Nhận thức

Chủ Nhật, 28/06/2020, 13:11 [GMT+7]
In bài này
.

Gã leo lên cái gác lửng nhỏ xíu của gã rồi ngồi lặng im trên đó ngắm đêm. Qua khung cửa sổ nhỏ xíu và chật chội, gã đẩy nhẹ cặp kính rồi với cái thân hình nhỏ xíu của mình nhoài người ra nghe tiếng đêm vắt trên hiên cửa. Gã hít hà cái yên tĩnh trong khi mọi nhà đều đóng cửa then cài, còn gã lại lấy đó ra làm cái thú. Đoạn đường của con xóm nhỏ cứ sáng ngày lại đông đúc nay bỗng trở nên im lìm, tưởng chừng như tiếng thở của gã cũng là tiếng động lớn khiến mọi người thức dậy nên gã cố thở thật đều  và nhẹ. Gã lắng tai nghe tiếng đêm một lần nữa, thử để cơn gió lạnh rít da làm da gà dựng đứng rồi mới bắt đầu cầm bút viết. Gã luôn tự nhận mình là một nhà văn. Và gã thường vẽ ra đủ cách mà gã cho là tìm cảm hứng.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Kể từ ngày vợ gã bỏ đi vì không thể chịu nổi cái tính lập dị của gã, gã càng thu mình lại.

- Thế mà bảo yêu văn mình mới cưới.

Gã chép miệng nhớ về thời xưa kia khi hai người còn là sinh viên khoa văn với ước mơ tươi sáng và trong trẻo thuở thiếu thời. Ngày đó đàn hát gã đều giỏi, và đặc biệt gã thích làm thơ. Với các cô gái khoa văn khi ấy gã là một lãng tử khiến người ta xiêu lòng. Gã gặp nàng cũng vào một chiều mùa hạ khi nắng vàng đổ từng cơn chảy lửa. Nhưng lạ kì là khi rót xuống tóc nàng chúng chảy từng cơn thật đều và mát rượi. Nắng mà mát rượi. Gã lúc đó chợt hiểu mình phải lòng nàng mất rồi. Thế là gã theo đuổi nàng, gã si tình còn nàng chung thủy, thời sinh viên mơ mộng mà hai người dệt nên phút chốc cũng thành thơ với một đám cưới nhỏ.

Gã làm thơ hay nhưng viết văn lại rất tệ. Nhưng con người ta thường rất lạ, nhất là kẻ văn chương như gã, gã cho rằng mình tài khi cứ sống mãi trong những lời tâng bốc ngày còn trẻ. Nhưng văn chương vốn không phải là thứ dễ dàng nuôi sống một kiếp người, nhất là nó vốn không chừa đường thoát cho một kẻ muốn “đi theo một con đường rất khác” như gã. Cuộc sống sinh nhai của hai vợ chồng trở nên khó khăn khi những bài thơ nhuận bút bọt bèo không thể biến gã thành trụ cột gia đình. Lương giáo viên của vợ gã cũng chẳng đỡ hơn là bao khiến hai người sống chật vật, gã bắt đầu chuyển sang viết văn. “Vì bao giờ truyện cũng nhiều tiền hơn thơ”. Nhưng gã gặp thất bại liên tục vì đó vốn không phải sở trường của gã, người ta khi gặp thất bại sẽ có hai con đường: một là bỏ cuộc, hai là tiếp tục. Tất nhiên, gã tiếp tục. Nhưng gã lại đón nhận những thất bại thành những hoài nghi cuộc sống, gã cho rằng xã hội không đón nhận văn chương gã vì họ muốn chối bỏ sự thật trần trụi. Rồi mọi lời bàn tán vốn thường ngày của  người ta qua tai gã bỗng thành lời dè bỉu, thành sống bám vợ. Thế là gã càng thu mình, càng viết, càng lập dị, và những tác phẩm chào đời của gã khiến gã nghĩ mình là cao siêu, nhận thức được cuộc đời.

Gã chợt khát khô cổ họng. Gã lần tìm đèn để xuống cầu thang, gã ngã chúi dụi vì thậm chí không biết cái đèn ở đâu. Gã định chửi váng cả lên nhưng nhận ra ngôi nhà chỉ có một mình gã. Mọi khi lúc này nàng sẽ đến bên cạnh gã và nhẹ nhàng:

- Em đã dặn đèn em đặt ngay đầu cầu thang vì sợ đêm anh thức dậy rồi.

Dù nàng lúc nào cũng nhẹ nhàng nhưng gã lúc nào cũng sẽ trút giận nàng khi gã đau. Mà thậm chí có phải lỗi do nàng đâu khi nàng vốn đã nhắc gã biết bao nhiêu lần rồi. Gã chợt đói bụng, tặc lưỡi:

- Một tô mì!

Nhưng mì phải đun nước, gã quên khuấy lúc nàng đi có dặn gã luôn nấu nước để khi đói còn nấu mì ăn. Gã bực tức điều gì không rõ không thể viết tiếp. Gã cứ sống như thế mấy ngày, nay gã dậy muộn, gã lười với suy nghĩ dậy sớm khi không còn ai chuẩn bị bữa sáng cho gã, gã trách mình khi để bản thân phụ thuộc vào người khác. Đêm và ngày chẳng còn khác nhau. Dậy, viết, ăn, ngủ, lại dậy. Gã cũng gửi bài tá lả, thi thoảng được đăng, mỗi lúc như thế gã lại chực khoe, đúng rồi mọi khi gã được đăng báo gã lại reo lên như trẻ nít với vợ gã, và nàng sẽ cười thật hiền trong chiếc bếp nhỏ nhẹ nhàng:

- Em biết anh sẽ làm được mà.

Ngẫm lại thì gã lập dị từ lúc nào nhỉ? Từ lúc nhà bắt đầu khốn khó dần đi và cái tình thơ mộng ngày xưa hai người vẫn dệt nay bị ảnh hưởng bởi cơm áo gạo tiền. Và khi gã chối bỏ cuộc đời sống riêng trong cái thế giới con của gã, gã bắt đầu viết nên những tác phẩm có phần đen tối và sống hẳn trong nó. Cũng đã bao lâu rồi gã không nói yêu thương nàng, cũng tại cuộc sống này, gã không còn nấu cơm cho nàng ăn như trước, công việc nhà cũng là nàng kết thúc công việc ở trường rồi bắt tay vào làm ngay, không có gã cùng sẻ chia. Mà thậm chí, gần đây gã cũng không hiểu nàng nữa vì gã đã không còn thói quen lắng nghe và tâm sự cùng nàng. Thế nên việc nàng bỏ đi gã cũng đã chưng hửng cả một thời gian.

Một ngày, gã chợt thèm cái ý nghĩ được nàng gọi dậy. Gã chợt muốn nói chuyện với một ai đó, gã chần chừ bước ra khỏi bậu cửa nhà. Ô hay cái ánh nắng vàng vọt ấm áp đang nhảy múa trên gò má nhợt nhạt trốn nắng lâu ngày của gã. Một chị hàng đon đả chào:

- Anh chồng chị giáo này, anh ăn sáng không ạ?

Gã có hơi ngại vì không quen nói chuyện nhưng bụng gã cũng cồn cào, gã tạt vào, chị hàng vẫn lắm chuyện kể đủ thứ với gã, dường như trong mắt mọi người vợ gã đã luôn kể rất nhiều điều tốt về gã, và ngay cả khi gã không ra ngoài mọi người vẫn thấy bóng dáng gã hiện lên trong những câu chuyện của nàng nên gã không hề xa lạ với họ. Gã chợt nhận ra một sự thực là gã trốn cuộc đời chứ cuộc đời vốn không chối bỏ gã. Gã chợt thấy nhớ nàng kinh khủng, đôi khi mất đi một điều gì đó trong cuộc sống mới chợt nhận ra mọi thứ quan trọng.

***

Gã lăn ra ốm. Trong mê man, gã chợt nhận ra bàn tay nhỏ nhắn của nàng đặt liên tục lên trán gã và mùi cháo thơm trong căn bếp nhỏ làm gã thực sự thấy đói. Gã mở mắt ra và thực là nàng, đang giương đôi mắt lo lắng nhìn gã.

- Sao em  lại ở đây? Chẳng phải em…

- Sao em lại không ở đây? Em đã dặn anh kĩ mọi thứ mà đúng là không yên tâm được nên phải thu xếp về sớm.

- Nhưng em đã bỏ đi mà?

- Gì mà bỏ đi, trước đó em có nói phải về nhà ít hôm để chăm sóc mẹ ốm mà, em có viết thư để lại… Anh lại không chú ý rồi. Gọi anh không được, anh lại để điện thoại hết pin đúng không? Em nôn quá phải về sớm.

Gã ngồi ngẩn người ra một hồi. Nhưng lúc đó gã chợt muốn cảm ơn cuộc đời ghê gớm vì đã không cướp đi nàng, gã chợt nhận ra trải nghiệm này cũng tốt, nó làm gã nhận ra thứ gì quan trọng với gã và cả quan niệm trước giờ của gã cũng bị xóa bỏ đi nhanh chóng. Đột nhiên gã lại muốn lấy giấy bút viết một điều gì đó, gã tin rằng lần này gã sẽ thực sự viết được một điều gì đó tươi tắn như thuở ban đầu, vì xét cho cùng, mọi thứ tích cực hay bi quan cũng đều tự cảm thức của chính mình mà ra.

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

;
.