Sự cố khi "một nửa" là người nước ngoài

Thứ Sáu, 12/07/2019, 07:50 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày nay, có những phụ nữ Việt sẵn sàng “nâng khăn sửa túi” cho chồng là người nước ngoài. Và sự khác biệt về văn hóa, lối sống sinh ra nhiều chuyện oái oăm.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Mãi đến bây giờ, anh bạn Tây của tôi vẫn còn rùng mình khi nhớ đến ngày ra mắt gia đình bên vợ. Lúc ấy, với tâm trạng hào hứng, đôi uyên ương đánh ô tô từ Sài Gòn về Bà Rịa. Đến nơi, sau phần lễ đúng nghi thức của người Việt, anh bước ra sân chào hỏi mọi người. Chưa kịp ngồi vào bàn tiệc, lập tức một ly rượu đế “trân trọng kính mời”. Chẳng lẽ từ chối? Vì phép lịch sự, anh nâng ly uống cạn cho phải phép xã giao. Vậy là xong? Không. Lần lượt hết người này đến người nọ luân phiên nhau mời. Anh không rành tiếng Việt. Họ không biết tiếng Anh. Từ chối thế nào cho đúng phép lịch sự?

Thôi thì, đành uống. Xã giao một vài ly, chỉ nhấp môi có được không? Ai lại làm thế, phải trăm phần trăm cho đúng điệu. Thấy anh khổ sở, nhăn nhó quá, cô vợ chạy ra can anh em, họ hàng, bạn bè “tha” cho chồng mình. Mọi người cười đùa như bảo rằng, có thương nhau, quý nhau mới mời chứ có ai ép uổng gì đâu (!?). Hơn nữa, hôm nay là ngày trọng đại, chú rể phải say tới bến, say quắc cần câu thì mới vui (?!).

Từ đó, trở về sau, mỗi lúc nghe về quê vợ là anh xay xẩm mặt mày, mùi rượu vẫn còn xộc lên óc, bèn tìm mọi cách thoái thác cho bằng được. Vợ thương chồng nên không nỡ ép. Mà đã xong đâu, không thấy anh theo vợ về, mọi người xì xào, bộ thằng chả chê họ hàng, xóm giềng mình nghèo không về chứ gì? Sự hiểu nhầm ấy, cô vợ phải phân trần hết lời, chẳng ai chịu nghe. Bực quá, cô vợ tỉ tê tâm sự với chồng nhưng cả hai không tìm được tiếng nói chung. Thế là đôi bên mặt nặng mặt nhẹ vì cái chuyện lãng xẹt đó.

Lại có trường hợp, dù đã có 2 con và đang ở riêng, nhưng thỉnh thoảng bố mẹ từ quê vẫn lên chơi dăm ba ngày, tiện thể trông nom cháu. Sự thể hiện tình cảm ruột rà này là bình thường. Thế nhưng cô vợ Tây chẳng hài lòng chút nào bởi nhà cao cửa rộng, máy lạnh cả ngày nhưng ông bố vẫn hiên ngang với ống điếu thuốc lào phì phò như khói tàu. Chiều đi làm về, mở cửa bước vào nhà là cô muốn dội ngược ra ngoài! Biết vợ không ưng ý với thói quen của bố nhưng khi anh vừa thốt lời “góp ý”, lập tức ông bố tự ái bỏ ra ga đón tàu về quê ngay lập tức.

Đời sống của một gia đình “vận hành” như thế nào là do quy ước của hai người. Thế nhưng, nhiều bà mẹ cảm thấy “nóng mặt” khi con trai mình bị “hành hạ” quá thể. Chà, nó ở tận đẩu tận đâu, tiếng Việt không rành mà có quyền “ăn hiếp”, “bắt nạt” con trai cưng của bà à? Đừng hòng. Ai đời, đàn ông đàn ang gì sau khi cơm nước xong lại xộc tay vào rửa chén bát, chưa hết, có lúc nó còn phải lau nhà nữa đấy! Nếu biết tiếng Tây thì bà cũng rổn rảng vài câu cho nhẹ người, khổ nỗi phải giữ ấm ức mà không thể thốt nên lời.

Với quan niệm Á Đông những chuyện “hèn mọn” này là nhiệm vụ của người vợ, đàn bà trong nhà. Nói thì nói thế, bà đâu biết, con dâu của bà phải làm những việc gì trong nhà mà mắt bà không thấy. Hơn nữa, sự phân công ấy do cả hai tự nguyện thỏa thuận, mình can thiệp làm gì?

Để mọi việc “dễ chịu” hơn, thiết nghĩ cả hai cần trao đổi, giải thích về phong tục, tập quán, văn hóa của nhau để tự ý thức và có cách ứng xử phù hợp. Có như thế, hai người trong cuộc “hôn nhân dị chủng” mới dễ dàng thích ứng và có khả năng đối phó với các tác động từ bên ngoài.

LÊ MINH QUỐC

 
;
.