Giữa "một nửa" và... tiền - chọn gì?

Thứ Sáu, 10/02/2023, 19:48 [GMT+7]
In bài này
.

Chà, thật là một câu hỏi khó, làm sao có thể trả lời cho suôn sẻ bởi vợ/chồng và tiền đều quan trọng, không thể thiếu trong đời sống của mỗi người. Có thể tình huống khiến người ta phải so đo, suy ngẫm là vào ngày đầu năm, nắng ngoài đường mơn mởn như thiếu nữ dậy thì. Lúc ấy, trong dạt dào cảm xúc, biết đâu có người lại nghĩ đến một “nghịch lý” rồi tặc lưỡi: “Thời trẻ, cái gì cũng có. Có từ nhan sắc, thời gian, sức khỏe đến khát vọng đội đá vá trời nhưng than ôi, điều quan trọng nhất là tiền thì trong túi không một xu teng nào. Ngược lại khi đã về già, có tất tần tật mọi thứ, tất nhiên có tiền, thậm chí có nhiều tiền nhưng rồi bên cạnh mình chẳng có ai “đầu ấp tay gối” tâm tình mỗi ngày”.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Rõ ràng, trong trường hợp này, tiền không là gì cả. Tôi có anh bạn thời còn trai trẻ khi gia cảnh quá khó khăn, anh nghĩ phải dành hết thời gian để làm ra thật nhiều tiền. Bè bạn chung quanh thì ai cũng nhà cao cửa rộng, còn mình thì sao? Thì vẫn chiếc xe cà tàng, quần áo chưng diện chẳng có gì cho “ra hồn”, do đó anh “hạ quyết tâm”phải đổi đời. Chuyện này tốt thôi. Trong đời, chán nhất là những ai ù lì, không phấn đấu, nỗ lực vươn lên, chứ suy nghĩ tích cực như anh thì đáng khen lắm.

Năm tháng trôi qua, bạn bè ai cũng mừng khi thấy anh đã thay đổi nhiều trong cuộc sống. Lần nọ, sau khi nghe bạn bè khen ngợi những tưởng anh sẽ cười khoái chí, nào ngờ gương mặt anh xụ xuống như bánh tráng bị nhúng nước và buông ra một câu thở dài: “Tiền nhiều cũng chắc gì đã sung sướng”. Quái lạ, sao lại thế? Hỏi ra, anh mới tỉ tê tâm sự, đại khái, do muốn có điều kiện giàu nhanh, mau kiếm được nhiều tiền nên anh đã phụ rẫy người bạn đời đã nhiều năm gắn bó.

Từ đó, anh tìm mọi cách “bắt cầu” qua cô khác chỉ đơn giản vì cô ấy “tiểu thư lá ngọc cành vàng”, gia đình giàu có. Ông trời dường như thấu cảm với nỗi niềm của anh nên đã “se duyên”(!?). Vậy là ngon lành quá chứ gì? Chưa chắc. “Vợ chồng mình như ông chẳng bà chuộc, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, sau khi có tiền, có điều kiện thì mình thích giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như bản thân mình ngày xưa nhưng cô vợ lại khác hẳn, chỉ muốn thu vén càng nhiều càng tốt, một xu cũng không dám tiêu xài, chứ nói gì đến chia sẻ cho ai khác”.

Tôi nghĩ, trong trường hợp này, sự xung đột mâu thuẫn chính là quan niệm sống của mỗi người. Mà, làm nên hạnh phúc gia đình thì thiết nghĩ không phải tiền nhiều hay ít, vẫn chính là cả hai có cùng chung “quan điểm” hay không? Nhà văn Saint Exupéry - tác giả quyển sách nổi tiếng Hoàng tử bé có nói một câu chí lý: “Yêu nhau, không phải nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng”. Thử hỏi, trong khi anh bạn tôi nhìn về những cảnh ngộ khó khăn, những muốn đem tiền ra giúp đỡ, còn cô vợ chỉ nhìn về phía… cái két sắt thì cả hai có thể đồng điệu tiếng nói chung?

Ngược lại, chúng ta đã từng biết có nhiều cặp vợ chồng dù không giàu nhưng họ lúc nào cũng “dính như sam”, chồng đâu vợ đó, đơn giản chỉ vì họ bằng lòng với những gì đang có và cùng đồng thuận về quan điểm sống. Chẳng phải lý thuyết đâu, nhiều lúc tôi nghĩ đến trường hợp của vợ chồng anh X mà thương. Thương ở chỗ là họ yêu nhau từ hồi còn đi học và cưới nhau, cùng dạy học, chung sống hạnh phúc nhưng rồi lại “tan đàn xẻ nghé” vì lý do lãng xẹt.

Rằng, sau khi có con  thì cô vợ đâm ra khác trước, tức là mong muốn thu nhập ngày càng nhiều hơn, chỉ vì cần lo cho con về sau. Tốt thôi. Thế là cô bỏ nghề dạy học chuyển sang môi giới bất động sản và may thay cũng “thắng đậm” sau nhiều lần mua đi-bán lại. Sau khi có tiền, cô vợ quyết định cho con du học, anh X đồng thuận nhưng cân nhắc là cho học ở Singapore vì phù hợp túi tiền mà vợ chồng đang có.

Hợp lý quá đi chứ?

“Không, đã du học thì phải học ở Mỹ mới bảnh”, cô vợ nói. Vậy, tiền đâu? Chính vì phải trả lời câu hỏi này cho bằng được mà cuối cùng vợ chồng anh đành chọn phương án vay tiền ngân hàng. Ừ, lo cho con cũng tốt thôi. Có điều sự vay mượn đó đã trở thành áp lực lên vợ chồng anh mỗi ngày. Trước kia, thỉnh thoảng họ có thể dẫn nhau du lịch, mua sắm nọ kia, có thời gian nghỉ ngơi thư giãn xem phim, đọc sách…  thì nay phải ra sức “cày” mỗi ngày để kiếm ra tiền. Từ chỗ dạy một trường, nay anh phải dạy thêm nhiều chỗ khác nữa; từ chỗ chỉ môi giới bất động sản, cô vợ lại kiêm “chơi” chứng khoán dù không mấy rành rẽ. Cứ thế, thời gian cuốn đi cho đến lúc anh… đưa tay đầu hàng!

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ca từ: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Chọn những bông hoa và những nụ cười”. Đời sống hôn nhân cũng thế. Cả hai đều cần có niềm vui cho nhau, kể cả niềm vui, sở thích riêng tư nữa. Thế mà nay bỏ tất chỉ lao theo cách phải kiếm ra tiền thì tâm trí ra sao? Ai cũng biết, đồng tiền là cần nhưng thật ra cái cần hơn nữa vẫn là sự đồng thuận giữa vợ và chồng.

LÊ MINH QUỐC

;
.