Thực phẩm chức năng không phải "thần dược"

Thứ Sáu, 16/12/2022, 18:14 [GMT+7]
In bài này
.

Trong ngành công nghiệp dược phẩm và các sản phẩm liên quan, thì mặt hàng thực phẩm chức năng là một trong những loại mang lại lợi nhuận nhiều nhất. Chỉ tính riêng nước Mỹ, mỗi năm nó đem về cho các hãng sản xuất số tiền 6,85 tỷ USD…

Một số loại thực phẩm chức năng được quảng cáo như “thần dược”.
Một số loại thực phẩm chức năng được quảng cáo như “thần dược”.

Trên thế giới, Seven Seas và Vitabiotics là 2 đại gia đứng đầu ngành sản xuất thực phẩm chức năng. Một trong những sản phẩm phổ biến nhất của Vitabiotic là Glucosamine và Chondroitin, được cho là có tác dụng hỗ trợ khớp xương, làm giảm nguy cơ thoái hóa đĩa đệm ở khớp, cũng như tăng cường khả năng vận động khớp. Tuy nhiên, những quảng cáo này đã bị Cộng đồng châu Âu (EU) chính thức bác bỏ, vì thổi phồng lợi ích, gây hiểu lầm hoặc đánh lừa người tiêu dùng. Bên cạnh đó, 2 chất Prebiotic và Probiotic, được quảng cáo là có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng miễn dịch cũng bị EU bác bỏ.

Với những người mắc bệnh tim mạch, Seven Sears đưa ra 3 sản phẩm, gồm: viên nang Probiotic Bioglan, bột Bimuno Prebiotic và Seven Seas Cardiomax, được cho là “cải thiện các bệnh lý tim mạch, giúp tim khỏe mạnh hơn”, nhưng theo EU, tất cả những tuyên bố này chưa được chứng minh. Theo ông Richard Lloyd, Giám đốc điều hành của Cơ quan Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Anh quốc, đang có một sự lo lắng rằng, các hãng sản xuất thực phẩm chức năng không minh bạch trong những thông tin in trên bao bì. Chúng tôi đã yêu cầu họ phải chứng minh các chứng cứ khoa học, nhưng họ vẫn tiếp tục sử dụng những ngôn ngữ làm cho người tiêu dùng sa vào “mê hồn trận”.

Được biết, trong 5 năm qua, ngành công nghiệp thực phẩm chức năng trên toàn châu Âu đã nộp 44 ngàn hồ sơ xin phép đưa sản phẩm ra thị trường - trong đó chủ yếu là các chất hỗ trợ tiêu hóa như: Prebiotic, Probiotic, hỗ trợ xương khớp như: Bioglan Glucosamine, Chondroitin, Glucosamine Sulphate, làm giảm chlolesteron như: Vitabiotics Jointace, hỗ trợ não bộ như: Phosphatidylserine, L-arginine, và Optima Activ Juice, nhưng chỉ có 248 hồ sơ chấp thuận, trong đó 153 hồ sơ buộc phải thay đổi hoặc hủy bỏ một số chi tiết quảng cáo trên bao bì.

Phản bác lại những ý kiến của EU, ông Graham Keen, Giám đốc Hiệp hội thực phẩm chức năng châu Âu (HFMA) nói: “Báo cáo của EU là không chính xác, vì họ suy luận rằng, các nhà sản xuất đang lừa dối khách hàng. Nhưng thật ra, họ chỉ dựa vào một thành phần nào đó, không đạt yêu cầu trong sản phẩm, rồi kết luận, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không có lợi cho sức khỏe”.

Vẫn theo ông Graham Keen, Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) đã quá khắt khe khi kiểm định những loại thực phẩm chức năng. EFSA đã từ chối cho lưu hành nhiều mặt hàng với tuyên bố là “không mang lại lợi ích cho sức khỏe như đã quảng cáo, trong lúc thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau”.

Về phía những nhà sản xuất, họ kịch liệt phản đối những cáo buộc của EU khi cho rằng, họ đã lừa dối công chúng. Hai đại gia Seven Seas và Vitabiotics khẳng định họ đang cung cấp cho người dùng những sản phẩm tốt nhất, được chọn lọc nhất và hoàn toàn không gây tai biến cũng như tác dụng phụ.

Với đại đa số người tiêu dùng, thực phẩm chức năng là loại thực phẩm không chỉ cung cấp dinh dưỡng cơ bản, mà còn có thể phòng chống bệnh tật và tăng cường sức khỏe nhờ các chất chống oxy hóa, chẳng hạn như: beta-caroten, lycopen, lutein, vitamin C, vitamin E, chất xơ và một số thành phần khác. Nó được đóng gói như những thực phẩm thông thường, nhưng trên bao bì chỉ có 2 thông tin: Một là “xác nhận có lợi cho sức khỏe” và hai là “xác nhận về cấu trúc, chức năng”.

Ở Mỹ, theo quy định, những thực phẩm xác nhận có lợi cho sức khỏe phải được Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chứng nhận trước khi đưa ra thị trường, còn những thực phẩm dùng để chuyển tải những lợi ích tiềm tàng, nhưng chưa chắc chắn cho sức khỏe con người - chẳng hạn như “giúp hỗ trợ tiêu hóa”, thì không đòi hỏi FDA xác nhận, nhưng nhà sản xuất phải công bố đầy đủ tài liệu để chứng minh khi đăng ký sản phẩm. Tuy nhiên, hầu như chưa hề có một nhà sản xuất nào đáp ứng yêu cầu ấy, hoặc nếu có, thì chỉ lập lờ “được chế tạo bởi những thành phần tốt nhất trong tự nhiên”.

Đến nay, thế giới vẫn chưa có một định nghĩa chung về thực phẩm chức năng vì một số sản phẩm dán nhãn với định danh này, nhưng lại không trải qua một thử nghiệm, hoặc tuân theo tiêu chuẩn nào. Mặt khác, một số loại luồn lách bằng cách bổ sung thêm một số vitamin rồi gọi nó là “thực phẩm thực dưỡng”. Trên thực tế, mỗi năm ở Mỹ có 1/3 người tiêu dùng thường xuyên sử dụng những loại thực thẩm thực dưỡng, nhưng cũng có hàng trăm ngàn người than phiền về chất lượng và tính an toàn của nó.

Với mức độ tăng trưởng mỗi năm 25%, thị trường thực phẩm chức năng vẫn là mảnh đất béo bở, không chỉ riêng của những đại gia như Seven Seas và Vitabiotics, mà còn của những hãng sản xuất khác. Theo ước tính của EFSA, 30% các loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc động, thực vật như: sụn cá mập, vi cá mập, linh chi, đông trùng hạ thảo…, có hàm lượng chì, thủy ngân, thạch tín, vượt gấp nhiều lần mức cho phép.

Tuy nhiên, dù là thực phẩm, nhưng thực phẩm chức năng vẫn có thể gây tác dụng phụ hoặc phản ứng có hại giống như thuốc chữa bệnh, thậm chí có thể gây dị ứng nặng, nhất là sốc phản vệ. FDA khuyến cáo: “Khi đi khám bệnh, cần cho bác sĩ biết mình đã dùng những loại thực phẩm chức năng nào. Trường hợp muốn có thêm thực phẩm chức năng, thì bác sĩ sẽ quyết định, vì nó có thể gây ra những phản ứng bất lợi với thuốc điều trị”.

Theo Tiến sĩ John Cummings, Chủ nhiệm Bộ môn dinh dưỡng điều trị, Trường ĐH Y khoa Harvard, Mỹ: “Ngoại trừ những vi chất dinh dưỡng cần phải bổ sung từ bên ngoài vì cơ thể không tự tổng hợp được, còn thì các vitamin, khoáng chất…, đều có sẵn trong số những thức ăn hằng ngày. Nếu chúng ta chọn lựa cho mình một bữa ăn đầy đủ và cân đối giữa chất đạm, chất béo, tinh bột cùng rau, củ, quả, thì cần gì đến thực phẩm chức năng nữa…”.

VŨ CAO
(Theo Health News)

;
.