Quản chặt hoạt động công chứng

Chủ Nhật, 09/09/2018, 17:18 [GMT+7]
In bài này
.

Kể từ khi Luật Công chứng 2014 có hiệu lực (ngày 1-1-2015), tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh phát triển cả về số lượng và quy mô, góp phần bảo đảm tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch dân sự của người dân. Tuy nhiên, hoạt động công chứng vẫn còn bộc lộ những sai sót cần sớm được chấn chỉnh.

PHÁT HIỆN NHIỀU SAI SÓT

Công chứng viên PCC số 1 (83, Đồ Chiểu, TP.Vũng Tàu) thẩm định hồ sơ công chứng. 
Công chứng viên Phòng công chứng số 1 (83, Đồ Chiểu, TP.Vũng Tàu) thẩm định hồ sơ công chứng. 

Hiện nay, toàn tỉnh có 20 tổ chức hành nghề công chứng, gồm 3 Phòng Công chứng (PCC) thuộc Sở tư pháp và 17 Văn phòng Công chứng tư (VPCC) với 41 công chứng viên. Mạng lưới các PCC, VPCC đều có mặt ở các huyện, thành phố. Văn bản công chứng hầu hết là các hợp đồng, giao dịch dân sự.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Luật Công chứng 2014, hoạt động công chứng đã được thắt chặt hơn, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên thực hiện giao dịch có công chứng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, đợt kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng mới đây của Sở Tư pháp đã chỉ ra khá nhiều sai sót trong tổ chức, hoạt động công chứng.

Cụ thể, qua kiểm tra VPCC Bà Rịa - Vũng Tàu (đường 30/4, phường 11, TP.Vũng Tàu), Sở Tư pháp phát hiện VPCC này đã thực hiện 8 hợp đồng, giao dịch vào thứ Bảy (không đúng về thời gian làm việc được quy định tại Luật Công chứng). Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số hồ sơ công chứng hợp đồng thế chấp tài sản của ngân hàng, nhưng lại không có thông tin về văn bản ủy quyền cho người được ủy quyền ký hợp đồng thế chấp. Thậm chí, có trường hợp giấy CMND của người thực hiện công chứng quá hạn sử dụng 15 năm nhưng vẫn được công chứng.

Tương tự, tại VPCC Bà Rịa (xã Hòa Long, TP.Bà Rịa), đoàn kiểm tra của Sở Tư pháp nhận thấy, trình tự, thủ tục công chứng cũng có những “chệch choạc”, như: Sử dụng tên văn bản thông báo niêm yết việc thụ lý công chứng thỏa thuận phân chia di sản, khai nhận di sản chưa cụ thể cho từng loại vụ việc. Người thực hiện giao dịch dùng Chứng minh quân nhân cũng được công chứng... Còn tại VPCC Xuyên Mộc (TT.Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc), đoàn kiểm tra phát hiện, VPCC này đã thực hiện công chứng cho 62 hợp đồng, giao dịch trong các ngày thứ Bảy. Nghiêm trọng hơn, có trường hợp, VPCC Xuyên Mộc đã công chứng cho hợp đồng thế chấp tài sản là nhà ở nông thôn dù chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Trong hồ sơ cũng không có giấy xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở và một số hồ sơ tương tự…

ĐÃ CÓ NHỮNG HỆ LỤY VÀ CẦN SỚM CHẤN CHỈNH

VPCC Trần Văn Phúc (TT. Ngãi Giao, huyện Châu Đức) luôn có đông người dân  đến giao dịch. 
VPCC Trần Văn Phúc (TT. Ngãi Giao, huyện Châu Đức) luôn có đông người dân đến giao dịch. 

Sai sót trong hoạt động công chứng rất dễ dẫn đến việc gây thiệt hại cho các bên tham gia giao dịch. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, sai sót trong công chứng chính là yếu tố “tiếp tay” cho tội phạm lừa đảo. Điển hình là vào tháng 4-2017, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Lê Đình Nghị (SN 1969, ngụ phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) 13 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này, xuất phát từ sự thiếu liên kết về thông tin giữa các PCC, nên Nghị dễ dàng qua mặt để thực hiện việc công chứng 2 lần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Lần 1, Nghị công chứng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ để bán cho 4 người với giá 1,7 tỷ đồng, hồ sơ được công chứng tại VPCC Minh Đức (huyện Châu Đức), trong hồ sơ công chứng có kèm theo giấy CNQSDĐ của Nghị. Lần 2, trong thời gian làm thủ tục sang nhượng đất cho người mua, Nghị lại sử dụng giấy CNQSDĐ đã công chứng trong vụ mua bán đất trước đó để tiếp tục công chứng tại PCC số 3  (260, Bacu, phường 3, TP. Vũng Tàu) để thế chấp vay 650 triệu đồng tại Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga. Bị hại trong vụ án này là những người mua đất của Nghị.

Công chứng viên PCC số 1 (83, Đồ Chiểu, TP.Vũng Tàu) thực hiện quy trình công chứng cho người dân. Ảnh: PHƯƠNG ANH
Công chứng viên PCC số 1 (83, Đồ Chiểu, TP.Vũng Tàu) thực hiện quy trình công chứng cho người dân.

Nhằm chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước quy định tại Điều 33 Luật Công chứng, Quyết định số 03/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Trường hợp các Tổ chức hành nghề có nhu cầu làm việc ngày thứ Bảy để giảm áp lực công việc, phải gửi văn bản đề nghị về Sở Tư pháp để báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định. Đối với công chứng viên, khi công chứng hợp đồng giao dịch phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng giao dịch để phòng ngừa tranh chấp. Trong việc công chứng các giao dịch liên quan đến đất đai, phải áp dụng và tuân thủ nghiêm Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 quy định các quyền của người sử dụng đất (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất).

Theo ông Hồ Văn Hùng, Giám đốc Sở Tư pháp, thời gian tới, Sở Tư Pháp sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức công chứng; tiếp tục phối hợp với Hội Công chứng tỉnh để tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn; giao Chánh Thanh tra, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp thuộc Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra đột xuất và thường xuyên, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 14 triệu đồng đối với 3 tổ chức hành nghề công chứng do có các sai sót như công chứng nội dung hợp đồng, giao dịch không đúng quy định của pháp luật; không cung cấp đầy đủ dữ liệu thông tin vào cơ sở dữ liệu công chứng.

 

;
.