Thí điểm lắp camera giám sát tại trường mầm non công lập

Thứ Hai, 30/07/2018, 15:06 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây, UBND tỉnh đã đồng ý chi 16 tỷ đồng để thí điểm lắp đặt hệ thống camera giám sát tại một số trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, ngăn ngừa, loại bỏ các hành vi bạo lực học đường, trộm cắp tài sản và các sự cố nguy hiểm gây ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường. Việc này nhận được sự đồng tình của dư luận.

Cô Nguyễn Thùy Linh, giáo viên Trường Mầm non Châu Thành (TP.Vũng Tàu) tổ chức các trò chơi cho trẻ.
Cô Nguyễn Thùy Linh, giáo viên Trường Mầm non Châu Thành (TP.Vũng Tàu) tổ chức các trò chơi cho trẻ.

NHIỀU TRƯỜNG MẦM NON TƯ THỤC ĐÃ GẮN CAMERA GIÁM SÁT

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ việc giáo viên (GV) bạo hành hoặc có hành vi thiếu chuẩn mực với học sinh (HS) tại trường học, đặc biệt là ở bậc mầm non (MN), khiến dư luận vô cùng bức xúc. Có trường hợp GV bạo hành HS bị phụ huynh phát hiện qua camera giám sát của nhà trường. Đơn cử như vụ việc xảy ra tại Trường MN Hoa Hồng (TP.Vũng Tàu) vào cuối tháng 3 vừa qua. Chị T., mẹ bé H., tình cờ phát hiện trong giờ ngủ trưa, con trai chị bị 2 GV liên tục dùng chân đẩy vào người khiến bé té ngã, nguyên nhân là do bé không chịu ngủ.

Thực tế cho thấy, khi nhận thức và hành động của một số GV chưa chuẩn mực thì việc lắp camera giám sát tại trường học là một giải pháp tình thế tương đối hiệu quả trong việc bảo đảm an toàn cho HS, nhất là ở bậc MN.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tính đến tháng 7-2018, trên địa bàn tỉnh có khoảng 440 cơ sở giáo dục MN. Các cơ sở này đang trông giữ, chăm sóc hơn 69.000 trẻ. Hiện nay, có khoảng 128 cơ sở đã gắn camera giám sát, chủ yếu là các cơ sở MN tư thục. TP.Vũng Tàu là địa phương có tỷ lệ trường gắn camera cao nhất, với khoảng 43%, kế đến là TP.Bà Rịa (42%), TX.Phú Mỹ (26%).

Trẻ lớp Lá 2 (5-6 tuổi), Trường Mầm non Thùy Vân (TP.Vũng Tàu) trong giờ ăn trưa.
Trẻ lớp Lá 2 (5-6 tuổi), Trường Mầm non Thùy Vân (TP.Vũng Tàu) trong giờ ăn trưa.

PHỤ HUYNH ĐỒNG THUẬN

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh về giải pháp tháo gỡ những khó khăn của ngành GD-ĐT vào tháng 6-2018, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng lộ trình trang bị đầy đủ camera giám sát tại các trường MN công lập trên địa bàn tỉnh. Ngày 11-7, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương chi 16 tỷ đồng để thí điểm lắp hệ thống camera tại 12 trường MN công lập. Trong đó, huyện Đất Đỏ và huyện Long Điền mỗi huyện có 1 trường thí điểm; TP.Bà Rịa, TP.Vũng Tàu, TX.Phú Mỹ, huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc mỗi địa phương có 2 trường thí điểm.

Sở GD-ĐT cho biết, tiêu chí lựa chọn trường thí điểm lắp camera giám sát là các trường quy mô lớn, có số lớp, số HS đông. Các huyện, thị xã, thành phố có trên 20 trường MN công lập sẽ chọn 2 trường làm thí điểm. Các huyện có dưới 20 trường thì chọn 1 trường để thí điểm. Hiện nay, Sở GD-ĐT đã công bố danh sách các trường dự kiến thí điểm và đang lấy ý kiến của UBND các huyện, thị xã, thành phố để thống nhất việc lựa chọn cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm lắp đặt camera giám sát.

Chủ trương trên đã nhận được sự đồng tình của nhiều địa phương cũng như đông đảo phụ huynh HS. Ông Mai Sỹ Hải, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức cho biết, huyện hoàn toàn nhất trí với chủ trương của tỉnh và đề xuất của Sở GD-ĐT về các trường tham gia thí điểm. Bên cạnh đó, huyện Châu Đức đang khảo sát để tiến hành lắp camera tại toàn bộ 76 trường từ cấp MN đến THPT trên địa bàn huyện, trong đó ưu tiên lắp đặt camera tại khu vực cổng trường, nhà bếp, cầu thang nhằm bảo đảm an toàn trong trường học.

Trên phương diện cán bộ quản lý, cô Bùi Thị Kiều Duyên, Hiệu trưởng Trường MN Rạng Đông (huyện Châu Đức), một trong 12 trường được đề xuất thí điểm lắp đặt camera giám sát cho rằng, việc lắp đặt camera tại trường học giúp cán bộ quản lý chủ động giám sát các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, quy trình chế biến thức ăn và việc sinh hoạt, ăn ngủ của trẻ. Từ đó, đề ra những giải pháp quản lý hiệu quả, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, ngăn ngừa, loại bỏ các hành vi bạo lực học đường, gian lận, trộm cắp tài sản và các sự cố nguy hiểm gây ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường.

Học sinh Trường MN Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu) uống sữa trong Chương trình Sữa học đường.  Ảnh: KHÁNH CHI
Học sinh Trường MN Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu) uống sữa trong Chương trình Sữa học đường.

Bày tỏ sự đồng tình với chủ trương trên, chị Trần Thị Hương Giang, phụ huynh HS một trường MN công lập trên địa bàn TP.Vũng Tàu chia sẻ: “Vừa qua, có nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra trên cả nước khiến phụ huynh cảm thấy bất an. Với những trường chưa gắn camera, khi con đến trường, cha mẹ rất lo lắng vì không biết chuyện gì đang diễn ra. Việc lắp camera không phải để theo dõi GV, mà để các cô nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc của mình”.

Bên cạnh sự đồng tình, cũng có một số ý kiến băn khoăn về việc này. Theo cô N., Hiệu trưởng một trường MN tư thục trên địa bàn phường 9 (TP.Vũng Tàu), việc gắn camera nhiều lúc khiến Ban Giám hiệu nhà trường khá đau đầu vì nhận được quá nhiều cuộc gọi của phụ huynh. “Việc phụ huynh phản ánh là chính đáng, song cũng có những việc rất nhỏ nhặt như cha mẹ quan sát qua camera thấy trẻ trằn trọc chưa ngủ hay ăn xong sớm hơn các bạn... cũng gọi điện yêu cầu GV, Ban Giám hiệu xem xét giải quyết”, cô N. cho hay.

Qua lấy ý kiến, cơ bản UBND các huyện, thị xã, thành phố đều nhất trí với phương án lắp camera thí điểm. Tuy nhiên, phương án này có kinh phí thực hiện khá lớn và có tác động không nhỏ đến dư luận xã hội và tư tưởng, tâm lý GV. Do đó, bên cạnh việc lấy ý kiến các địa phương, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục khảo sát dư luận, tâm tư GV, ý kiến phụ huynh, các chuyên gia tâm lý giáo dục... trước khi triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc gắn camera tại trường học chỉ là giải pháp tình thế. Giải pháp mang tính lâu dài vẫn là chú trọng tuyển chọn, sàng lọc, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức để đội ngũ GV không chỉ có trình độ, mà còn có lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm với công việc cao quý của mình.

(Bà Hà Thị Thanh Thuận, Trưởng phòng Mầm non , Sở GD-ĐT)

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

;
.