Thế nào là "bình đẳng"?

Thứ Sáu, 21/07/2023, 16:32 [GMT+7]
In bài này
.

Thời tôi còn bé xíu, đã có lần tôi nghe bà mợ tôi bảo rằng: “Nếu kiếp sau được đầu thai thành đàn ông thì sung sướng biết bao nhiêu”. Tôi chẳng hiểu tại sao? Sau này, khi lớn lên tôi mới biết sở dĩ nhiều người phụ nữ cũng thốt ra câu ấy, bởi lẽ còn do họ nghĩ đến lúc sinh nở. “Người chửa cửa mả” kia mà. Mỗi lần vượt cạn không khác gì “đi biển mồ côi một mình” với bao nhiêu bất trắc, sóng gió mỗi mình phải gánh lấy, chứ bấy giờ làm gì có anh chồng nào chia sẻ cảm giác “đau như đau đẻ”?

Minh họa của MINH SƠN.
Minh họa của MINH SƠN.

Dù muốn dù không, đã là đàn ông, một khi lập gia đình phải trở thành “trụ cột” nhưng rồi vẫn có người “bám váy vợ” đó thôi. Không thành “cột”, chỉ là “kèo”. Thiên hạ có chê bai rẻ rúng gì đâu, đơn giản còn do quan niệm cũ rích được thừa nhận rồi trút xuống đôi vai người vợ phải có trách nhiệm “dạy con ngoan, nuôi chồng khỏe”. Không phải ngày xưa mà bây giờ trong nhiều nhà vẫn còn suy nghĩ “bình đẳng” trong sự phân chia, đại khái, vợ làm việc nhỏ, chồng làm việc lớn.

Việc nhỏ là gì? Là thức khuya dạy sớm lo toan tất tần tật mọi việc trong nhà từ chợ búa, bếp núc, nuôi dạy con đến quán xuyến cửa nhà. Đã thế, còn phải lao ra ngoài xã hội kiếm tiền phụ lo cho gia đình. Còn việc lớn? Xuân thu nhị kỳ trôi qua, làm quái gì có việc lớn, cứ thế, với người đàn ông tận hưởng ngày tháng thong dong trôi qua. Cứ ỷ lại vào sự tháo vát của vợ.

Tuy nhiên, “vàng son” ấy không còn hoặc chỉ còn sót lại rất ít trong đời sống hiện đại. Tôi dám nói rằng, một khi xã hội ngày càng phát triển, thân phận người phụ nữ đã được thừa nhận theo chiều hướng tích cực, tạm gọi “nam nữ bình đẳng” thì bấy giờ người đàn ông không còn được hưởng những “đặc quyền” như trước nữa. Thời buổi bây giờ, đàn ông phải chịu nhiều áp lực. Nói như thế, không sai, thế nhưng đừng quên rằng quan niệm về người đàn ông/ người chồng đã thay đổi. Một trong những thay đổi căn bản nhất: đã “trụ cột” thì họ phải là người đóng vai trò chủ động về kinh tế. Sự thành đạt của họ, nếu muốn xã hội thừa nhận vẫn chính là đủ khả năng nuôi được vợ con bằng khả năng của mình.

Nói ra điều này, hoàn toàn không hề chủ quan. Đã có lần, với vai trò nhà báo, tôi đã phỏng vấn hàng loạt các cô lấy chồng ngoại của hầm bà lằng quốc tịch. Tôi hỏi, tại sao các cô lại chịu “lên xe hoa” với người đàn ông lạ hoắc lạ huơ, dung mạo “dưới điểm 5”, bất đồng ngôn ngữ, lại phải sống nơi đất khách quê người mà mình không hề biết gì sất? Thật bất ngờ, hầu hết các câu trả lời vẫn là, chẳng lẽ các cô lấy người cùng quê cùng là suốt ngày nhậu nhẹt “xả láng sáng về sớm”, không làm ra một xu lại “chồng chúa vợ tôi”? Lấy “của nợ” ấy làm gì?

Nghe ra chua chát quá.

Sự chua chát này sẽ không còn, nếu đàn ông trong mỗi nhà tự ý thức về áp lực của chính mình trong việc lo toan cho mái ấm. Có như thế, người phụ nữ mới tin cậy “trao thân gửi phận”. Vậy, chỉ có người nghèo mới chịu áp lực chứ? Còn người giàu thì không? Không đâu. Giàu hay nghèo y chang nhau.

Dù ai nói thế nào thì nói, tôi vẫn cho rằng, hạnh phúc gia đình còn chính là lúc “trụ cột” ý thức được trách nhiệm của mình. Càng nặng nề càng tốt. Có như thế, họ mới khẳng định được vai trò của mình cùng chung tay với vợ, chứ lúc nào cũng nghĩ đã đàn ông thì chỉ lo “việc lớn”, còn “việc nhỏ” dành cho vợ. Việc lớn nhỏ ấy, trong sự phân chia ấy chính là bất bình đẳng trong quan hệ vợ chồng. Nói cách khác, trong xã hội ngày nay cần có sự thay đổi quan niệm về vai trò của người đàn ông.

Theo tôi, đây là một trong những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong quan hệ bình đẳng vợ chồng. Một khi đàn ông chịu nhiều áp lực trong việc lo toan cho mái ấm của mình, đó là sự tiến bộ xã hội. Nếu bạn có ý kiến gì khác, xin mời có ý kiến để chúng ta cùng nhìn thấy rõ hơn về một câu chuyện nghiêm túc luôn có ý nghĩa thời sự và lâu dài.

LÊ MINH QUỐC

;
.