Văn hóa đọc thời @

Thứ Sáu, 21/08/2020, 21:58 [GMT+7]
In bài này
.

Vì tính chất công việc, tôi thường xuyên đi công tác xa. Ở mỗi nhà ga nơi tôi đi qua, đọng lại ít nhiều những suy nghĩ về văn hóa của người Việt nói riêng và châu Á nói chung trong thời đại công nghệ.Tôi có thói quen nhìn những hành khách ở nhà chờ. Điều làm tôi lưu tâm là cách đọc sách của họ. Lạ một điều, nền văn minh hiện đại như người phương Tây lại thích đọc sách kiểu cũ, trong khi người châu Á, nói gần hơn là người Việt thì lại chăm chú đọc trên các phương tiện công nghệ say sưa. Các vị khách đến từ châu Mỹ, châu Âu mê mẩn những tờ báo in, tạp chí, thậm chí là những quyển sách dày cộp đến nỗi nhân viên hàng không gọi tên trên loa mà họ vẫn lưu luyến dán chặt mắt vào các con chữ.Còn các vị khách Việt Nam thì dùng tay lướt lướt, trượt trượt trên màn hình điện thoại, laptop, máy tính bảng liên tục. Những trang mạng vô vàn tin tức, “lá cải” có, uy tín có, làm cho họ choáng ngợp vội vã lướt sơ qua (thậm chí có người xem hình ảnh là chính). Và điều đáng lưu tâm hơn, người Việt càng trẻ thích càng thích đọc sách, báo điện tử. Rất hiếm để bắt gặp những chàng trai, cô gái trẻ cầm cuốn sách trên tay để đọc.

Có lần ngồi gần một cô gái trẻ, tôi dò hỏi: “Cháu có thích đọc sách báo in?”. Mắt vẫn say sưa nhìn vào màn hình máy tính, cô gái trả lời gọn lỏn: “Không! Lười lắm! Cháu thích đọc báo điện tử hơn”. Thậm chí nhiều người trung niên cũng bị công nghệ “hút hồn”. Họ cho rằng như thế là bắt kịp thời đại, cho bằng bè bạn, không thì mọi người lại cười vì mù công nghệ. Thành ra người Việt bây giờ có thói quen mới, bỏ đi giá trị cũ. Anh bạn tôi công tác bên ngành xuất bản nói: “Lý do người phương Tây quay về nếp sống cũ vì họ đã chán ngán công nghệ hiện đại. Còn chúng ta, do đi sau họ, giờ đang là trào lưu nên mới bỏ quên cái thú vui ngồi đọc sách, báo in”.

Theo nghiên cứu khoa học của nhà nghiên cứu Robert Wilson tại Trung tâm Y khoa thuộc Trường đại học Rush (Mỹ), cho rằng đọc sách, viết và tham gia các hoạt động kích thích não ở bất kỳ độ tuổi nào đều giúp con người duy trì trí nhớ và khả năng tư duy khi lớn tuổi. Thực tế rất rõ ràng. Với vô vàn tin tức trên báo mạng, chúng ta khó trọng tâm vào một vấn đề chính, chỉ thuần túy đọc giải khuây, sau đó rồi quên béng. Trong khi đọc sách, báo in, cảm giác lật từng trang, chăm chú đọc thật thích thú vô cùng. Có nhiều trang chưa hiểu, chúng ta phải đọc đi đọc lại nhiều lần, nhất là những sách thiên về nghiên cứu. Vì vậy mà làm cho chúng ta tư duy, nhớ lâu hơn.

Việc hưởng ứng đọc sách kiểu mới trong thời đại công nghệ là vô cùng cần thiết. Vì nhịp sống hối hả, con người lao vào guồng máy của công việc nên rất ít thời gian để ngồi đọc sách kiểu cũ. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta lệ thuộc vào công nghệ rồi đâm ra lười đọc. Đây cũng là nguyên nhân làm cho học sinh ngán ngẫm các môn xã hội vì chúng chi chít chữ. Nếu hình thành văn hóa đọc kiểu mới không khéo những hình ảnh ngồi say sưa cầm quyển sách sẽ bị rơi vào quên lãng.

Đặc biệt, giá trị gia đình cũng ngày càng lạnh nhạt. Vì có nhiều gia đình quay quần bên bàn ăn, bên tách trà mà mỗi cá nhân thì cầm trên tay một chiếc điện thoại và cứ say sưa bấm, lướt. Những ngôi nhà ảo đã vô tình đẩy ngôi nhà thực vào thế ghẻ lạnh. Dần dần, khoảng cách gia đình ngày càng xa. Vì vậy, song song với việc đọc sách, báo trên mạng, mỗi cá nhân nên tập thói quen mỗi ngày bỏ ra ít nhất 15 phút đến nửa tiếng để đọc một quyển sách, tờ báo mà mình yêu thích. Nó vừa giúp chúng ta tư duy, vừa tạo cho chúng ta tính tỉ mẩn trong cách giao tiếp thường ngày.

ĐẶNG TRUNG THÀNH

;
.