Bạo lực học đường dưới góc nhìn của học sinh

Thứ Sáu, 04/10/2019, 19:41 [GMT+7]
In bài này
.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường (BLHĐ), Sở LĐTBXH phối hợp với Sở GD-ĐT, Hội LHPN tỉnh và Tỉnh Đoàn vừa tổ chức hội thi “Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trong trường học” với chủ đề “Hãy nói không với bạo lực”. Thông qua đó, các em chuyển tải thông điệp phòng, chống BLHĐ một cách sinh động, dễ hiểu đến bạn bè, phụ huynh, thầy cô giáo cũng như các cấp quản lý. 

Hội thi diễn ra cuối tháng 9 vừa qua với sự tham gia của gần 600 HS đến từ 27 trường THPT, Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh. Ý nghĩa và hấp dẫn nhất hội thi là phần tiểu phẩm phản ánh về BLHĐ. Các em HS đã để lại cho khán giả nhiều suy ngẫm khi nhập vai những nạn nhân, tội nhân để thể hiện, phân tích, bình luận, đánh giá tình trạng BLHĐ - đang là một trong những vấn đề nhức nhối trong trường học hiện nay.

 Cảnh đánh nhau trong trường học được HS Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Châu Đức) thể hiện trong phần thi tiểu phẩm về bạo lực học đường.
Cảnh đánh nhau trong trường học được HS Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Châu Đức) thể hiện trong phần thi tiểu phẩm về bạo lực học đường.

Theo các em, một trong những nguyên nhân sâu xa gây nên tình trạng BLHĐ là sự bất bình đẳng giới. Đó cũng là nội dung được nhiều trường học thể hiện qua tiểu phẩm giả định về tình huống BLHĐ. Nhóm HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.Vũng Tàu) mang đến hội thi tiểu phẩm “Nghẹn”. Tiểu phẩm mở đầu với hình ảnh Ngọc Anh ngã khuỵu trên sân khấu, khóc nức nở sau nhiều lần bị bạn đánh đập. Em buồn chán, tuyệt vọng với hoàn cảnh gia đình: Bố vì mong có một đứa con trai nối dõi tông đường mà bỏ rơi mẹ con Ngọc Anh. Để “làm con trai” như ý bố, Ngọc Anh cắt tóc ngắn, ăn mặc giống con trai thì bị bạn bè kỳ thị, ghét. Tiếp đó, sân khấu nhốn nháo khi đám bạn chung lớp xuất hiện, thường xuyên gây chuyện, kiếm cớ để chọc ghẹo, bắt nạt, đánh Ngọc Anh khiến em bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần. Mái trường không còn là nơi an toàn, là niềm vui trong mỗi ngày đi học của Ngọc Anh. Chứng kiến cảnh này, người bạn thân của Ngọc Anh đã động viên, đồng thời lên tiếng bảo vệ. Sau đó, các bạn dần hiểu, thông cảm và yêu thương Ngọc Anh. “BLHĐ có thể gây tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần nạn nhân. Chỉ có yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu thì bạn bè mới gắn bó với nhau và đẩy lùi được tình trạng BLHĐ”, Phạm Ngọc Anh (HS lớp 11 Toán 1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) chia sẻ sau khi diễn cùng các bạn.

Tiểu phẩm “Lỗi lầm” của HS Trường THPT Minh Đạm (huyện Long Điền) cũng đặt vấn đề định kiến và phân biệt giới tính là nguyên nhân gây nên tình trạng BLHĐ. Trong tiểu phẩm, ba Diễm Minh là người trọng nam khinh nữ. Vì vợ sinh con gái mà ông chán nản, thường xuyên nhậu nhẹt. Khán giả không khỏi xót xa khi HS nhập vai diễn cảnh những lần ba say khướt, Diễm Minh và mẹ lại bị những trận đòn roi nhừ tử. Cuộc sống gia đình ngột ngạt khiến Diễm Minh thay đổi tâm lý bất thường, Diễm Minh thích bạn đồng giới cùng lớp và bị kỳ thị, xa lánh, thậm chí là xúc phạm, đánh đập… Em Nguyễn Thùy Anh Thư (HS lớp 10A1, Trường THPT Minh Đạm) cho biết, đúng như tên tiểu phẩm “Lỗi lầm”, lỗi lầm này xuất phát từ gia đình do tư tưởng trọng nam khinh nữ, là nguyên nhân gây ảnh hưởng tâm lý HS, dẫn đến BLHĐ. “Qua tiểu phẩm, chúng em muốn gửi thông điệp là mọi người không nên phân biệt giới tính mà hãy quan tâm, yêu thương, mang đến cuộc sống bình yên thì trẻ con mới phát triển bình thường”, Anh Thư nói.

Theo Bộ GD-ĐT, trong năm 2018-2019, toàn quốc xảy ra 1.600 vụ HS đánh nhau trong và ngoài trường học. Cũng theo thống kê, cứ khoảng 5.200 HS thì có 1 vụ đánh nhau và 11.000 HS thì có 1 em bị thôi học vì đánh nhau. Tại BR-VT, từ năm 2015 đến tháng 6/2019, có 37/59 vụ BLHĐ do HS gây ra, chiếm 62,71% số vụ bạo lực trẻ em.

“Hành vi BLHĐ là vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người, đây được coi là trở ngại lớn nhất trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới. Vì vậy, hội thi nhằm tuyên truyền đến HS, giáo viên về công tác phòng, chống BLHĐ và thực hiện Luật Bình đẳng giới. Mong rằng, mỗi HS là một tuyên truyền viên, góp phần truyền tải những thông điệp đến cho bạn bè, gia đình và cộng đồng nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, tuân thủ pháp luật về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với BLHĐ, từng bước cải thiện môi trường sống, học tập an toàn, lành mạnh cho HS”, ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, Phó Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.