Mưa Xuân…

Thứ Sáu, 19/01/2024, 15:41 [GMT+7]
In bài này
.

Thanh đứng tần ngần trước shop thời trang đang có số 50% lớn. Mới hôm qua sale 30%, chắc vài ngày nữa vẫn mặt hàng đó lại thành 70% mất. Giá mà nán lại được đến chiều thì tốt biết mấy. Món nào mua cho mẹ, cho em, cho cháu. Bộ đồ nào diện Tết cô cũng đã nhắm sẵn.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Vừa đi vừa nghĩ, Thanh tủm tỉm cười một mình. Năm nay, cô được công ty thưởng một khoản bởi những nỗ lực cải tiến cách thức tiếp cận khách hàng. Mấy đứa cùng tổ đã í ới hẹn hò trên nhóm chat zalo để mua sắm đồ Tết từ hôm trước nhưng Thanh vẫn nán đợi giảm giá sâu thêm được chừng nào có lợi chừng đó. Thân con gái xa quê đi làm ăn cả năm đến lúc về không sang chảnh thì để bọn gái ở quê nó cười vào mặt? Cái “giao diện” là tối quan trọng. Ở quê tuy chẳng có ai vừa mắt nhưng Thanh luôn giữ một hình ảnh thật đẹp…

Con ngõ cuối năm thật ngắn chẳng cho Thanh thêm cơ hội để nấn ná. Anh xe ôm công nghệ đã ngồi đợi cô từ lúc nào. Giờ chỉ cần nhảy tót lên xe, ra bến leo lên xe giường nằm là tối nay đã được ngồi sưởi lửa với bà rồi… Thanh bỗng giật mình bởi ngay dưới cái cột điện có đứa bé nằm ngủ trên tấm bạt như con cún. Nó ngủ say làm cô không nỡ gọi. Nhìn trước ngó sau, không thấy ai, bên cạnh đứa bé là cái bình giữ nhiệt, cái khăn mặt, cái quạt nan. Thanh ngồi xuống và nghĩ: Rét thế này, đến ngồi trong nhà còn thấy lạnh, chưa kể chó má, xe cộ, chẳng biết mẹ đứa trẻ đi đâu. Một cảm giác lo lắng dâng lên khi nghĩ đến viễn cảnh đứa bé bị bỏ rơi. Trên đường xe cộ vẫn tấp nập, người người lo sắm Tết, trang trí cửa nhà, thế còn… hay mình cứ bế nó lên.

- Chị kia, định làm gì.

Chưa kịp ngoảnh lại Thanh đã bị xô ngã dúi dụi xuống đất. Một người đàn bà ở đâu xuất hiện hung tợn như gà mái xù lông bảo vệ đàn con. Vừa xô, vừa quát, phải đến khi giật đứt chiếc khẩu trang trên gương mặt Thanh ra bà ta mới dừng tay lại, miệng méo mó thốt lên:

- Ôi, bà trẻ, con có tội rồi.

- Thế, thế cô là…

- Bà trẻ không nhận ra cháu à? Cháu theo đằng nội lại gọi cụ Kiên xưng chắt đấy.

Thấy bà ta gọi đúng tên bố mẹ mình, Thanh đoán chắc đây là người bà con xa, cô ân cần:

- Thế sao lại ra nông nỗi này.

- Bà trẻ biết không, từ khi mẹ con cháu bỏ được cái thằng nát rượu vũ phu ấy sướng thì sướng thật nhưng mấy hôm trước dãy trọ bị cháy, tiền phòng đã nộp hết nên đành lang thang vạ vật, đi đâu cũng mang theo con bé để vừa nhặt rác vừa trông nó. Bữa nay nó sốt quá, cháu đành để tạm nó ở đây đi tìm hàng cháo mà không có.

- Hăm chín Tết rồi, người ta khăn gói về quê hết cả còn ai bán nữa. Chị xách đồ, tôi bế nó, phòng tôi ở cách đây cũng không xa…

Hai mẹ con nem nép nhìn khắp căn hộ chung cư mini hai mươi lăm mét vuông của Thanh. Chắc chưa bao giờ họ có được ở một căn hộ xinh xắn như thế. Thanh pha gói cháo ăn liền với nước sôi. Con bé ăn xong lại ngủ thiếp.

Nhìn họ, cô cũng đoán được hai mẹ con đã túng thiếu lắm rồi. Ngoài kia, dòng người lại nối đuôi nhau rời khỏi thành phố. Quê hương như thanh nam châm với sức hút mạnh, người ta khó có thể từ chối được. Chính Thanh cũng đang sốt ruột. Mười giờ ba mươi, vậy là thêm một chuyến xe nữa lại rời bến.

Đứa trẻ bỗng lên cơn sốt, môi đỏ và nóng hầm hập. Thanh cũng lúng túng chưa biết làm thế nào. Ở thành phố tuy gần bệnh viện nhưng những lúc ốm đau cô cũng chỉ mua mấy viên thuốc về uống là khỏi. Người phụ nữ thì tay chân run cầm cập như thể chưa bao giờ chăm con khi ốm. Thanh không nấn ná nữa, bấm số gọi taxi đưa hai mẹ con đến thẳng bệnh viện…

Ba mươi Tết, bệnh viện vắng vẻ, mấy cô điều dưỡng đi bên ngoài hành lang bàn chuyện tối nay xem pháo hoa ở đâu. Đứa trẻ vẫn chưa dứt cơn sốt, người mẹ vẫn bối rối, chẳng lẽ để họ ở đây để về quê. Ngay cả đến cái tên người cháu này Thanh cũng chưa nhớ ra là con cái nhà ai. Đúng lúc ấy, một bàn tay khẽ đập vào vai cô:

- Chị ơi, bác sĩ mời chị vào phòng trao đổi.

Thanh gật đầu lễ phép đi theo chân cô điều dưỡng. Bác sĩ trực là một người đàn ông đeo khẩu trang nên Thanh không nhìn rõ mặt, giọng nói toát lên sự mệt mỏi:

- Cháu bé bị sốt vì đang có đợt dịch ở trẻ em nhưng giờ sức khỏe đã ổn định. Nay là ba mươi Tết, chị có định đưa cháu về ăn Tết không. Gia đình cứ cho cháu uống thuốc theo đơn và theo dõi, có gì bất thường thì liên lạc với tôi. Chị cứ kết bạn Zalo… Thanh cảm ơn và liếc nhìn người mẹ đang lúng túng đứng sau lưng cô. Bác sĩ đâu có thể biết được hai mẹ con họ lấy đâu chỗ mà về.

Chiều ba mươi, chiếc taxi chở cô và mẹ con họ nhích mãi trên con đường đang tắc nghẽn. Thành phố sao lắm người đến thế, ai cũng vui, cũng đầy hào hứng trên hành trình được về với ông bà, cha mẹ. Thanh đang ngồi trên chiếc xe xuôi theo hướng ra khỏi thành phố. Cách đó không xa, chiếc xe khách có ghi điểm đến là cái chợ ngay đầu xã của cô. Nhưng lúc này cô lại không thể nhảy lên chiếc xe ấy, cũng không còn tiền để bước vào cửa hàng để mua cái áo cho mẹ, cái khăn cho em, đôi giày cho bố và chạy sang nhà đám bạn thân từ thuở bé… Khoản viện phí dịch vụ đã lấy mất đi của cô khoản tiền tiêu Tết với bao dự định. Ba người với ba tâm trạng khác nhau. Bé con hào hứng với cây xúc xích nướng. Người mẹ vừa lôi cái bánh mì ba tê nóng hổi ra ăn còn Thanh bật nắp chai nước suối tu cho đã cơn khát khô họng.

Cô không thể nấn ná thêm được nữa. Không dám nhìn vào khuôn mặt hai mẹ con khi chia tay. Thanh vội gọi một chiếc xe grab để ra bến. Phải đi mất hai, ba chặng xe cô mới kịp về đến nhà. Mùi bánh chưng, mùi chả lụa chín và nô nức tiếng trẻ con gọi bác, gọi dì trong sân nhà khiến cô ấm lòng. Nhìn bố mẹ và mấy đứa em, nghĩ đến cái túi du lịch không căng đầy quà mà lèo tèo vài món đồ cô thấy có lỗi với chính bản thân mình. Hay là mình quá bao đồng, hay mình phải sống như thế mới đúng…

Bữa cơm tối đông đủ cả gia đình thật đầm ấm dù ai cũng ăn vội ăn vàng để lo việc giao thừa. Pha ấm trà, bố Thanh bắt máy nghe điện thoại ai đó rồi lẩm bẩm: “Cứ lần nào trà vừa ngấm là có khách”. Khách là một anh chàng lạ hoắc, nghe bảo cũng vừa về đến nhà lúc chiều. Thanh chẳng mấy để tâm, chỉ đặt dĩa kẹo lạc mẹ cô tự làm lên bàn rồi cúi chào lịch sự rồi định đi xuống bếp. Anh chàng kia bỗng gọi giật lại:

- Chị gì ơi, chiều nay…

- Chiều nay gì cơ anh?

- Chị, à bạn đến phòng tôi.

Sao có thể thế được. Bác sĩ sao lại ở đây? Bố Thanh giải thích theo kiểu hài hước: “Có duyên nó thế đấy”. Thanh đỏ mặt ấp úng rồi lủi nhanh xuống bếp. Đêm đó, cô không sao ngủ được bởi hình ảnh chàng bác sĩ nhã nhặn và ân cần. Ở tuổi này đâu còn sự đỏng đảnh, kiêu kỳ và thay vào đó là sự cảm mến thẳng thắn, chân thành. Biết đâu mình về muộn lại có cái duyên như bố nói.

Sáng mùng một Tết, nhà cô chẳng kiêng kỵ gì nên họ hàng đến quây quần đông đủ để thắp hương cúng tổ tiên và ăn bữa cơm đoàn viên. Đúng lúc đang bận chặt thịt gà để xếp lên mâm thi một đứa bé chạy đến ôm chầm lấy cổ Thanh. Cô bất ngờ nhận ra đứa bé hôm qua. Sau lưng nó, người mẹ hôm nay ăn mặc đẹp hơn và tỏ vẻ ngần ngại. Thanh định bụng trêu đùa họ một câu thì thấy một người đàn ông đến trước mặt lễ phép:

- Cháu chào bà trẻ!

- Chào anh, anh là ai tôi chưa nhận ra nhỉ?

- Con là Sinh, con bố Phúc đây bà trẻ.

- Úi rồi, Sinh, sao gầy gò già khọm thế. Gặp ngoài đường không nhận ra thật…

Sinh ấp úng:

- Thì tại cháu hay rượu chè, không dứt ra được…

Chắc hẳn câu nói đó của Sinh đã khiến mẹ đứa nhỏ động lòng nên lên tiếng:

- Uống lắm vào rồi đuổi vợ con đi, may được bà trẻ đây cưu mang.

Thanh chỉ còn biết lấy tay che miệng cười: Ôi đúng là cái họ hàng này ở đâu ra mà đông thế, chả nhớ ai với ai nhưng đúng là vui như ngày Tết. “Thôi, mọi cái bỏ qua đi, năm sau làm lại nhé”… Thanh bước ra ngoài, mưa Xuân lấm tấm trên tay. Cảm giác gáy nóng bừng, cô ngó sang thấy chàng bác sĩ đang giơ điện thoại chụp mình. “Người đâu mà tự nhiên thế chứ…”, cô lẩm bẩm và mỉm cười.

Truyện ngắn của BÙI VIỆT PHƯƠNG

;
.