Chuyện riêng-chuyện chung: Thay đổi thói quen

Thứ Ba, 17/03/2020, 00:50 [GMT+7]
In bài này
.

Những thói quen rất nhỏ, đôi khi, đem lại mối nguy lớn, nhất là thói quen trong vệ sinh ăn uống, sinh hoạt ngày thường vào thời điểm virus Corona có thể “ghé thăm” bất cứ ai. 

Việc thay đổi thói quen ăn uống như dùng thực phẩm tái, sống; thói quen dùng chung đồ dùng như đũa để gắp thức ăn chung, dùng chung một chén nước chấm,...  giúp phòng tránh được nhiều bệnh dịch.
Việc thay đổi thói quen ăn uống như dùng thực phẩm tái, sống; thói quen dùng chung đồ dùng như đũa để gắp thức ăn chung, dùng chung một chén nước chấm,... giúp phòng tránh được nhiều bệnh dịch.

Tôi bước vào quán, đang nhớn nhác tìm bạn thì một cánh tay rắn chắc kéo tay tôi. “Lâu quá mới gặp! Làm với anh một  ly đi chú”. Anh bạn hồi học lái xe chung hồ hởi nói và đưa ngay ly bia của anh đang uống lên như đặt vào miệng tôi. Thú thật, nếu là lúc khác, tôi cũng đã sôi nổi hô “dô dô” và hừng hực uống. Nhưng nay thì, nhớ ngay đến bài học về nguyên lý lây lan của con virus cúm khó ưa kia, tôi thận trọng xin một chiếc ly mới, rót vừa đủ uống và nói lời tạm biệt người bạn sau khi đã trả chiếc ly lại cho cô nhân viên phục vụ bàn.

Cũng ngay trong bữa ăn tối với bạn, chúng tôi gọi nhân viên phục vụ mang thêm các bộ nước chấm, muỗng nĩa riêng cho từng người, không vô tư chấm miếng cá nướng vào chung một đĩa muối ớt như trước. Món cá hấp cũng lấy từng đĩa nhỏ cho mỗi người. Cô nhân viên cũng ý tứ dùng kẹp gắp giúp mực chiên giòn, rau củ quả luộc vào chén, không để chúng tôi đưa đũa riêng gắp vào đĩa thức ăn chung như trước. Và rượu thì tuyệt đối không kề môi uống chung theo kiểu “xây chừng”, cũng không chạm cốc như mọi khi chúng tôi vẫn “chén anh, chén chú”.

Thật ra, không đợi đến bây giờ, khi mà mối lo ngại về sự lây lan của dịch COVID-19 ngày càng lớn dần chúng ta mới nhận ra mình quá dễ dãi trong sinh hoạt cá nhân. Đôi khi vừa quá thân tình, hoặc không câu nệ, vì là người nhà – cha mẹ, con cái, vợ chồng cứ thoải mái dùng chung khăn, uống chung ly, chung muỗng nĩa… Một số bệnh về răng, miệng vẫn thường lây lan khi sử dụng chung ly uống nước, muỗng nĩa với người mang bệnh sẵn. Và dễ thấy nhất là các vi khuẩn viêm họng liên cầu, cảm lạnh, herpes,... và thậm chí là viêm màng não đều có thể được trao đổi thông qua nước bọt còn sót lại trên ly, muỗng, đũa khi dùng chung.

Các bác sĩ da liễu cũng đưa ra danh sách hơn chục loại vật dụng cá nhân tuyệt đối không dùng chung như mũ bảo hiểm, bàn chải đánh răng, tai nghe, kềm cắt móng, dao cạo râu, nhíp nhổ chân mày, son môi, cây lăn khử mùi, xà phòng, lược chải tóc, khăn tắm... Theo giải thích của các bác sĩ, tuy không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng có vô số vi khuẩn, virus và nấm mốc ẩn giấu trong những khe nhỏ của các loại vật dụng này. Đây còn là một trong những con đường lây lan các bệnh như viêm gan siêu vi C, nhiễm trùng tụ cầu khuẩn, mắt đỏ và tất cả các loại mụn cóc, nấm tay chân, nấm tóc…

Thói quen sử dụng chung vật dụng sinh hoạt cá nhân chỉ là một trong những yếu tố có khả năng trở thành tác nhân “tiếp sức” cho việc lây lan virus, phát tán mầm bệnh. Và bản thân thói quen này, xét về mặt thẩm mỹ, phong cách cũng không thật sự đẹp mắt. Dù rất nhỏ, nhưng thay đổi thói quen không thật sự hợp vệ sinh để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh vẫn là một điều nên làm. Điều đó cũng thể hiện sự chủ động trong phòng bệnh của tôi, của bạn và tất cả mọi người xung quanh ta.

Bài, ảnh: NGUYỄN KHANH

 

;
.