Phượng tươi thắm nhớ môi hồng mùa hạ

Thứ Sáu, 22/05/2020, 20:36 [GMT+7]
In bài này
.

Đã từ lâu, mùa hè trong các tác phẩm thi ca Việt thường gắn liền với hình bóng hoa phượng vĩ. Từ những năm cuối thế kỷ 19, cây phượng vĩ đã được người Pháp du nhập vào Việt Nam, trồng ở các thành phố lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn. Cho đến nay, loài cây này đã tỏa bóng khắp từ Bắc vào Nam, từ thành thị đến thôn quê, từ trường học, công viên đến các khu chung cư, công sở... Hoa phượng vĩ có màu đỏ tươi thắm rực rỡ thường nở từng chùm trên những tán lá xanh non nên thật dễ hiểu khi nó trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho trái tim đa cảm của các văn nghệ sĩ: “Và lại đến cái mùa phượng đỏ/ Kỉ niệm xưa chìm khuất ở nơi nào/ Tiếng ve vỡ ra trăm nghìn mảnh nhớ/ Em không về nhận mặt tháng năm sao?” (Sau lưng mùa hạ cũ - Trương Nam Hương)

“Trên chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng”.
“Trên chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng”.

THÁNG 5 RỢP TRỜI HOA PHƯỢNG ĐỎ

Phượng vĩ vốn có nguồn gốc từ Madagascar, người ta đã tìm thấy nó mọc dại trong các cánh rừng ở miền tây Malagasy. Ở Việt Nam, TP.Hải Phòng là nơi trồng nhiều cây phượng vĩ. Thậm chí có cả một công viên hoa phượng tại trung tâm thành phố và lễ hội hoa phượng diễn ra vào tháng 5 vô cùng độc đáo. Đó cũng chính là lý do vì sao nơi đây từ lâu đã được gọi là “Thành phố Hoa phượng đỏ”: “Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ/ Ơi Hải Phòng thành phố quê hương/ Ta yêu thành phố quê ta như yêu chính người thương yêu nhất/ Những hẹn hò bên bờ sông Lấp/ Những con đường tấp nập áo thợ ngày đêm/ Những Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên…” (Thành phố Hoa phượng đỏ -Nhạc Lương Vĩnh, thơ Hải Như).

Năm 1970, vợ chồng nhà thơ nổi tiếng Liên Xô, K.Xi-mô-nốp sang thăm Việt Nam và đến Hải Phòng. Cùng đi với vợ chồng nhà thơ Xô-viết, có nhà thơ Huy Cận, Hải Như và các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hồ Bắc, Hoàng Vân… Lúc ấy là mùa hè, TP.Hải Phòng đang rực rỡ hoa phượng đỏ. Cảnh vật tạo cảm xúc khiến nhà thơ Hải Như viết bài thơ Thành phố Hoa phượng đỏ ca ngợi mảnh đất và con người Hải Phòng, sau đó được nhạc sĩ Lương Vĩnh phổ nhạc. Lương Vĩnh là ca sĩ, nhạc sĩ của Hải Phòng hồi đó. Ca sĩ Hoàng Thái (Đoàn Ca múa Hải Phòng) là người đầu tiên hát bài này trên sân khấu Hải Phòng đã gây xúc động lòng người. Vào một chiều mùa hè 1971, NSƯT Kiều Hưng lần đầu tiên hát bài này trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và bài hát lập tức được đông đảo công chúng cả nước yêu thích. Gần 50 năm đã qua, bài hát Thành phố Hoa phượng đỏ vẫn tràn đầy sức sống và hoa phượng đỏ cũng trở thành biểu tượng tự hào của người dân Hải Phòng.

CHÙM PHƯỢNG VĨ EM CẦM LÀ TUỔI TÔI 18

Vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 trong năm là lúc hoa phượng nở rực rỡ nhất. Đây cũng là thời điểm học sinh chuẩn bị nghỉ hè. Vì vậy, phượng vĩ từ lâu vẫn được coi là loài hoa gắn liền với tuổi học trò vì khi hoa phượng nở cũng là lúc kết thúc năm học, mùa chia tay của nhiều thế hệ học sinh: “Em thấy không, tất cả đã xa rồi/ Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ/ Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/ Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say/ Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay/ Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước/ Con ve tiên tri vô tâm báo trước/ Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu” (Chiếc lá đầu tiên - Hoàng Nhuận Cầm).

Thời cắp sách tới trường cũng có thể coi là thời trong sáng, hồn nhiên gắn liền với những thoáng rung động trong trẻo nhất của mỗi người. Và như thế, hoa phượng cũng tượng trưng cho những mối tình đầu đời đẹp đẽ, rất nồng nàn mà lại đầy e ấp, ngại ngần: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu/ Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18/ Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…” (Phượng hồng - Nhạc Vũ Hoàng, thơ Đỗ Trung Quân).

Để rồi sau này khi dấn thân vào đường đời với bao vất vả cùng gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền”, bỗng một hôm ngẩng lên nhìn những chùm hoa phượng nở rực rỡ trong tán lá xanh li ti nơi góc phố, lòng người lại không khỏi bâng khuâng hoài niệm và có chút gì như tiếc nuối: “Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn/ Cảm thông được nỗi vắng xa người thương/ Màu hoa phượng thắm như máu con tim/ Mỗi lần hè thêm kỷ niệm/ Người xưa biết đâu mà tìm…” (Nỗi buồn hoa phượng - Thanh Sơn).

Có lẽ hình ảnh hoa phượng đỏ rực rỡ còn tượng trưng cho những khát vọng, nhiệt huyết, sức sống của tuổi thanh xuân, của giấc mơ đẹp đẽ dù có thể chẳng bao giờ thành hiện thực nhưng khi ta đã đi qua tuổi mộng, vẫn có thể nhớ đến để tự hào: “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Bước lặng trên con đường vắng năm nao/ Chỉ có tiếng ve ồn ào mà chẳng cho lòng người yên chút nào/ Anh mải mê về một màu mây xa/ Cánh buồm bay về một thời đã qua/ Em thầm hát một câu thơ cũ/ Về một thời thiếu nữ say mê (về một thời hoa đỏ diệu kỳ)…” (Thời hoa đỏ - Nhạc Nguyễn Đình Bảng, thơ Thanh Tùng).

Vũng Tàu vào những ngày cuối tháng 5, khi cái nắng chói chang chưa dứt thì những cơn mưa đầu mùa bắt đầu nhè nhẹ rơi xuống những cành phượng vĩ rừng rực đỏ trên rất nhiều con phố, tạo nên khung cảnh đẹp đến nao lòng… Chợt nhớ đến bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành tặng cho Mùa hè Vũng Tàu: “Mùa hè đến những cơn mưa vội vàng qua/ Phượng tươi thắm nhớ đôi môi hồng mùa hạ/ Có đầy trong lá và trong gió/ Bầy ve hát xôn xao phố nhà…/ Mùa hè đến lá xanh bên đường gội mưa/ Chờ khi nắng chúng em phơi da nâu hồng/ Vũng Tàu đẹp quá màu xanh thắm/ Về tắm vui trong lòng biển xanh!” (Mùa hè đến - Trịnh Công Sơn).

VŨ THANH HOA

;
.