Trung tâm văn hóa - thể thao - học tập cộng đồng: Hoạt động kém hiệu quả, lãng phí

Chủ Nhật, 30/09/2018, 18:00 [GMT+7]
In bài này
.

Vắng vẻ, ít hoạt động, thậm chí thường xuyên đóng cửa là hình ảnh thực tế tại nhiều trung tâm văn hóa - thể thao - học tập cộng đồng (VHTTHTCĐ) trên địa bàn tỉnh hiện nay. Điều này cho thấy, công tác quản lý, vận hành thiết chế văn hóa này tại các xã, phường, thị trấn hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa phát huy hết công năng xây dựng, gây lãng phí trong đầu tư công.

THƯỜNG XUYÊN VẮNG VẺ, ĐÌU HIU

Chúng tôi ghé Trung tâm VHTTHTCĐ xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc) vào một ngày cuối tháng 9. Điều ghi nhận trước hết là cả một cơ sở rộng lớn, khang trang, nhưng vắng bóng người. Phòng thư viện là phòng chức năng duy nhất của trung tâm này có mở cửa khi chúng tôi tiến vào trong. Các phòng chức năng còn lại của trung tâm như: Phòng vi tính, phòng đàn, phòng hội họa, phòng cờ tướng, phòng học, phòng khiêu vũ… đều trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. 

Tại 2 phòng vi tính, có 35 chiếc máy tính với trang bị đầy đủ loa và bàn máy nằm la liệt trên các dãy bàn, không có dấu hiệu sử dụng. Còn tại phòng nhạc, ghi nhận của phóng viên cho thấy, căn phòng rộng chưa tới 40m2, nhưng trang bị tới 12 bóng đèn, 6 cái quạt trần, 4 cái quạt treo tường và 2 máy lạnh. Trong phòng nhạc có đặt 26 cây đàn organ, xếp chồng lên nhau, vẫn còn nguyên tem, chưa hề sử dụng nên bị bụi phủ đầy. Còn 2 cái quạt treo tường cũng tự gãy do lâu ngày không được dùng tới. Phòng vẽ, trang bị nhiều chân vẽ bằng gỗ, nhưng phòng này cũng chưa bao giờ được sử dụng.

Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc) được xây dựng khang trang, hiện đại nhưng thường xuyên vắng bóng người tới sinh hoạt.
Trung tâm VHTTHTCĐ xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc) được xây dựng khang trang, hiện đại nhưng thường xuyên vắng bóng người tới sinh hoạt.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Bưng Riềng, Chủ nhiệm Trung tâm VHTTHTCĐ xã cho biết, trung tâm được xây dựng từ năm 2014, trên diện tích hơn 4.000m2, kinh phí đầu tư xây dựng hơn 37 tỷ đồng. Ông Sơn thừa nhận, dù được xây dựng bề thế và hiện đại, nhưng hoạt động của trung tâm VHTTHTCĐ của xã vẫn không hiệu quả, các phòng chức năng gần như không hoạt động, gây ra lãng phí rất lớn. “Xã Bưng Riềng là xã nông thôn, người dân đa số làm nông nghiệp, đầu tắt mặt tối, nên nhu cầu tham gia các hoạt động văn hóa học tập như: Khiêu vũ, học đàn, học vi tính, hội họa… không cao. Do vậy, các hoạt động của phòng chức năng không được phát huy. Trong khi đó, nhu cầu vui chơi, giải trí cần thiết cho các em thiếu nhi như: Cầu trượt, thú nhún, đu quay… lại không có”, ông Nguyễn Xuân Sơn cho hay.  

Tại 1 phòng vi tính của Trung tâm VHTTHTCĐ xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc), hàng chục chiếc máy tính đặt trên các dãy bàn,  hầu như chưa hề sử dụng. Ảnh: TRÚC GIANG 
Tại 1 phòng vi tính của Trung tâm VHTTHTCĐ xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc), hàng chục chiếc máy tính đặt trên các dãy bàn, hầu như chưa hề sử dụng. 

Tương tự, Trung tâm VHTTHTCĐ xã Cù Bị (huyện Châu Đức) cũng được xây dựng khang trang, hiện đại với tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ năm 2015. Thế  nhưng, khi chúng tôi có mặt tại đây, hình ảnh mà chúng tôi bắt gặp đầu tiên là các phòng chức năng đều đóng cửa. Theo tìm hiểu, hàng ngày có rất ít người ghé đến trung tâm VHTTHTCĐ khá quy mô này. Em Dương Văn Hoàng (thôn Đồng Tiến, xã Cù Bị) chia sẻ: “Em vào trung tâm VHTTHTCĐ của xã để đọc sách ở thư viện. Nhưng thư viện không mở thường xuyên, nên thỉnh thoảng em mới có dịp được đọc truyện và sinh hoạt vui chơi ở đây”.

Ông Nguyễn Hoàng Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Cù Bị, Chủ nhiệm trung tâm VHTTHTCĐ xã cho biết, dù xã đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo hoạt động cho các phòng chức năng của trung tâm, nhưng thực tế vẫn chưa tương xứng với công năng của nó. Hiện mức hưởng phụ cấp của cán bộ tại trung tâm chỉ là 1.6 mức lương cơ sở, tính ra khoảng 2,2 triệu đồng/tháng. “Mức phụ cấp này là quá thấp, dẫn đến không thu hút được cán bộ đến làm việc tại trung tâm. Họ chưa tâm huyết, dành hết sức mình để phục vụ cho ngành văn hóa, thể thao của địa phương. Do đó, hoạt động của Trung tâm VHTTHTCĐ xã Cù Bị chưa phát huy được hiệu quả”, ông Nguyễn Hoàng Trí nhận định.

Chúng tôi tiến hành khảo sát thêm tại một số trung tâm VHTTHTCĐ ở các nơi khác, như: Bàu Chinh, Đá Bạc, Bình Trung, Bình Ba (huyện Châu Đức); An Nhứt, Tam Phước, TT. Long Điền (huyện Long Điền)… cũng ghi nhận được tình trạng tương tự. Các phòng chức năng của những trung tâm này hầu như không hoạt động vì cửa luôn đóng kín, thậm chí nhiều cửa phòng chức năng lâu ngày không mở nên ổ khóa bị hoen rỉ, cũ kỹ. Ở một số trung tâm, các phòng chức năng phải bỏ trống vì thiết kế không phù hợp với công năng, mục đích sử dụng.

CHƯA PHÙ HỢP VỚI NHU CẦU

Theo mục đích sử dụng, công năng thiết kế của các trung tâm VHTTHTCĐ thì nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và học tập có thể tổ chức ở nơi đây, như: Tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, liên hoan văn hóa, hội diễn văn nghệ quần chúng, các câu lạc bộ, thư viện, phòng đọc sách báo, thi đấu thể thao, tập huấn dạy nghề, học năng khiếu, luyện tập thể dục thể thao, vui chơi, giải trí cho trẻ em... Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, hoạt động ở các trung tâm VHTTHTCĐ trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu vẫn là một số hoạt động tự phát như: Bóng đá mini, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, chạy bộ, dạy võ thuật… Hầu hết, các trung tâm chỉ mới dừng lại ở việc tổ chức hội họp, trưng bày, thiếu các hoạt động chuyên môn theo quy định, do đó chưa khai thác hết công năng của các thiết chế văn hóa tại địa phương, không có tổ chức sinh hoạt cho nhân dân, dẫn đến sự lãng phí trong đầu tư vốn ngân sách.

Trên địa bàn tỉnh có 73/82 phường, xã có trung tâm VHTTHTCĐ. Qua khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, tỷ lệ trung tâm VHTTHTCĐ tổ chức khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt mức khá, tốt chỉ khoảng 20%, số còn lại hiệu quả hoạt động chỉ đạt mức trung bình và yếu kém. Các trung tâm hoạt động chủ yếu mang tính thời vụ, phong trào, chưa tổ chức được các hoạt động định kỳ nhằm duy trì thói quen sinh hoạt của nhân dân và chưa chủ động, sáng tạo trong việc tìm tòi mô hình, tổ chức hoạt động phù hợp để thu hút người dân tham gia. Một số câu lạc bộ tại các trung tâm hoạt động còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên. Phòng thư viện hầu như không có người đọc, đầu sách ít, cũ, đơn điệu.

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Bưng Riềng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng các trung tâm VHTTHTCĐ hoạt động kém hiệu quả, lãng phí công năng. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là việc đầu tư không phù hợp với thực tiễn ở địa phương. Việc quy hoạch quỹ đất xây dựng trung tâm VHTTHTCĐ là điều cần thiết, nhưng phải tùy vào nhu cầu của người dân ở từng khu vực khác nhau, tiêu chuẩn nông thôn và thành thị phải khác nhau. Phân tích các nhu cầu nào là chính yếu, nhu cầu nào là thứ yếu. Từ đó, đầu tư xây dựng những công trình trung tâm VHTTHTCĐ với các công năng sử dụng phù hợp với đời sống kinh tế, sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương. 

Sắp tới, Sở VH-TT sẽ tiến hành kiểm tra, khảo sát lại các thiết chế văn hóa tại tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung tâm VHTTHTCĐ bằng những số liệu cụ thể. Từ đó, mới có sự định hướng, điều chỉnh và hỗ trợ kịp thời cho các địa phương. Đồng thời, đưa ra những đề xuất về đầu tư, tổ chức hoạt động của các trung tâm VHTTHTCĐ cho phù hợp, tránh gây lãng phí.

(Ông Huỳnh Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT)

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

;
.