Nguyên tắc 'tốt khoe, xấu che'

Thứ Sáu, 22/12/2023, 17:05 [GMT+7]
In bài này
.

Một trong những nguyên tắc của đời sống vợ chồng là cả hai cùng phải bảo vệ nhau, cùng làm đẹp cho nhau. Thế nhưng, có những tình huống khiến cho nhau bẽ mặt, sượng sùng, đứng như trời trồng - nói như Truyện Kiều là “Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ”?

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Đến giờ anh bạn tôi cũng chưa hết ấm ức vì cô vợ “hồn nhiên như cô tiên” cứ huỵch toẹt nói ra những điều mà lẽ ra không nên nói. Ngày kia, tình cờ ngoài phố, vợ chồng anh gặp lại người bạn thời đi học. Bạn hỏi dạo này đang ở đâu? Anh thành thật cho biết mình đang ở nhà số X, đường Y và mời bạn hôm nào đến chơi. Câu chuyện nếu dừng ở đây rồi chia tay, không có gì đáng nói, chỉ tiếc lúc đó cô vợ buột miệng: “Nhà đó là nhà của ba mẹ em, chứ nhà cũ của chồng em ở trên cái chung cư nhỏ như cái lỗ mũi”. Cho dù điều đó có đúng đi nữa, có cần phải nói ra hay không? Nói ra để làm gì, chẳng hay ho gì cho gia đình chồng.

Tương tự có những người chồng nghĩ mình làm ra tiền, chu toàn cho gia đình nên muốn nói gì thì nói. Không hề nhìn trước ngó sau, cứ nói oang oang, do đó, khi đứng bên cạnh thì người vợ chỉ muốn độn thổ. Rằng vào một ngày đẹp trời, vợ chồng nọ tung tăng vào nhà hàng sang trọng dự đám cưới của phía đối tác, Trong lúc ăn, vợ người bạn mới thỏ thẻ như một cách để làm quen: “Bộ váy của chị đẹp quá, đúng là hàng hiệu, chắc đắt lắm chị nhỉ?”. Thay vì để vợ trả lời, anh chồng lại chen ngang: “Vợ tôi không biết giá cả gì đâu, cô ấy sức mấy đủ tiền sắm những bộ quần áo này, nếu tôi không chi tiền ra”.

Khi nói như thế anh ta nhằm chứng minh là người có quyền lực nhất trong nhà, là người làm ra tiền chứ không phải của vợ, vậy muốn gì thì phải hỏi anh ta. Cách thể hiện quyền lực này lại thể hiện trước mặt người khác, nghĩ cho cùng cũng một cách “dìm hàng” vợ một cách tệ hại nhất. Khi nói những câu như thế, người ta không nghĩ mình đã làm tổn thương “một nửa”. Đến khi “nửa kia” tự ái, làm mình làm mẩy thì rất khó hàn gắn mối quan hệ nồng ấm như trước.

Có nhiều đôi vợ chồng tỏ ra khôn ngoan, hễ ai khen mình, gia đình mình thì họ đều khiêm tốn cho biết tất tần tật mọi thành công đó là của vợ/ chồng. Sự thật có thể không thế nhưng rồi “nửa kia” nghe đến cũng hài lòng, ưng ý. Và chính cách nói như vậy cũng khiến cho “người của mình” cố gắng làm tốt hơn nữa phận sự trong nhà.

Mới vừa đây thôi, bạn bè chúng tôi đến thăm nhà của A - bạn học cùng lớp. Thú thật trước khi đi, chúng tôi mong muốn vợ anh đừng có ở nhà để tha hồ nói chuyện, vì thừa biết cả hai như mặt trăng với mặt trời, “ông nói gà, bà nói vịt” nên ít khi thuận thảo. Vậy mà hôm đến nơi, ngạc nhiên chưa, cả hai cùng vui vẻ, trò chuyện tâm đầu hợp ý lắm.

Phép kỳ lạ nào đã xảy ra thế nhỉ?

Tôi kéo anh bạn ngoài sân thì thầm, tâm sự anh cho biết, đại khái, ngày nọ bố mẹ vợ sang chơi nhà và khen nhà cửa trang nhã, hỏi anh: “Ai chọn màu vôi tường vậy? Đẹp quá”. Chà, cơ hội lấy lòng vợ rất ngon lành đây. Anh bạn trả lời: “Dạ, nhà con đó ạ”. Nghe thế, cô vợ ngớ người không tin vào tai mình, vì chính cô chọn màu khác, chứ không phải màu này. Nay, nghe ba mẹ khen là gu thẩm mỹ của mình khiến cô sung sướng. Như vậy anh chồng vừa lấy lòng vợ, vừa thể hiện cho cô biết cách chọn màu của anh ta không đến nỗi tệ lắm đâu.

Những cách xử lý trong các quan hệ chung như thế nào, còn tùy thuộc vào tâm tính, suy nghĩ của từng người. Dù thế nào cả hai cùng nghĩ đến nguyên tắc “tốt khoe, xấu che” khi nói đến người bạn đời của mình, âu đó cũng phải là chìa khóa hạnh phúc gia đình.

LÊ MINH QUỐC

;
.