Khen nhau như thế bằng mười hại nhau!

Thứ Sáu, 23/02/2024, 17:07 [GMT+7]
In bài này
.

Này nhé, ai cũng đồng tình với tôi rằng một khi đã vợ chồng với nhau, đã tương đắc như răng với môi thì cả vợ lẫn chồng đều tôn trọng và khâm phục lẫn nhau vì sở trường, tài năng của người đó. Chẳng hạn, cô A ngưỡng mộ chồng vì anh ta là người thành đạt, học hành đâu ra đó, có bằng cấp lại được chọn vị trí cao trong công việc; ngược lại, người chồng luôn thán phục vợ vì cô kinh doanh “mát tay” được xã hội thừa nhận v.v…

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

Chuyện này, nghĩ cho cùng rất đỗi bình thường và cũng đáng khen nữa. Nếu trong một nhà, người chồng là kẻ bất tài vô tướng, rượu chè bê tha, không có trách nhiệm với con cái, tất nhiên, cô chỉ xem bằng “nửa con mắt”. Và, người chồng cũng chẳng gì thích thú khi cô vợ bài bạc, suốt ngày túm tụm “buôn dưa lê”, không quán xuyến nhà cửa.

Vì lẽ đó, một khi cả vợ lẫn chồng đều tự hào về nhau là một tín hiệu tốt trong hôn nhân. Có điều đáng tiếc nhất là nhiều người không nghĩ rằng, sự khâm phục của mình dành cho “một nửa” là đúng nhưng chắc gì thiên hạ đã “tâm phục khẩu phục”? Nói như thế không phải võ đoán vu vơ, vì tôi có anh bạn được bạn bè không gọi tên thật mà gọi… theo tên của vợ!

Bạn thử tưởng tượng trong cuộc họp ở công ty bàn về kế hoạch nọ kia, hễ đến lúc phát biểu thì anh ta luôn mở đầu bằng câu: “Vấn đề này, tôi biết theo vợ tôi thì cách giải quyết phải là…”; hoặc dù câu chuyện vô thưởng vô phạt lại cũng: “Chắc chuyện đó là đúng/sai vì vợ tôi có lần nói rằng…”. Ai nấy ngạc nhiên, vì chuyện nội bộ của công ty, chuyện riêng của bạn bè thì cô vợ biết gì mà anh ta cứ đem vợ ra “khè” mọi người?

Bên cạnh đó, cũng có người vợ quá ngưỡng mộ, tôn sùng chồng một cách thái quá. Chị bạn tôi trở nên “nổi tiếng” và dần dà ngày càng ít bạn bởi hễ mở miệng nói ra câu gì cũng nhắc đi nhắc lại: “Anh B nhà tôi nói thế này, anh B nhà tôi nói thế kia…”. Ý kiến của mọi người không là cái “đinh” gì cả, chỉ có anh B chồng chị là nhất! Mà, chồng chị tài cán ra sao, mặt mũi thế nào cũng chẳng một ai biết!

Trò chuyện, trao đổi công việc với những người có tâm lý kỳ quặc này rất mệt, bởi tự dưng công việc cơ quan lại chen vào một hình ảnh lạ hoắc mà đâu phải ai cũng biết. Sau khi bàn bạc, thảo luận một vấn đề gì, thay vì phải có ý kiến ngay, nhiều phụ nữ “hồn nhiên như cô tiên”, đại khái: “Chờ tớ hỏi ý kiến của chồng!”. Trời đất, anh chồng của cô ta đâu làm việc ở đây, “ổng” biết gì nội bộ cơ quan mà phải hỏi ý kiến với ý cò?

Lại thêm một tình huống khá phổ biến nữa là những lúc đông đảo bạn bè, nhiều quý cô không quên “khen lấy khen để” các thói quen, sở thích, kiến thức của chồng hay ho hơn người khác. Khi “nhả ngọc phun châu”, biết đâu họ cũng ngầm ý là do mình giỏi giang, may mắn nên mới có được đức lang quân tuyệt vời đến thế! Khổ nỗi, chẳng người đàn ông nào thích mình phải rơi vào tình huống được vợ bày tỏ sự ngưỡng mộ mọi lúc mọi nơi.

Tâm lý ca ngợi “nửa kia” quá hớp này cũng dành luôn cho cả… đàn ông thiếu bản lĩnh nữa. Nhiều đấng mày râu những tưởng một khi đem vợ mình ra thì bạn bè sẽ phục mình sát đất? Không phục sao được khi cô ấy là “người của công chúng”, thường “lên” truyền hình, báo chí, vậy, một khi mình “lôi” cô ấy vào câu chuyện chung thì bạn bè sẽ kiêng dè, nể phục? Theo tôi là chưa chắc.

Vậy mà, trong mắt nhiều người đàn ông, vợ là nhất, cái gì cũng nhất nên có lúc trở nên kệch cỡm. Bạn bè mời đến nhà tiệc tùng nhân lý do gì đó, lúc chạm đũa vào món ăn nào, anh cũng bình phẩm không ngon bằng vợ mình nấu. Thế là anh oang oang khen vợ mình đã từng trổ tài nấu nướng ra sao, ra chợ chọn thực phẩm như thế nào… Dù không nói ra nhưng gia chủ bực bội lắm. Tưởng những lời “có cánh” ấy, vợ sẽ hãnh diện chăng? Nhưng không, nàng đang cảm thấy sượng trân đó thôi!

Sự khen ngợi ấy, nghĩ cho cùng chỉ xuất phát từ tấm lòng ngưỡng mộ quá mức nhưng họ lại quên rằng, những người chung quanh chẳng ai có nhu cầu phải nghe, phải biết. Muốn khen, tâng bốc nhau cứ về nhà đóng cửa lại, khỏi phiền đến người khác. Truyện Kiều có câu: “Thương nhau như thế bằng mười phụ nhau”, qua các tình huống này, có thể hoán đổi qua từ “thương” qua từ “khen” mà ý nghĩa vẫn không khác gì cả. Thật ra, với những người tự trọng, chẳng ai muốn vợ/chồng khen mình thái quá trước mặt mọi người. Những lời khen ấy, thiên hạ chắc gì đã quan tâm, đã thế biết đâu họ còn thầm bảo: “Dở hơi”.

LÊ MINH QUỐC

 
;
.