.
KHÔNG THỰC HIỆN QUY HOẠCH VÙNG CHĂN NUÔI TẬP TRUNG:

Khó chấm dứt tình trạng "heo ở lẫn với người"

Cập nhật: 23:23, 23/11/2015 (GMT+7)

 

Tại TP.Vũng Tàu mặc dù không cho phép nuôi heo trong khu dân cư nhưng hiện nay vẫn còn nhiều hộ nuôi heo gây ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: Là khu nuôi heo của một hộ dân ở phường 4, TP.Vũng Tàu.  Ảnh: VĂN ANH
Tại TP.Vũng Tàu mặc dù không cho phép nuôi heo trong khu dân cư nhưng hiện nay vẫn còn nhiều hộ nuôi heo gây ô nhiễm môi trường.
Trong ảnh: Là khu nuôi heo của một hộ dân ở phường 4, TP.Vũng Tàu.
Ảnh: VĂN ANH

Gần đây, nhiều bạn đọc gửi thư đến Báo BR-VT phản ánh tình trạng chăn nuôi heo trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân. Trong khi đó, ngành nông nghiệp và các địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.

Ông Lê Quý Đăng (tổ 6, khu phố Phước Lộc, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) phản ánh, gia đình ông Nguyễn Kim Khang (tổ 6, khu phố Phước Lộc, thị trấn Phước Bửu) nuôi heo trong khu dân cư xả nước thải và phân heo ra bãi đất quanh nhà. 15 năm nay, các hộ dân ở đây phải sống chung với mùi hôi thối bốc ra từ trại nuôi heo của ông Khang.

Có mặt tại hiện trường, phóng viên Báo BR-VT ghi nhận, đàn heo nhà ông Khang có khoảng 30 con. Ông Mai Trọng Hào, Trưởng khu phố Phước Lộc cho biết, Ban điều hành khu phố đã nhiều lần tới vận động gia đình ông Khang sử dụng các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng ông Khang không hợp tác. “Các ngành chức năng cần phối hợp với UBND thị trấn Phước Bửu có biện pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do việc nuôi heo của gia đình ông Khang gây ra”, ông Mai Trọng Hào kiến nghị.

Trước đó, một bạn đọc gửi thư đến Báo BR-VT bày tỏ tâm trạng bức xúc vì phải thường xuyên chịu đựng mùi hôi từ chuồng nuôi heo của gia đình ông Phạm Phước Minh, tổ 13, khu phố 1, thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức). Thời điểm đó, chuồng heo nhà ông Minh có 40 con heo nuôi trong diện tích khoảng 300m2. Cơ quan chức năng thị trấn Ngãi Giao đã nhiều lần nhắc nhở, hướng dẫn kỹ thuật cho gia đình ông Minh thiết kế chuồng trại theo đúng quy trình chăn nuôi ở khu dân cư. Gia đình ông Minh đã xây dựng 3 hầm biogas (thể tích 15m3/hầm), nhưng vẫn không thể xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm không khí.

Ngoài hai trường hợp nêu trên, qua khảo sát thực tế, chúng tôi ghi nhận, hiện nay ở hầu hết các khu dân cư tập trung (trung tâm xã, phường, thị trấn) của các huyện và một số phường của TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa đều có tình trạng “chăn nuôi heo giữa phố”. Những hộ nuôi gây ô nhiễm môi trường đều bị cơ quan chức năng nhắc nhở, thậm chí phạt vi phạm hành chính, nhưng họ vẫn tiếp tục tái đàn và gây ô nhiễm ngày càng nặng hơn.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã có Quyết định số 258 quy hoạch tổng thể chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo quy hoạch này, trừ TP.Vũng Tàu không quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, còn lại các huyện, thành phố khác đều quy hoạch từ 2-3 khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có địa phương nào đầu tư xây dựng hạ tầng các vùng chăn nuôi tập trung để di dời các hộ chăn nuôi về đây. Vì vậy, vẫn chưa thể chấm dứt ngay được tình trạng chăn nuôi heo trong khu dân cư như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Lương Trai, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi (Sở NN-PTNT), hiện tại không cho phép bất cứ hộ dân nào chăn nuôi heo trên địa bàn TP.Vũng Tàu. Với các địa phương còn lại, vẫn cho phép nuôi nhưng chính quyền địa phương phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật khắc phục ô nhiễm. Đối với các trường hợp chăn nuôi heo gây ô nhiễm mà người dân phản ánh, địa phương phải tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để xác định mức độ ô nhiễm, trên cơ sở đó nhắc nhở, vận động người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi. Nếu người chăn nuôi vẫn để xảy ra tình trạng ô nhiễm kéo dài, thì phải có biện pháp xử phạt theo quy định của pháp luật. Xử phạt nhiều lần mà không khắc phục được ô nhiễm thì bắt buộc phải di dời. Về lâu dài, các địa phương cần thống kê danh sách các hộ chăn nuôi trong khu dân cư, vận động họ tự giác di dời ra những vùng chăn nuôi tập trung theo quy hoạch.

LAM PHƯƠNG - TRÚC GIANG

Theo LS Thịnh Đình Quang, cán bộ tư vấn pháp luật của Hội Luật gia tỉnh, nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo Khoản 1, Điều 7, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Ngoài bị phạt tiền, hành vi gây ô nhiễm trong chăn nuôi còn bị áp dụng Qui định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định nêu trên là buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

.
.
.