Biến khúc giao thừa

Thứ Sáu, 05/02/2021, 19:38 [GMT+7]
In bài này
.

Giao thừa theo Tết cổ truyền Âm lịch là khoảnh khắc thiêng liêng đặc biệt đối với người Việt Nam. Đó chính là giờ phút quan trọng mà mỗi người dân của đất nước, mỗi thành viên trong gia đình luôn mong chờ, đón đợi với bao nguyện ước tốt lành, may mắn cho một năm mới sắp đến. Và khoảnh khắc giao thời ấy, cũng là lúc lòng người mang nhiều cảm xúc thiêng liêng, xúc động mà có lẽ chỉ có thi ca mới truyền tải được phần nào…

Mâm cỗ cúng Giao Thừa.
Mâm cỗ cúng Giao Thừa.

“Lại một Giao Thừa. Ta làm thơ Khai Bút. Bài thơ viết về hoa nhưng chẳng phải Đào Mai Lan Hồng Cúc. Chẳng phải Xuân chẳng phải Thu. Và ta gọi đấy là Biến Khúc. Biến Khúc hoa Biến Khúc mùa…”

(Biến khúc giao thừa - Nguyễn Trọng Tạo)

KHOẢNH KHẮC GIAO MÙA

Trong năm có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông nhưng có lẽ giao thừa vẫn là khoảnh khắc được mỗi người lưu giữ kĩ nhất trong kí ức, đó là khi mùa đông lạnh lẽo, buồn bã, u ám đang chuyển dần sang tiết trời ấm áp với chút mưa phùn rỉ rả, chút nắng vàng nhẹ nhàng ẩn hiện và những cơn gió se se dịu dàng. Cảnh sắc giao mùa nên thơ đã khiến lòng người dịu lại, mơ màng hơn, khao khát hơn:

“đêm ba mươi đón giao thừa

thoáng mưa xuân rụng, khẽ lùa gió may

tiếng đài thơ vọng dâng đầy

mùa xuân đang gọi - lộc cây khắp trời”

(Giao thừa - Minh Tuấn)

Trong không khí giao thoa của đất trời, lòng người cũng ngổn ngang bao điều cũ - mới: Những thành bại của 365 ngày vừa qua và những thách thức, cơ hội của những ngày sắp đến… Ngoài kia cây cỏ cũng đang thay áo. Phố phường đang rực rỡ không khí xuân sang từ muôn vàn loài hoa khoe sắc khắp nơi:

“Đã bảy tám năm nay ta gom nhặt nắng trời, mong góp nắng thành hoa mà dã tràng xe cát. Đoá hoa ấy sao chiều nay ta bỗng gặp trên tay một chàng trai đi về phía Giao Thừa”.

(Biến khúc giao thừa - Nguyễn Trọng Tạo)

Ngay từ 23 tháng Chạp, nhiều nhà đã chuẩn bị mua lá dong, lạt về gói bánh chưng, chuẩn bị những món ăn cho mâm cỗ Tết. Vào những ngày cận Tết các gia đình bắt đầu tiến hành gói bánh. Cảm xúc được cùng cả nhà quây quần bên nồi bánh, chờ tới khi bánh chín, vớt ra, nhìn những chiếc bánh vuông vức với màu xanh mướt của lá, mùi thơm riêng biệt của đỗ và thịt thật ấm áp, ngon lành hồn quê đất Việt:

“Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng

Cả đêm cuối Chạp nướng than hồng

Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn

Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông”

(Tết quê bà - Đoàn Văn Cừ)

MÂM CỖ GIAO THỪA

Về mặt tâm linh, tháng Chạp cũng là tháng có nhiều lễ cúng nhất. Lễ cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp, lễ cúng tất niên vào chiều 30 Tết và lễ cúng Giao thừa vào khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ, đầu tiên của năm mới. Các gia đình Việt thường chuẩn bị một mâm cỗ cúng Giao thừa là để mong một năm mới bình an, hạnh phúc. Đó cũng là nét văn hóa lâu đời mà những người con đất Việt dù có ở nơi xa xôi nào cũng luôn đau đáu nhớ về, cố gắng chuẩn bị tươm tất nhất có thể, để thể hiện được phần nào hồn cốt của quê hương, giống nòi.

“Bên này trời lạnh

Con nhớ xuân ở nhà

Nồi bánh Tết, đêm giao thừa của má

Cả mâm ngũ quả đầy cầu sung túc cho năm”

(Giao thừa đất khách - Đặng Ngọc Ngận)

Và trong mâm cỗ cúng trời đất ngoài gà (nhà ai không cúng gà thì thay bằng chân giò heo), rượu, bánh chưng, xôi gấc, còn có gạo, muối. Trên bàn thờ tổ tiên thường có mâm ngũ quả. Mỗi loài hoa và mỗi loại quả đều mang những thông điệp tốt lành từ gia chủ. Tùy vào gia cảnh, có gia đình chuẩn bị đơn giản, có gia đình lại rất cẩn thận cầu kì. Mâm ngũ quả sẽ có 5 loại quả với 5 màu sắc khác nhau, tượng trưng cho quy luật đất trời theo ngũ hành Kim (màu trắng), Mộc (màu xanh), Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ), Thổ (màu vàng). Bên cạnh đó, “ngũ” còn tượng trưng những ước nguyện của gia chủ về một cuộc sống sung túc, viên mãn: Phúc (may mắn); Quý (giàu có, sang trọng), Thọ (sống lâu), Khang (khỏe mạnh), Ninh (bình yên).

Chiều 30 Tết cả nhà thường quây quần bên nhau ăn bữa cơm tất niên. Đây là một phong tục tốt đẹp từ xưa đến nay của người Việt. Các thành viên trong nhà, dù đi làm xa cũng cố gắng có mặt trong bữa cơm tất niên bởi đây là thời gian mọi thành viên trong gia đình được quây quần bên nhau, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong một năm. Khoảnh khắc ấm áp, an lành, hạnh phúc đi theo mãi trong kí ức của mỗi người:

“Tết ngày xưa lắm bộn bề

Bánh chưng bánh tét thơ đề đối câu

Bà lo chuẩn bị cau trầu

Mẹ lo gánh nước xuân cầu ấm no

Cha lo mớ cỏ cho bò

Chị lo áo mới hẹn hò cho nhau

Giao thừa nhè nhẹ heo may

Cả nhà thức đợi sang ngày bình minh”

(Tết xưa - Lê Viết Tư)

Vào thời khắc đất trời chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, dù còn muôn vàn khó khăn khi cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đang từng phút từng giờ đối phó với đại dịch Covid-19, nhưng với quyết tâm cao nhất của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của người dân, chúng ta luôn tin tưởng và hi vọng một mùa xuân mới tốt lành sẽ đến với những người con đất Việt dù ở bất cứ nơi nào.

“Và một năm đi qua với bao kỷ niệm

Ðể ta nhớ mãi không quên

Lặng lẽ mùa đông như câu hát cuối cùng

Những gì đã qua sẽ còn lại trong chúng ta

Lặng lẽ mùa xuân như câu hát bắt đầu

Từ giây phút giao thừa rì rầm nỗi ước ao”

(Phút giao thừa lặng lẽ - Huy Tuấn & Anh Quân)

VŨ THANH HOA

;
.