Gặp gỡ những "Nhà giáo của năm"

Thứ Ba, 26/11/2019, 20:10 [GMT+7]
In bài này
.

Hai nhà giáo của tỉnh là cô Nguyễn Thị Sông Thương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP. Vũng Tàu) và cô Nguyễn Nữ Thu Thủy, Tổ trưởng Tổ Mẫu giáo Trường MN 1/6 (huyện Xuyên Mộc) đã được Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Bộ GD-ĐT tôn vinh “Nhà giáo của năm 2019”. Trong sự nghiệp trồng người, các cô không những làm tốt vai trò dạy học, quản lý giáo dục mà còn có những sáng kiến, cách làm hay, góp phần đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học của ngành GD-ĐT.

Cô Nguyễn Thị Sông Thương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP. Vũng Tàu) gặp gỡ và động viên HS.
Cô Nguyễn Thị Sông Thương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP. Vũng Tàu) gặp gỡ và động viên HS.

GIÁO VIÊN GIỎI MỚI CÓ HỌC SINH GIỎI

Cô Nguyễn Thị Sông Thương đã có 20 năm gắn bó với nghề giáo. Năm học 2013-2014, cô được giao đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng Trường THCS Duy Tân. 3 năm sau, năm học 2016-2017, cô được được điều động về Trường THCS Nguyễn An Ninh, giữ chức vụ Hiệu trưởng cho đến nay. Với cương vị lãnh đạo trường học, cô luôn sáng tạo để có những giải pháp thiết thực thúc đẩy xây dựng môi trường giáo dục hiệu quả. 

Cô Thương chia sẻ, muốn có HS giỏi, đội ngũ GV phải giỏi. Vì vậy, cô đặc biệt quan tâm đến công tác nhân sự. Cô lập kế hoạch phát triển trường học theo từng năm học, từ đó mạnh dạn đề xuất việc tuyển dụng, lựa chọn, sắp xếp nhân sự tại trường, đặt đúng người vào đúng chỗ và đúng lúc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân làm việc hiệu quả. “Với tổ trưởng chuyên môn, tôi chọn người giỏi nhất về tư tưởng chính trị, chuyên môn, kinh nghiệm sư phạm, uy tín, năng lực quản lý và đoàn kết nội bộ. Với GV giảng dạy, tôi phân công dựa vào đặc điểm, tình hình từng lớp, nguyện vọng của phụ huynh và HS, trình độ chuyên môn, sức khỏe”, cô chia sẻ kinh nghiệm.

Song song đó, với vai trò người đứng đầu, cô chủ động xây dựng chương trình đào tạo và bồi dưỡng nhân sự cho trường theo nguyên tắc mỗi bộ môn có một vài GV cốt cán. Chương trình bồi dưỡng theo hướng tích hợp, liên môn, dạy theo phương pháp mới, GV hướng dẫn, gợi mở cho HS. Nhờ đó, đội ngũ GV của trường đã phát huy đam mê, hiệu quả trong công tác giảng dạy.

Đối với HS, từ đầu năm học lớp 6, trường tổ chức kiểm tra kiến thức đầu vào, từ đó phân loại và sắp xếp HS vào lớp phù hợp; đồng thời thành lập các CLB tương ứng với từng môn học để HS tham gia sinh hoạt. Song song đó, nhà trường còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giúp HS rèn luyện phẩm chất, đạo đức như lồng ghép trong các môn học, kỹ năng giao tiếp ứng xử…

Nhờ những cống hiến của cô Thương, Trường THCS Nguyễn An Ninh luôn là lá cờ đầu bậc THCS toàn tỉnh. Bản thân cô đã được Thủ tướng, UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen.

Cô Nguyễn Nữ Thu Thủy, Tổ trưởng Tổ Mẫu giáo Trường MN 1/6 (huyện Xuyên Mộc) dỗ dành trẻ trước giờ ngủ trưa.
Cô Nguyễn Nữ Thu Thủy, Tổ trưởng Tổ Mẫu giáo Trường MN 1/6 (huyện Xuyên Mộc) dỗ dành trẻ trước giờ ngủ trưa.

ĐỂ TRẺ VUI ĐẾN TRƯỜNG

Cô Nguyễn Nữ Thu Thủy, Tổ trưởng Tổ Mẫu giáo, GV lớp 4-5 tuổi, Trường MN 1/6 là người năng động, chịu khó tìm tòi nghiên cứu cho ra đời nhiều ý tưởng hay trong công tác dạy học và xây dựng nhà trường. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm BR-VT, cô về trường công tác cho đến nay. Cô Thủy cho biết, nghề dạy trẻ MN vất vả, áp lực, song cũng mang lại cho cô nhiều niềm vui. “Để gắn bó lâu dài với nghề, GV cần có nhiệt huyết và tình thương yêu dành cho học trò”, cô Thủy nói.

Với quan niệm đó, trong quá trình dạy và chăm sóc trẻ, cô dành nhiều công sức, tâm huyết để nghiên cứu các phương pháp giảng dạy mới. Điển hình như sáng kiến Giáo dục trẻ bằng tình yêu thương. Đây là phương pháp giáo dục mới, GV không bạo lực với trẻ, tôn trọng trẻ thông qua các bài học, hoạt động trải nghiệm. Sử dụng phương pháp này, GV phải dạy trẻ biết yêu thương, quan tâm; đối xử với trẻ theo cách trẻ muốn; đồng thời phối hợp với cha mẹ để giáo dục con cái. Ngay từ ngày đầu đến lớp, GV gần gũi, yêu thương và hướng dẫn trẻ làm quen bạn bè, đồ dùng trong lớp, trao đổi với phụ huynh tìm hiểu thêm sở thích, thói quen của trẻ. Từ đó, các em cảm nhận sự quan tâm của cô và hào hứng khi đi học. Hơn nữa, GV không áp đặt trẻ phải thực hiện các yêu cầu của mình mà khiến cho trẻ thích thú khi được làm theo lời của cô giáo.

Hay như sáng kiến Phương pháp kỷ luật không nước mắt cũng được cô ứng dụng hiệu quả tại lớp học. Cô Thu Thủy chia sẻ, phương pháp này có các nội dung về xây dựng quy tắc thưởng phạt, nghệ thuật khen chê và ứng xử văn minh trong lớp học. Chẳng hạn, trẻ ngoan sẽ được cô tặng cờ, khi chê thì nên chê hành động của trẻ mà không chê trẻ; chỉ vào vấn đề cho trẻ thấy, không chỉ vào con người trẻ… Phương pháp kỷ luật không nước mắt giúp trẻ vui vẻ đến lớp, hạn chế lặp lại hành vi xấu.

Không chỉ là GV giỏi chuyên môn, cô Thủy còn mạnh dạn đề xuất nhiều ý tưởng cho Ban giám hiệu nhà trường trong công tác quản lý và xây dựng nhà trường. Đơn cử như đề xuất cho HS ăn trái cây trước khi ăn bữa chính; làm mái che giữa sân trường, sân bóng đá mini có trải thảm dành cho trẻ. Cô Thủy cho hay: “Dạy trẻ không chỉ đơn thuần là cho trẻ ăn, ngủ, chơi mà còn dạy cho các con năng lực, phẩm chất khác. Vì vậy, không chỉ có phương pháp dạy mà bản thân tôi còn phải làm gương cho trẻ, dạy trẻ bằng lòng nhiệt huyết, tình yêu thương. Có như vậy, nhà trường mới tạo sự yên tâm cho phụ huynh và trẻ hào hứng đến lớp”.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.