"Một nửa" quê ở đâu?

Thứ Sáu, 30/06/2023, 16:52 [GMT+7]
In bài này
.

Có lẽ, trong hôn nhân gia đình luôn có những câu chuyện mà người ta cứ bàn tới bàn lui, thậm chí từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Có những vấn đề, tưởng rằng thiên hạ đã giải quyết xong, ai nấy đều đồng thuận đâu ra đó rồi, vậy mà khi rơi vào tình huống đó thì mình lại loay hoay tìm câu trả lời. Nói như thế để thấy rằng lĩnh vực này đều luôn có tính “thời sự”, tất cả mọi câu chuyện mà trải dài theo năm tháng người ta lại đào xới lên và tiếp tục bàn luận. Thiết nghĩ đó cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn khi cùng tham gia cùng bàn luận về việc hôn nhân gia đình.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Gần đây trên mạng xã hội đang có tranh luận gì?

Thú thật tôi rất ngạc nhiên, không hiểu tại sao lại có số đông vậy hào hứng tham gia vào chủ đề “Đàn ông nên lấy vợ vùng nào?”. Thoạt nghe chúng ta đã thấy sự vô lý, rất trẻ con vì chuyện người này yêu người kia; người kia quyết định chung sống trọn đời với người này là do lựa chọn của họ. Vậy yếu tố vùng miền ở người phụ nữ có phải là yếu tố quyết định hay không?

Tôi nghĩ là không.

Không có người đàn ông nào ngớ ngẩn đến độ đặt ra cho mình “tiêu chí” vợ mình/ người yêu của mình phải là người vùng A, B, C, D nào đó. Nếu máy móc như thế thì không lẽ khi bị “tiếng sét ái tình”, ngay lập tức người ta hỏi: “Bạn sinh ra ở vùng nào?”. Một khi nghe câu hỏi tọc mạch đó, chắc chắn cô gái đó sẽ trả lời bằng... “con mắt mang hình viên đạn”. Nếu không dám hỏi, người đó lặng lẽ tìm hiểu, chẳng lẽ mình sẽ rút lui vì người mình tìm kiếm là phải sinh ra ở vùng A, nhưng cô ta lại sinh ở vùng B, vậy mình phải bỏ cuộc?

Trường hợp này xảy ra liệu chừng đó có phải là tình yêu? Hoàn toàn không vì tình yêu bởi chẳng khác gì khi lựa chọn đôi giày, đôi dép với túi xách do nhãn hàng nào đó làm ra, chứ không phải xuất phát từ gu thẩm mỹ của chính mình. Trong cuộc tranh luận này, có người dẫn chứng câu chuyện của chính anh ta. Rằng khi anh cưới vợ người vùng A, sau đó, hai vợ chồng chia tay nhau, anh ta cho rằng tất cả những cô gái sinh ra vùng này đều thực dụng, ham muốn vật chất hơn là có tình yêu thủy chung.

Bằng chứng là đã có thời kỳ hai người chung sống êm ấm là do anh ta làm ra tiền, hàng tháng đều đem tiền về nộp đầy đủ cho vợ nhưng đi khi thất nghiệp trở thành người “bám váy vợ” thì cô vợ khinh thường ra mặt, không còn “anh anh em em” ngọt ngào như trước nữa. Câu chuyện này chính xác, đúng sai ra sao, không bàn đến, tôi chỉ ngạc nhiên về một thói quen hồ đồ là tại sao từ câu chuyện cá nhân lại khái quát lên thành tính cách của phụ nữ của vùng A? Không riêng tôi, chắc chắn mọi người cũng đồng ý với suy nghĩ này.

Lại có người cho rằng, đàn ông muốn sung sướng thì phải lấy vợ vùng B, đây là phụ nữ ở vùng đó lâu nay nổi tiếng khéo tay, làm bếp giỏi luôn chiều chuộng chồng con. Khi mọi người đặt câu hỏi vì sao lại quả quyết như vậy? Anh ta cho rằng là do nhìn từ…. tính cách của mẹ mình.

Lại nữa thật ngạc nhiên khi không ít người cho rằng chọn vợ thì nên chọn các cô đang sống ở vùng thành thị vì đó là nơi có đầy đủ tiện nghi, văn minh, sau này các con mình sẽ được hưởng thụ những thành quả đó. Vậy tất cả những cô ở vùng nông thôn thì đều ế chồng? Không cần phải dài dòng, bất kỳ ai cũng đã thấy sự vô lý. Thật ra một khi đem yếu tố vùng miền áp dụng vào lĩnh vực hôn nhân tình yêu nói trắng phớ ra điều đó rất ngớ ngẩn.

Theo tôi, khi tham gia vào tranh luận “Đàn ông nên lấy vợ vùng nào?” hoặc “Phụ nữ nên lấy chồng vùng nào?” là sự rỗi hơi, không cần thiết. Bởi vì qua đó, ngươi ta không rút ra được kết luận nào cả, chỉ tốn thời gian vô ích. Khi đặt vấn đề này trong bài viết này, chắc chắn nhiều bạn đọc đứng đắn có thể đặt câu hỏi “bộ hết đề tài rồi sao mà bàn chuyện lẩm cẩm này?” Không đâu, tâm lý và suy nghĩ kỳ quặc này đang là “thời sự” phổ biến. Vì thế, có thêm ý kiến này cũng là điều cần thiết.

LÊ MINH QUỐC

;
.