Tăng sức hút và giá trị di tích

Thứ Sáu, 14/10/2022, 19:47 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hoá lịch sử trên địa bàn được chính quyền, Đảng bộ TP.Bà Rịa chú trọng. Các di tích không chỉ đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống, mà còn tạo nên điểm đến độc đáo, phục vụ người dân, du khách trong và ngoài tỉnh.

Địa đạo Long Phước sẽ mở cửa đón người dân và du khách tham quan vào cuối năm nay.
Địa đạo Long Phước sẽ mở cửa đón người dân và du khách tham quan vào cuối năm nay.

Dấu ấn di tích lịch sử - văn hóa

Địa đạo Long Phước (toạ lạc tại xã Long Phước, TP.Bà Rịa), được xây dựng từ năm 1948, là một công sự vững chắc của dân quân du kích địa phương, nơi ghi dấu nhiều trận đánh quyết liệt, giữ ấp và bảo vệ cơ sở cách mạng.

Di tích lịch sử Cách mạng địa đạo Long Phước được Bộ VHTTDL công nhận xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào ngày 9/1/1990. Những năm gần đây, khu di tích địa đạo Long Phước đón trên 200 đoàn khách trong và ngoài nước tham quan với hơn 10 ngàn lượt người. Theo thời gian, qua quá trình khai thác, sử dụng phục vụ khách tham quan, địa đạo đã xuống cấp, nên hiện đang được chính quyền TP.Bà Rịa đầu tư trùng tu, tôn tạo.

Dự án công trình tu bổ, tôn tạo Địa đạo Long Phước do Ban Quản lý dự án TP.Bà Rịa làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng vào tháng 7/2019. Tổng diện tích trùng tu, tôn tạo di tích này là 55,5ha với tổng mức đầu tư dự án hơn 105 tỷ đồng. Công trình nhằm chống xuống cấp cho địa đạo hiện hữu; bảo tồn, tái hiện, phát triển các giá trị văn hóa lịch sử suốt hai cuộc kháng chiến của quân và dân Long Phước.

Ông Võ Thành Đức - di sản viên hạng 3 khu di tích Địa đạo Long Phước (TP. Bà Rịa) cho biết, Địa đạo Long Phước được trùng tu lại giai đoạn 3 gồm các hạng mục như: nhà trưng bày, 4 nhà kháng chiến, phục dựng lại 2 nhà có hệ thống địa đạo theo kiểu bê tông hóa, để gìn giữ di tích. Đường hầm, miệng hầm lên xuống cũng được làm lại. Dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022 tạo thêm sức hút đối với du khách.

Một trong những điểm đến của TP. Bà Rịa là đình thần Long Hương (phường Long Hương). Được xây dựng cách đây hơn 200 năm, trải qua bao thăng trầm còn lưu giữ những giá trị lịch sử, năm 2005 đình thần Long Hương đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Mỗi năm, đình thần Long Hương tổ chức nhiều lễ hội, thu hút trên 7.000 lượt khách đến tham quan, hành hương.

Từ năm 2013 đến nay, Đình thần Long Hương đã được UBND TP. Bà Rịa quan tâm triển khai thực hiện trùng tu, tôn tạo qua 3 đợt gồm các hạng mục: trùng tu phần chánh điện, phần sân khấu võ ca và xây dựng bia di tích, tu bổ, sơn tường và nâng cấp mặt sân. Tổng kinh phí các đợt trùng tu là 4,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và TP. Bà Rịa.

Phát huy vai trò giáo dục truyền thống

Hiện nay, TP. Bà Rịa đang quản lý 4 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia và 2 di tích cấp tỉnh. Trong 5 năm qua, 4 di tích: Nhà tròn, đình Long Hương, đình Phước Lễ, Địa đạo Long Phước được trùng tu, sửa chữa, nâng cấp với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và của thành phố. Không chỉ quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích, TP. Bà Rịa cũng rất chú trọng thực hiện công tác phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa.

Hằng năm, Phòng VH-TT đều có kế hoạch phối hợp với các ngành, đoàn thể huyện tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan tại các di tích trên địa bàn. Bước đầu, công tác phối hợp đã phát huy hiệu quả, kết nối được nhiều người đến với các di tích.

Cụ thể, Phòng VH-TT đã phối hợp với Phòng GD-ĐT, Thành Đoàn, các tổ chức chính trị, xã hội khác tổ chức các chuyến hành trình về nguồn đi tìm địa chỉ đỏ, học ngoại khóa cho hội viên, ĐVTN, HS,... Qua đó, không chỉ khơi dậy niềm tự hào mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong gìn giữ, phát huy, quảng bá những giá trị của di tích.

Nguyễn Khánh Linh (học sinh lớp 5, Trường TH Nguyễn Minh Khanh, TP. Bà Rịa) cho hay: “Thông qua những bài giảng của cô giáo, được đi thăm Địa đạo Long Phước, Nhà tròn, đình thần Long Hương…, chúng em hiểu hơn về các di tích lịch sử, về vùng đất mang tên Bà Rịa. Đó là những chuyến đi tuyệt vời!”.

Ông Phan Lý Chinh Luân, Phó Trưởng Phòng VH-TT TP. Bà Rịa cho biết, đối với các di tích sau khi hoàn thành trùng tu, tôn tạo và đưa vào khai thác thì TP.Bà Rịa cũng đã xây dựng các kế hoạch như phát huy các giá trị lịch sử gắn với du lịch, phát huy truyền thống cách mạng gắn với các điểm đến du lịch của thành phố.

“Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguồn gốc, ý nghĩa, giá trị của di tích nhằm để thu hút, phát triển du lịch, đồng thời giáo dục con, em về lịch sử hào hùng của người dân Bà Rịa”, ông Luân cho biết thêm.

Bài, ảnh: THÙY HƯƠNG

 
;
.