Nhà lớn Long Sơn - kỳ 5: Nét kiến trúc độc đáo

Thứ Năm, 07/11/2019, 19:27 [GMT+7]
In bài này
.

Nhà Lớn Long Sơn là một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ mang nhiều nét đặc sắc, độc nhất vô nhị, là biểu hiện sinh động và rất ấn tượng đối với du khách về sự pha trộn tín ngưỡng dân gian địa phương với Nho giáo và Lão giáo.

Cách bày trí nội thất khu Nhà Lớn thể hiện sự uy nghị với nhiều đồ vật  bằng gỗ lim cẩn xà cừ, chạm khắc tinh xảo.
Cách bày trí nội thất khu Nhà Lớn thể hiện sự uy nghị với nhiều đồ vật bằng gỗ lim cẩn xà cừ, chạm khắc tinh xảo.

Đến Khu di tích Nhà lớn Long Sơn, cảm giác đầu tiên của mỗi du khách là vừa thân thuộc nhưng lại vừa kỳ lạ. Nhà Lớn Long Sơn là một quần thể kiến trúc gồm nhiều ngôi nhà có lối kiến trúc tựa kiểu đình làng Việt Nam, được làm bằng gạch ngói và các loại gỗ quý, nằm trên tổng diện tích khoảng 2ha. Điều đặc biệt của Nhà Lớn Long Sơn là các công trình không được xây theo một quy hoạch tổng thể nào. Nhà lầu, nhà trệt xen kẽ kế tiếp nhau, không cân đối, không sau trước, đã tạo nên một bố cục kiến trúc khác lạ.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu Nhà lớn, dì Ba Kiềm cho biết: Nhà lớn Long Sơn được xây dựng trong gần 20 năm (từ năm 1910 đến 1929 thì hoàn thành). Đây là một tập hợp quần thể kiến trúc khép kín và liên thông, được chia thành 3 khu riêng biệt đó là: Khu nhà thờ, khu lăng mộ Ông Trần, và một khu gồm nhiều nhà với các chức năng khác nhau. Các công trình đều mang màu sắc tươi sáng với tường vôi trắng, các ô cửa, mành che và vách gỗ sơn xanh, thể hiện nét tín ngưỡng của đạo Ông Trần và tính quần cư, đoàn kết giữa những người dân tha hương khi đến chốn rừng núi hoang vu lập nghiệp. Tất cả vật liệu cần thiết để xây dựng nên Nhà Lớn ngày nay đều là của Ông Trần và những người tin theo ông tự nguyện gom góp. Mục đích chính của Nhà Lớn Long Sơn là làm nơi thờ cúng của đạo Khổng Tử, và nhà Thánh (thờ Khổng Tử) - Chánh Điện, là khu vực đầu tiên được xây dựng. Ban đầu, Nhà Lớn được làm bằng gỗ ván, tre nứa, nhưng sau này khi trùng tu, các con cháu và đệ tử Ông Trần đã cho thay thế một phần gạch ngói và xi măng.

Ấn tượng nhất ở Nhà Lớn Long Sơn là khu nhà thờ. Khu nhà này quay mặt về hướng Đông, có diện tích 7.800m2 bao gồm các công trình kiến trúc: Lầu Cấm (Tiền điện); Nhà Thánh, Lầu Trời, Lầu Tiên, Lầu Phật (Chính điện), nhà Hậu (Hậu điện) và Lầu Dài là nơi lễ nghi hội hè. Ngoài ra còn một số nhà phụ như: lẫm đựng lúa, kho đựng đồ, nhà bếp, nhà máy đèn, nhà ở của bá tánh và dòng tộc... Khu đền thờ ngăn cách với khu ngoài bằng bức tường hoa, trên có gắn những tượng: Phượng hoàng, nghê bằng gốm men xanh. Từ ngoài vào khu đền thờ qua 2 cổng được xây bằng ciment quét vôi trắng rộng 2,5m, trên cổng đắp nổi hình cuốn thư với những hoa tiết trang trí hình dải đao. Trên nóc có tượng hình 2 con sư tử chầu nguyệt và tượng người đứng tay nâng đĩa hình tròn bằng gốm phủ men lam.

Trong các gian thờ có vô số kỷ vật cổ, đa phần bằng gỗ quý. Cách bày trí nội thất khu di tích rất trang nghiêm, uy nghi với nhiều hoành phi, hương án bài vị, bàn thờ, tủ cẩn, câu đối... Với những tòa nhà, đền đài uy nghiêm, bề thế, khu đền thờ đã vượt quá tầm vóc của một dòng tộc trên một hòn đảo nhỏ. Cách bày trí nội thất khu di tích trang nghiêm, uy nghi với nhiều hoành phi, hương án bài vị, bàn thờ, tủ cẩn, câu đối... Tất cả các báu vật trên thật sự là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc có nguồn gốc từ nhiều nơi trên đất nước ta, thể hiện rõ nét truyền thống trang trí mỹ thuật của dân tộc bằng tứ linh, tứ quý, hoa lạ cỏ thiêng, hoa sen, lá đề cách điệu; lão mai, lão trúc hóa rồng. Nghệ thuật điêu khắc trên các đồ vật bộc lộ biểu hiện về ước mơ trong tâm thức của người lao động như bằng hoa mai tượng trưng cho tiểu vũ trụ, hoa địa lan linh thiêng, sen cho thanh cao trong sạch, lựu cho hạnh phúc, phát triển đông đủ.

Một góc Nhà Lớn Long Sơn. Ảnh: SONG THẢO
Một góc Nhà Lớn Long Sơn. Ảnh: SONG THẢO

Theo lời kể của các hương chức Nhà Lớn, hiện nơi đây đang tìm giữ nhiều sưu tập về tủ thờ bằng gỗ lim cẩn xà cừ, chạm khắc tinh xảo gồm 33 cái có nguồn gốc từ vùng Hà Đông (Bắc Bộ), bộ bàn ghế bát tiên, sưu tập đồng hồ cổ do Pháp chế tạo đầu thế kỷ 20. Chiếc giường cổ chạm khắc tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy, ghế ngai, bao lam... đều thể hiện giá trị nghệ thuật cao về điêu khắc trang trí mỹ thuật. Lịch sử xây dựng khu di tích cũng đồng thời là quá trình hình thành và phát triển của ấp Bà Trao. Vì vậy bố cục kiến trúc, nghệ thuật trang trí của khu Nhà Lớn đã phần nào thể hiện nét đặc trưng của những người theo Ông Trần.

“Việc trông coi và giữ gìn Nhà Lớn Long Sơn do nhân dân cùng con cháu Ông Trần tự nguyện thực hiện. Việc cúng lễ, quét dọn, tu sửa hàng ngày do phiên ngũ (5 người) đảm nhiệm, cứ 3 ngày thay phiên 1 lần, với trên 300 người thay phiên nhau”, dì Ba Kiềm cho chúng tôi biết thêm.

Bài, ảnh: SONG THẢO

;
.