Kiến trúc độc đáo trong ngôi nhà Từ đường họ Tô

Thứ Sáu, 16/08/2019, 21:04 [GMT+7]
In bài này
.

Khác với một số ngôi nhà cổ trên địa bàn tỉnh, nhà Từ đường họ Tô nằm trên một khu đất khiếm tốn, với diện tích chỉ khoảng 110m2. Dù vậy, ngôi nhà này cũng đã để lại những ấn tượng lớn về kiến trúc và câu chuyện của những con người sinh sống, gìn giữ ngôi nhà cho đến ngày nay.

Bức tranh kiếng khảm xà cừ quý hiếm được treo trong nhà cô Từ đường họ Tô.
Bức tranh kiếng khảm xà cừ quý hiếm được treo trong nhà cổ Từ đường họ Tô.

Chúng tôi tìm đến nhà Từ đường họ Tô, nằm trên đường Cách mạng Tháng Tám, phường Long Hương, TP.Bà Rịa. Ngôi nhà nhỏ nhắn, yên tĩnh trong góc phố sôi động của thành phố trẻ. Tuy nhiên, nó vẫn không hề bị lép vế, với vẻ đẹp cổ kính đặc trưng của mình. Tiếp chuyện chúng tôi là bà Bùi Thị Hồng Điệp, cháu dâu đời thứ tư của ông Tô Tấn Hợi, người đã xây dựng nên ngôi nhà. Bà Điệp cho biết, nhà được xây vào năm 1903. Không rõ lúc đó ông Hợi giữ chức vụ gì, chỉ biết, là người có kinh tế khá giả và ảnh hưởng lớn tại địa phương, góp công lớn trong việc xây dựng và được ghi danh vào Đình Long Hương. Đặc biệt, ông có quan hệ khá gắn kết với một số người Pháp. Cũng có thể mà vì vậy, ngôi nhà Từ đường được xây dựng với sự kết hợp hài hòa của 2 trường phái kiến trúc khác biệt. Bên ngoài, ngôi nhà mang đặc trưng văn hóa phương Tây với tường được làm bằng đá, gạch nung và được sơn, quét sáng màu. Các cột, trụ phía ngoài nhà cũng được làm từ các loại đá, điểm xuyến các hoa văn mang mới mẻ so với thời điểm đầu thế kỷ XX. Phía trên mái ngói được điểm xuyến bằng tượng một chú gà trống bằng đá, đây là điều không thường thấy trong kiến trúc phương Đông.

Tuy nhiên, bên trong lại hoàn toàn khác biệt, mang đậm dấu tích văn hóa của  miền Nam. Đó là kiểu nhà 3 gian, 2 chái, với 4 cột giữa nhà được làm bằng gỗ quý cao khoảng 6m, trên đó là các câu đối được viết bằng chữ Hán – Nôm. Các chi tiết được trang trí trong nhà cũng đều chủ yếu được làm bằng gỗ. Chính giữa ngôi nhà là gian thờ Phật, thờ tổ tiên. Các gian phải trái để thờ, lưu giữ các kỷ vật của những thế hệ tiếp theo của gia tộc họ Tô. Điểm nhấn trong ngôi nhà chính là 2 bức tranh kiếng khảm xà cừ cả trăm năm tuổi. Theo bà Điệp, đây là 2 bức tranh hiếm, bởi kỹ thuật khảm xà cừ trên kiếng chưa phổ biến vào thời điểm đó. Khi chúng tôi tỏ ý ngạc nhiên về việc dù đã cả trăm năm tuổi, các cột, trụ, phần ngói hay các dụng cụ bằng gỗ trong ngôi nhà vẫn vững chãi, chắc chắn, không có nhiều dấu vết của thời gian. Bà Điệp tiếc nuối: “Đấy phần lớn là nhờ kỹ thuật của tiền nhân. Trước đây, trong nhà còn có nhiều cổ vật, được lưu giữ qua nhiều năm như trường kỷ, bộ ngựa… bằng gỗ quý những đã thất lạc trong chiến tranh. Tuy nhiên, giữ được ngôi nhà đã là may mắn, bởi Long Hương là khu vực thường xảy ra chiến sự ác liệt. Ngay ngôi nhà bên cạnh, cũng có tuổi thọ cả trăm năm đã bị trúng bom và không thể giữ được đến hôm nay”.

Câu chuyện giữa đang dở dang thì em Tô Bá Luật, con trai bà Điệp và là thế hệ thứ 5 của ngôi nhà cũng về tới. Hiện Luật đang học đại học tại TP.Hồ Chí Minh. Khi biết chúng tôi đang tìm hiểu về lịch sử của ngôi nhà, Luật cực kỳ hứng thú. Luật cho biết: “Từ nhỏ, được sống trong ngôi nhà cổ kính được tổ tiên xây dựng, em đã rất tự hào. Từ đó, em luôn có hứng thú để tìm hiểu về lịch sử ngôi nhà, của gia đình, dòng tộc. Trước đây, khi các cụ, các ông lớn tuổi, biết chữ Hán - Nôm đến chơi, em luôn cố gắng hỏi, nhờ dịch các câu trên các cột, trụ trong nhà. Trong đó, em rất tâm đắc với một câu thơ của sơ (cụ Tô Tấn Hợi) với nội dung “Tô gia đài cát văn chương đại tiểu” với hàm ý người của nhà họ Tô luôn cố gắng, chú trọng đến việc học hành, tích lũy kiến thức. Có thể nói, ngôi nhà không chỉ có giá trị về lịch sử, kiến trúc mà nó còn đem đến giá trị tinh thần, giúp thế hệ sau ghi nhớ công ơn, cố gắng rèn giũa bản thân, học tập, rèn luyện để phát huy được truyền thống từ xưa của tổ tiên”.

QUANG VINH

 
;
.