"Trống đánh xuôi", kèn đừng "thổi ngược"

Thứ Sáu, 17/02/2023, 19:55 [GMT+7]
In bài này
.

Khi đến với nhau, cả hai ký kết “ăn đời ở kiếp”, các bậc làm cha mẹ thường nhắn nhủ “đôi trẻ” câu này: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Tôi nghĩ đúng lắm. Kìa, chẳng cần nhìn đâu xa, liếc sang nhà hàng xóm đã thấy ngay đó thôi, có thể nhà đó không giàu có, chỉ là công nhân bình thường, thu nhập không nhiều hơn nhà mình nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Do đâu mà họ vui vẻ đến thế? Ngược lại, có thể mình làm ăn khấm khá hơn, nhìn vào ai cũng thấy “hoành tráng” hơn nhưng rồi chỉ “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.

Một trong những biểu hiện ấy, theo tôi vẫn là lúc “trống đánh xuôi, kẻn thổi ngược”, tức cả hai không tìm ra tiếng nói chung khi giải quyết những vấn đề bình thường trong cuộc sống. Gay go nhất vẫn là ở điểm này, bởi con người ta có thể khác nhau trong sở thích, quan niệm sống, gu thẩm mỹ là do nhu cầu mỗi cá nhân. Thế nhưng ở đây họ vẫn không thể “thỏa hiệp”, dù cùng hướng đến mục tiêu chung. Cùng nhằm đạt đến sự tốt đẹp hơn, nhưng rồi lại gấu ó nhau.

Mấu chốt của sự rắc rối chính đây.

Tôi có anh bạn thân thiết thời đi học, cả hai cùng tâm sự lẫn nhau về công việc sau này. Anh ta cho biết dứt khoát mình phải theo nghề bác sĩ. Suy nghĩ này đáng khen lắm, vì ngay từ thời đi học đã định hướng nghề nghiệp để càng quyết tâm học hành đạt đến mục đích. Nhưng rồi, đời không như là mơ. Cuối cùng, anh trở thành nhân viên quèn trong công ty nọ. Ước mơ ngày xưa đã tuột khỏi tầm tay.

Vậy, an phận chăng?

Không. Sau khi lập gia đình, có con, anh chăm bẳm giáo dục con đi theo con đường mình đã chọn. Vâng, có những người sau khi thất bại chuyện này chuyện kia thì những muốn con mình phải thực hiện cho bằng được. Sự bắt buộc ấy có nên chăng? Ở đây tôi không bàn luận, chỉ biết rằng vợ anh không thích con mình học ngành y khoa, mà phải theo nghề kinh doanh. Trước tình huống này, phải làm sao để thuyết phục vợ?

Tôi nghĩ, người có thể trả lời câu hỏi này chính là đưa con của anh. Nó thích theo nghề gì mới là quan trọng, chứ người lớn chúng ta, dù sinh đẻ ra nó cũng không thể can thiệp. Thiết nghĩ khi đứa trẻ lớn lên, các bậc phụ huynh cần định hướng cho con về “đường đi nước bước” về sau nhưng cần thiết nhất vẫn còn tuỳ thuộc vào khả năng và sở thích của nó. Câu chuyện này, tôi nghĩ có tính phổ biến cho mọi nhà, nếu có khác vẫn là tùy vào trường hợp cụ thể mà thôi.

Thật buồn cười, ngay sát nhà tôi có thời gian thỉnh thoảng lại nghe tiếng vợ chồng anh X cãi nhau như mổ bò. Dù họ không kể nhưng qua các câu cãi cọ, cả xóm đều biết. Rằng, trước khi quyết định xây nhà, anh X muốn dành diện tích phía trước làm khoảng sân để trồng cây, nuôi cá kiểng, đặt bộ bàn ghế ngồi thư giản mỗi ngày; ngược lại, cô vợ những muốn xây tất với lý lẽ, “Thời buổi này, tấc đất tấc vàng, tận dụng được thì tốt chớ việc gì phải vẽ chuyện?”, cô ta nói.

Xét ra, cả hai cùng có lý, vậy, một trong hai người phải rút lại ý kiến của mình, chìu theo sở thích của “một nửa”. Được vậy thì tốt thôi. Nếu ai cũng xem cái lý lẽ của mình mới đúng nên cứ khư khư giữ lấy, từ đó, nhà xây đâu chưa thấy nhưng câu chuyện riêng tư của mình thì… cả xóm cùng biết!

Có thể nói hôn nhân vẫn là đề tài… bao giờ cũng có “tính thời sự”, vì rằng, bao nhiều đời này, các tình huống ấy vẫn cứ diễn ra, lặp đi lặp lại đó thôi. Bạn có bao giờ rơi vào tình cảnh này chưa? Rằng, sau công việc mệt nhọc của một ngày, bạn cho phép mình thư giản bằng cách nằm dài ra nghe nhạc hoặc lướt web giải trí. Việc này chính đáng quá đi chứ. Nhưng có người lại nhìn thấy gai mắt quá, bèn nặng nhẹ: “Nhà cửa bừa bãi thế này mà còn nằm ra đó à? Chẳng lẽ việc lớn viêc nhỏ trong cái nhà nay thì  phải osin này ra tay?”. Nghe sướng tai chưa? Từ vai trò người vợ, cô vợ tự mỉa mai mình chỉ là con sen, kẻ giúp việc. À, cô vợ nói đúng nếu nhìn nhà cửa ngay lúc đó, nhưng cô không đúng ở chỗ là không chia sẻ với giây phút mà chồng cần nghỉ ngơi, sau khi đã làm quá nhiều việc khác.

Câu chuyện này, cách đây hơn 50 năm trước nhân vật của nhà văn Tô Hoài cũng thế thôi. Khi nhìn thấy chồng nằm thư giãn với câu hát ư ử cho rộn nhà, cô vợ mắng luôn: “Nằm chỏng lên đấy, hát với hỏng, được cái tích sự gì!”. Cái chỗ này mới là cái tức. Vợ anh bảo anh nằm chỏng lên đấy, hát với hỏng. Ra ý mỉa anh không đi làm bữa nay, vô tích sự đấy. Này, trời! thực con đàn bà kia ăn nói những điều phụ công phụ của quá đỗi. Cả năm anh đi làm quần quật. Họa có ngày “đằng ấy” người ta hết việc, mới được nghỉ như hôm nay. Rỗi rãi thì anh nằm một tý, chứ sao. Nó láo quá”.

Khi nghĩ trong đầu “Nó láo quá”, tức là lúc ấy… sấm sét cũng bắt đầu đùng đùng kéo tới! Hỡi ôi, có những chuyện tưởng nhỏ nhưng rồi nếu không khéo thấu cảm cho nhau ắt lớn chuyện. Vậy, trước tình huống mà vợ và chồng đều có lý, ta phải làm sao để giải quyết. Một nhà tư vấn tâm lý bảo rằng: “Nếu đất không chịu trời thì trởi phải chịu đất”. Tôi hiểu là người này phải chấp nhận ý kiến của người kia; và ngược lại. Chứ ai cũng khăng khăng giữ lấy quan điểm, suy nghĩ, sở thích của mình e khó có thể “thuận vợ thuận chồng”. Mà điều này cũng hợp lý, vì ý kiến nào cũng vì mong muốn đạt đến mục tiêu tốt đẹp hơn mà thôi.

LÊ MINH QUỐC

;
.