Câu Kiều cha ngẫm Tết xưa

Thứ Sáu, 19/01/2024, 15:41 [GMT+7]
In bài này
.

Mấy cái Tết rồi, tôi hay hoài niệm chuyện cũ. Khi kéo chiếc vali nơi phương xa về ngang con ngõ hiu hiu gió Chạp, nhìn từ ngoài vào mé hiên, tưởng như cha đang ngồi đó, trên chiếc ghế đẩu cao, tựa cửa mơ màng ngóng mùa đến đợi người qua. Khi Xuân rót tia nắng vàng ươm lên khóm vạn thọ rực rỡ phía trước nhà, choàng tỉnh chui ra từ chiếc mền ấm sực mẹ giặt vào mấy ngày cuối cùng của năm trước, cứ ngỡ chốc lát thôi sẽ được nghe cha đọc câu Kiều.

Thành nếp quen, sáng mùng một năm nào cha cũng gọi cả nhà tụ lại ở gian phòng khách trước bàn thờ gia tiên để bói Kiều. Cha mở chiếc tủ gỗ, lấy ra quyển thơ Truyện Kiều, phần gáy sách bong nhẹ vì bao lần lật mở, bìa sách vài chỗ thủng khoen tròn và từng trang giấy ố vàng màu thời gian.

Trong làn khói trầm bảng lảng thoảng thơm, cha biểu tụi tôi cầm cuốn thơ Kiều giữa hai bàn tay chắp lại trang nghiêm, nhắm mắt thành tâm khấn vái và cầu nguyện, sau khi xưng tên tuổi sẽ xin quẻ bói về điều mình muốn biết. Khấn xong liền dùng hai ngón cái lật mở cuốn sách ra, cũng đồng thời mở mắt và chỉ tay vào câu thơ đầu tiên mà mình nhìn thấy.

Quẻ bói Kiều phải đủ bốn dòng thơ, bắt đầu bằng câu lục, kết thúc ở câu bát. Đối với tôi thuở ấy, những câu thơ cao siêu quá, tâm hồn thơ dại vẫn chưa hiểu hết ý tứ sâu xa. Cha ân cần giảng giải, so đoạn thơ trên ngó đoạn thơ dưới, áng chừng ngang khúc đó cuộc đời Kiều đang gặp phải chuyện gì, vui buồn, tủi hờn, hạnh phúc ra sao.

Dẫu câu thơ có thế nào, phận Kiều đã trôi tới đâu, thì cha cũng cắt nghĩa hợp tình hợp lý với cuộc sống hiện tại. Dường như quẻ bói chỉ dựa vào mặt từ ngữ mà độc lập so với tình tiết Truyện Kiều. Mấy đứa trẻ tò mò chuyện học hành, mẹ cầu sức khỏe, bình an. Cha nhấp ngụm trà xanh mẹ om lúc sớm mai, suy ngẫm hồi lâu rồi giải đáp thắc mắc, làm sáng tỏ hồ nghi và dặn dò đủ điều. Tụi tôi len lén bốc miếng bánh in thơm phức đã thức canh nướng trong đêm giao thừa, vừa ngấu nghiến ăn vừa căng tai ghi nhớ lời cha dạy bảo.

Ngày đầu tiên của năm mới, trong không khí Xuân rộn ràng, cha luôn nói những điều vui vẻ. Mấy anh em phải học hành chăm chỉ, kiên trì và nỗ lực ắt sẽ gặt thành quả tốt. Và dù có thế nào, cũng hãy khắc sâu: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Mẹ đừng quá lo lắng trước sau, ráng thu vén chuyện trong chuyện ngoài, gian khó chừng nào rồi cũng sẽ vượt qua. Rốt cục, sau đêm đen thì “Gà đà gáy sáng, trời vừa rạng đông”. Mọi việc ngày mai tốt hay xấu đều phụ thuộc vào những gì ta đã làm và sắp sửa làm. Bởi lẽ, “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”.

Sau này, tôi chưa một lần chứng thực, bao nhiêu câu Kiều mà cha cắt nghĩa trong những mùa Tết xưa đã được ứng nghiệm. Hay cha chỉ mượn những quẻ Kiều để cảnh báo tương lai, răn dạy đứa con ngoan, ủi an người vợ hiền. Hoặc đó là cách cha truyền vào tâm thức tụi tôi tình yêu thương đơn thuần nhất để biết “gìn vàng, giữ ngọc”. Tôi cứ mơ hồ đi giữa thực ảo, chưa qua khỏi mấy mùng đầu Xuân, đầu óc non nớt trẻ con đã bị khỏa lấp bằng những trò vui, nào hô bài chòi, nào xem diễn văn nghệ. Cứ thế, tôi quên bẵng mấy câu bói Kiều hôm Tết, chỉ nhớ mang máng vài điều cha căn dặn vào lúc cánh mai vàng thắm trước ngõ.

Đứa trẻ thơ dại ngày nào lớn lên, dần dà thôi háo hức chờ sáng mùng một nghe cha dự đoán tương lai. Để rồi, mây trời khói trắng đã đưa cha rời xa mãi, mới hay, mấy ai trong “cõi người ta” được sống trọn cả trăm năm. Bây chừ, dẫu tha thiết muốn coi một quẻ bói Kiều, nghe giảng giải câu thơ tìm một lời dạy về cách sống ở đời, thì cũng đâu còn cha nữa.

Chỉ thấy loáng thoáng dáng cha nghiêm cẩn ngồi đó, ánh mắt kiên định tin tưởng và đầy thương yêu dành cho cả gia đình.

NY AN

;
.