh, DN bảo hiểm chậm thanh toán tiền bảo hiểm sau khi tàu gặp tai nạn trên biển. Phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã tìm hiểu sự việc.

Bảo hiểm được xem là “phao cứu sinh” của ngư dân khi xảy ra rủi ro trên biển. Trong ảnh: Một tàu cá của ngư dân phường 5 (TP.Vũng Tàu) bị chìm được lai dắt vào khu vực Sao Mai-Bến Đình để sửa chữa. (ảnh mang tính minh họa).
Bảo hiểm được xem là “phao cứu sinh” của ngư dân khi xảy ra rủi ro trên biển. Trong ảnh: Một tàu cá của ngư dân phường 5 (TP.Vũng Tàu) bị chìm được lai dắt vào khu vực Sao Mai-Bến Đình để sửa chữa. (ảnh mang tính minh họa).

NGƯ DÂN THAN “MUA DỄ, NHẬN KHÓ”

Ông Võ Văn Thạch, ấp Bình Hòa, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) cho biết, ông có 1 tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67, số đăng ký BV 96279, công suất 1.300CV. Ông đã mua bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu cho tàu BV 96279. Cuối năm 2017, khi đang hoạt động trên biển, tàu của ông xảy ra va chạm với một tàu đánh cá khác, khiến lan can cabin bị gãy, be chắn sóng bị cong. Sau khi về bờ, ông đã báo đơn vị bảo hiểm đến xác minh hiện trạng và thuê đơn vị sửa chữa đến kiểm tra, báo giá số tiền sửa chữa 34 triệu đồng. Công ty bảo hiểm yêu cầu ông tự bỏ tiền sửa chữa tàu. Sau khi thẩm định và hoàn tất thủ tục, Công ty bảo hiểm sẽ thanh toán chi phí sửa chữa tàu cho ông. Đến nay, đã gần 1 năm trôi qua, giữa ông Thạch và đơn vị bảo hiểm vẫn chưa thống nhất được trong quy trình sửa chữa, bồi thường nên tàu vẫn chưa thể ra khơi.

Một chủ tàu khác là anh Nguyễn Trường Quang, ngụ ấp Phước Lâm, xã Phước Hưng (huyện Long Điền) phản ánh, anh có 2 tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67 và cả 2 tàu đều tham gia bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu, với mức đóng hơn 361 triệu/năm/2 tàu, trong đó Nhà nước hỗ trợ 90% chi phí mua bảo hiểm (theo Nghị định 67). Vào tháng 4-2018, cả 2 tàu cá đều bị hư hỏng phần chân vịt. Anh Quang đã báo công ty bảo hiểm xuống kiểm tra. Phía công ty bảo hiểm cũng yêu cầu anh bỏ tiền ra sửa chữa, sau đó sẽ thanh toán lại. Anh Quang đã ứng trước số tiền 204 triệu đồng để sửa chữa chân vịt của 2 tàu. Tuy nhiên, đã gần 7 tháng trôi qua, anh Quang vẫn chưa được Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu thanh toán tiền bảo hiểm. “Đã nhiều lần tôi đến tận văn phòng của Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu để làm việc nhưng đều không gặp được lãnh đạo công ty. Nhân viên bán bảo hiểm cho tôi thì trả lời, khi nào có đầy đủ thông tin sẽ báo lại hoặc công ty đang làm thủ tục...”, anh Quang cho biết thêm.

CÔNG TY BẢO HIỂM THỰC HIỆN ĐÚNG QUY TRÌNH

Trước vấn đề này, chúng tôi cũng đã trao đổi với đại diện Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu, đơn vị bán bảo hiểm cho các tàu đóng theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Năm, Phó Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu cho biết, theo quy trình thực hiện chi trả bồi thường tàu cá gặp tai nạn, khi có tàu xảy ra sự cố hư hỏng, chủ tàu sẽ báo cho công ty bảo hiểm đến kiểm tra thực tế hư hỏng, sau đó chủ tàu sẽ bỏ tiền ra sửa chữa phần bị hư hỏng. Sau khi hoàn tất việc sửa chữa, công ty bảo hiểm sẽ thuê một công ty thẩm định để kiểm tra, xác nhận thực tế sửa chữa của con tàu, phần nào thuộc trách nhiệm chi trả của công ty bảo hiểm, công ty sẽ tiến hành các thủ tục thanh toán lại cho chủ tàu. Cùng với đó, chủ tàu phải cung cấp cho công ty bảo hiểm các loại giấy tờ (để hoàn tất hồ sơ): Giấy đăng ký, đăng kiểm tàu; giấy phép khai thác; sổ hành trình; danh sách thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng của tàu theo từng chuyến, hóa đơn sửa chữa.

Ông Năm cũng cho biết thêm, theo quy định hiện nay, mức bồi thường thiệt hại của chủ tàu từ 20 triệu đồng trở xuống sẽ thuộc thẩm quyền của Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu, còn mức bồi thường từ 20 triệu đồng trở lên sẽ phải chuyển hồ sơ bảo hiểm lên Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO (trụ sở tại Hà Nội) chi trả cho người tham gia bảo hiểm. Với các trường hợp thuộc thẩm quyền, sau khi hoàn tất thủ tục hồ sơ, Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu sẽ  thực hiện chi trả trong thời gian không quá 1 tháng. Còn với những vụ việc ngoài thẩm quyền chi trả, công ty phải chờ ý kiến từ Tổng Công ty. “Quy định ttrên đã được Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu phổ biến tới các chủ tàu trước khi tham gia bảo hiểm thân tàu theo Nghị định 67”, ông Năm nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh, thời gian qua, đơn vị cũng ghi nhận nhiều ý kiến của bà con ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 phản ánh tình trạng công ty bảo hiểm chậm trễ chi trả bảo hiểm. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy, phía công ty bảo hiểm đã thực hiện đúng các thủ tục, quy trình chi trả.

Bài, ảnh: NGÔ THANH

.
.
.