Nghĩ về con... mà nén cãi vã!

Thứ Sáu, 10/11/2023, 18:37 [GMT+7]
In bài này
.

Dù Đông hay Tây, bất kỳ chủng tộc nào thì cũng không thể tìm ra được đôi vợ chồng từ lúc kết hôn cho đến khi răng long đầu bạc lại… không cãi nhau một lần nào. Chung sống với nhau nếu xảy ra chuyện cãi nhau, xét ở một góc độ nào đó cũng là một yếu tố tích cực cho đời sống hôn nhân.

Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của: MINH SƠN

Bởi từ hai cá tính, tâm tính, sở thích, trình độ... khác nhau, lúc chung sống một nhà, ăn chung mâm, ngủ chung giường, nằm chung chiếu... thì chuyện không thuận tình vấn đề này, vấn đề kia là lẽ tất nhiên. Mà, có như thế sau khi giải quyết xong, cả hai cùng hiểu nhau hơn. Có hiểu nhau hơn thì vợ chồng mới gắn bó nhiều hơn.

Nói đi cũng phải nói lại. Cuộc đời vốn không đơn giản bởi có những vấn đề dẫn đến sự mâu thuẫn trầm trọng khó có thể tìm được tiếng nói chung. Không lẽ ai cũng gân cố lên cãi, cho rằng ý kiến của mình là đúng mười mươi; còn ý kiến người kia là sai? Chung sống trong tình cảnh “ông nói gà, bà nói vịt” chẳng khác gì... địa ngục. Do đó dù muốn, dù không người ta cũng phải tìm cách hóa giải.

Có nhiều cách để dẫn đến sự hòa hợp hòa giải. Trong đó, tôi nhận thấy nhiều cặp vợ chồng cậy nhờ đến nhân vật thứ ba. Nhân vật này có thể là ông bà, cha mẹ, anh chị hoặc bạn bè của vợ/chồng. Khi có thêm tiếng nói, sự phân tích của người thân thiết bên ngoài thì dễ dàng thuyết phục hơn. Khi tư vấn về vấn đề hôn nhân gia đình, nhiều chuyên gia tâm lý cũng đã hướng dẫn họ đi theo cách làm này. Bản thân tôi không chỉ hoàn toàn đồng ý mà còn muốn bổ sung thêm một yếu tố khác là con cái.

Dù con của mình còn bé xíu mới bi bô tập nói, chập chững bước đi, ăn chưa no lo chưa tới nhưng lại là “sứ giả hòa giải” hết sức tuyệt vời. Tôi có chị bạn đã nhiều lần muốn lôi ông chồng ra tòa ly dị, bởi chị không thể chịu đựng được tính nết lăng nhăng của  chồng. Nhưng rồi cô quyết định tha thứ vì cô còn thấy điểm sáng ở người chồng là anh ta rất mực thương con, biết chăm sóc lo lắng cho con. Chị nghĩ, một người đàn ông còn biết thương con thì chưa đến nỗi là loại "vứt đi".

Quả nhiên, chính vì thương con dần dần về sau anh ta tự giác thay đổi tính nết. Sự thay đổi tính nết này nào có phải do đứa con khuyên răn, năn nỉ, mà chính sự hiện diện của nó trong ngôi nhà đã nhắc nhở người chồng/người cha hoặc người mẹ/vợ phải ý thức về trách nhiệm của mình. Rõ ràng vai trò của “sứ giả” này rất quan trọng, đúng như ông bà ta đã nói: khi chăm con cũng là lúc phụ huynh sửa mình.

Tôi biết có những cặp vợ chồng tự họ làm hòa với nhau, bỏ tự ái những mâu thuẫn không cần thiết vì họ biết đặt lợi ích quyền lợi của con lên vị trí cao nhất. Một khi đã có suy nghĩ này thì những lấn cấn trong cuộc sống thường ngày cũng sẵn sàng bỏ qua, nhường nhịn nhau cũng vì nghĩ đến con. Vô hình chung đứa con trở thành đầu mối của mọi sự hòa giải. Điều này hết sức quan trọng vì sự tha thứ diễn ra trong tự giác chứ không phải ai ép buộc ai.

Nhờ sự có mặt của “sứ giả” này, vợ chồng kịp thời nén lại những câu nói chói tai, dù đang trong lúc bức xúc nhất. Tức là họ rút “ngòi nổ” kịp thời và hiệu quả. Khi bàn đến vấn đề này, thiết nghĩ chúng ta không thể mơ ước một đời sống không cãi nhau giữa vợ chồng, nhưng nếu trước lúc đó, biết nghĩ đến con, nghĩ về con thì họ sẽ có cách giải quyết theo chiều hướng tốt nhất.

LÊ MINH QUỐC

 
;
.