Nụ cười trên non

Thứ Sáu, 08/11/2019, 07:32 [GMT+7]
In bài này
.

- Cô ơi, để em giúp cô! Một sáng kiến vừa lóe lên trong đầu Léng. Nó chạy đi rồi quay trở lại với cuộn dây trên tay. Cả bọn tò mò nhìn Léng. Nó cột sợi dây vào đầu chiếc xe máy của cô Hóa. Thằng Bưn, thằng Lìn thấy vậy cũng nhanh chân chạy đến giúp. Sau khi cột cẩn thận, chắc chắn sợi dây vào xe, cả bọn chung tay bắt đầu kéo. Sự sáng tạo của Léng khiến Hóa chỉ biết im lặng, mỉm cười gật đầu. Chiếc xe nhích dần lên dốc. Cả cô lẫn trò cùng cố gắng, dốc cao dần dần bị bỏ lại phía sau. Khuôn mặt ai nấy đều lấm lem, nhễ nhại mồ hôi. Chiếc xe máy cà tàng của Hóa cuối cùng cũng ung dung đứng giữa sân trường, dù bê bết bùn đất. Léng nhìn cô giáo, cười tít:

- Mỗi lần cô về xuôi, lên lại bản, cô cứ yên tâm vì đã có chúng em! Lìn thêm vào với vẻ đắc ý:

- Dù trời nắng hay trời mưa, dù đường lên bản có khó cỡ nào, cô cứ yên tâm vì đã có chúng em cô nhé! Bưn đứng bên cạnh gật tít.

- Thôi, xong rồi, chúng ta về nhà thôi. Để cô còn nghỉ ngơi. Sáng mai mình lên lớp! Trong số tụi học trò của Hóa, con bé Hái là đứa thương Hóa, quý Hóa và tỏ ra lo lắng cho cô giáo của nó nhất. Sau khi đã phụ Hóa đem hết đồ ở xe vào nhà tập thể, Hái nhắc mấy bạn ra về, dù rất muốn ở lại trò chuyện với cô. Hóa không quên lấy mấy chiếc bánh cất trong túi đem ra chia cho học trò. Đứa nào cũng sung sướng nhận lấy quà và cảm ơn cô rối rít. Đứa bảo sẽ mang về khoe với mẹ. Đứa bảo sẽ mang về chia cho em… Rồi chúng rủ rỉ ra về. Đám trẻ khuất dần phía trước cổng trường nhưng những tiếng cười nói hồn nhiên, trong sáng của chúng vẫn còn vọng lại. Hóa đứng tần ngần nhìn theo chúng và mỉm cười yêu thương.

Hóa đã gắn bó với bản nghèo, với nghề dạy học, với đám trẻ ấy cũng đã hơn 3 năm. Cô trở thành cô giáo của làng bản từ một cơ duyên bất ngờ. Trong thời gian chờ xin việc ở dưới xuôi, Hóa theo đoàn thiện nguyện của địa phương lên miền núi tặng quà cho trẻ em, cho người nghèo. Chuyến đi ấy để lại trong Hóa nhiều ấn tượng khó quên, đặc biệt là nó làm Hóa thay đổi. Không chỉ bởi những người dân vùng núi hãy còn rất khổ cực; không chỉ bởi những đứa trẻ luốc lem, giữa mùa gió lạnh vẫn phong phanh manh áo vải, chân đất đầu trần; cũng không phải những đứa trẻ mới tí tuổi đầu đã phải theo ba mẹ lên rẫy hái rau rừng, quả rừng đem xuống chợ bán. Hóa thay đổi từ cuộc trò chuyện với trưởng bản Sìn và với chính những đứa trẻ nơi đây.

- Bản mình đang thiếu giáo viên. Một số thầy cô lên đây công tác được ít năm rồi cũng xin chuyển về dưới xuôi. Một số khác đang dạy thì bỏ giữa chừng vì không chịu được cái buồn, cái nghèo của bản làng. Những đứa trẻ ở đây học hành thất thường lắm. Có thầy cô, chúng được đến trường. Không có thầy cô, đứa nào về nhà đứa nấy, phụ giúp cha mẹ làm nương rẫy, trông em… Hóa nghe trưởng bản kể mà lòng thêm ngùi ngùi.

Tốt nghiệp đại học, ba mẹ khuyên Hóa cứ chờ đợi để được dạy dưới xuôi. Năm nay, ở trung tâm giáo dục thường xuyên của thị xã này có chỉ tiêu cần tuyển. Năm sau, ở trường huyện nọ có giáo viên về hưu. Hai năm liền, Hóa nộp hồ sơ thi nhưng đều không trúng tuyển. Ba mẹ Hóa vẫn khuyên Hóa cứ kiên trì đợi. Họ bảo, dù chờ đợi lâu nhưng có việc ở phố, ở huyện, gần nhà vẫn tốt hơn là đến những nơi xa xôi, hẻo lánh.

Nghe lời ba mẹ, Hóa cứ thế chờ một ngày nào đó sẽ được làm cô giáo dưới xuôi. Trong thời gian ấy, cô xin đi làm đủ việc. Nào ở nhà sách, nào bán quần áo ngoài chợ, nào thì phụ mẹ bán hàng ăn sáng ở nhà. Dẫu làm việc này việc khác nhưng chưa bao giờ cô thôi ấp ủ ước mơ được làm cô giáo đứng trên bục giảng.

Trong chuyến đi thiện nguyện, những đứa trẻ làng bản đã say sưa nói về những bài hát, những bài thơ đã từng được cô giáo dạy. Chúng kể với Hóa về những ước mơ sau này bằng nụ cười, ánh mắt với tất cả niềm tin lấp lánh, đẹp đẽ và cả những trăn trở, băn khoăn:

- Chị ơi, nếu chị là cô giáo, chị có tình nguyện lên bản dạy chúng em không? Chị có bỏ chúng em như các thầy cô giáo khác không?

- Chúng em thích học lắm. Vì có học thì mai này mới thoát khỏi cảnh nghèo được. Vả lại, còn được xuống dưới xuôi, được gặp nhiều người bạn mới nữa! Cô giáo ngày trước nói như thế.

- Mỗi ngày, chúng em thường rủ nhau đứng trước cổng trường chờ thầy cô lên nhưng rồi chẳng thấy ai lên cả. Thầy cô không lên bản nữa. Chúng em sẽ không được học nữa. Sẽ lại quên cái chữ thôi.

Những đứa trẻ thay nhau nói lên nỗi lòng của mình với Hóa. Dẫu mới gặp, dẫu mới quen, thế nhưng chúng lại rất chân thật. Chúng coi Hóa như người nhà, chẳng giấu giếm bất kỳ suy nghĩ gì. Qua từng ánh mắt, Hóa nhận ra ao ước, khát khao của mỗi đứa. Những đôi mắt buồn buồn, những mơ ước giản dị của các em khiến trái tim Hóa xúc động, làm Hóa thêm nghĩ ngợi.

Suốt cả hành trình về dưới xuôi, Hóa luôn nghĩ về những đứa trẻ đã gặp. Hóa chưa dám nói với bọn trẻ rằng mình cũng là cô giáo, lại là cô giáo dạy tiểu học. Hóa giấu kín trong lòng điều mình đang suy nghĩ. Con đường từ trên bản về xuôi bỗng như càng dài thêm. Và rồi Hóa cũng có quyết định, có lựa chọn của riêng mình.

Hóa sẽ nộp hồ sơ lên miền núi dạy học! Hóa biết khi nói ra quyết định này, không biết ba mẹ có chấp thuận hay không. Bởi ngay từ đầu, ba mẹ Hóa đã rào trước đón sau. Là con gái, ở gần nhà, gần ba mẹ là tiện nhất. Lên miền núi dạy học làm gì cho khổ. Hóa nhớ lại câu nói của mẹ ngày Hóa mới ra trường. Nhưng biết đâu bây giờ, ba mẹ sẽ thay đổi suy nghĩ. Ba mẹ có khi sẽ đồng ý với quyết định của mình thì sao? Mình không thử thì làm sao biết được. Hóa đắn đo mãi rồi cũng mạnh dạn:

- Xin ba mẹ hãy đồng ý cho con nộp hồ sơ lên miền núi dạy học. Các em học trò ở trên ấy… Ông Trung, ba của Hóa đang ngồi trầm ngâm, nhấp ngụm trà vừa xong, ông chép miệng cắt ngang lời con gái, thủng thẳng nói:

- Thực ra, ba mẹ đã biết ý định của con từ sau lần con tham gia cùng đoàn tình nguyện lên miền núi. Ba mẹ cũng hiểu tâm trạng của con lúc này. Dù thế nào thì sống với nghề mình lựa chọn vẫn là vui nhất. Ba mẹ cũng đã nói chuyện với nhau rồi. Ông Trung nhìn về phía vợ. Bà Thanh mỉm cười lên tiếng:

- Con cứ nộp hồ sơ đi! Ba mẹ sẽ không cấm cản con nữa. Dạy học ở đâu cũng được, miễn là có tình yêu nghề, lòng đam mê, nhiệt tình, tận tụy… Hóa sung sướng vòng tay ôm lấy mẹ, nói lời cảm ơn ba mình rối rít. Ngay ngày hôm ấy, Hóa đã đem hồ sơ đi nộp và chờ nhận quyết định.

Bản làng đón Hóa vào lúc mặt trời vừa đứng bóng. Núi rừng thưa bóng người. Tiếng chim hót, tiếng vượn hú từ xa vọng lại. Không gian thoáng đãng. Gió núi mang hương rừng dìu dịu, thanh thanh. Vượt đoạn đường dốc khá vất vả nhưng Hóa không cảm thấy mệt mỏi mà trái lại rất thoải mái, dễ chịu. Ngôi trường Hóa dạy đã dần hiện ra trước mặt. Hóa tự nhủ, con đường cõng chữ là con đường đem yêu thương lên núi. Dù biết rằng sẽ vất vả, sẽ không hề nhẹ nhàng nhưng Hóa tin mình sẽ vượt qua, sẽ làm được vì tương lai, vì những ước mơ của các em học trò ở bản nghèo này.

- A! Cô giáo lên rồi! Có đến chục đứa trẻ lớn nhỏ, đầu trần chân đất, quần đùi áo cộc, đầu tóc rối bù, mặt mũi lem luốc đã đứng chờ sẵn ở đầu dốc. Thấy Hóa, chúng hò reo vui sướng. Mấy đứa còn chạy xuống dốc, rủ nhau đẩy xe cho Hóa. Gặp lại Hóa, đứa nào cũng ngẩn người. Đứa đặt tay lên đầu ra điều lục tìm trong trí nhớ. Đứa này hỏi dò đứa kia… Rồi chúng nhìn về phía Hóa:

- Cô ơi, cô là cô giáo mới của chúng em ạ?

- Cô ơi, cô chính là… Nhìn những khuôn mặt ngây thơ đang ngơ ngác hướng về phía mình chờ đợi câu trả lời, Hóa mỉm cười, khẽ gật đầu:

- Cô sẽ là cô giáo mới của các em. Chúng ta đã làm quen với nhau cách đây không lâu, nhớ chưa nào?

- A! Em nhớ rồi. Chị là chị Hóa! Là chị Hóa! Em vẫn nhớ tên chị. Em biết mà. Em biết chị là cô giáo mà. Con bé Hái tỏ ra hào hứng. Cả bọn lại hò reo. Chúng nắm lấy tay nhau bước lại quanh Hóa. Biết bao là câu chuyện chúng muốn nói, muốn kể với Hóa. Thằng Lìn nhìn cả bọn, bảo:

- Từ nay, chúng ta phải gọi là cô Hóa, không được gọi chị nữa nghe chưa! Mấy đứa đồng thanh:

- Đúng rồi! Cô Hóa! Cô Hóa! Hóa bật cười xoa đầu từng đứa.

Tiếng cô trò cùng đọc bài, tiếng cười nói rộn ràng dần xóa tan đi sự im lặng, buồn bã. Từ ngày Hóa gắn bó với bản làng, từ ngày ngôi trường mới được tu bổ, chỉnh trang trở lại, những cô cậu học sinh trong bản càng thích đến lớp, đến trường. Có những em nhà cách xa trường đến cả 10 cây số, mỗi ngày đều chăm chỉ đến lớp vì muốn được gặp cô, gặp bạn, muốn được học cái chữ. Hóa không chỉ dạy học. Hóa còn đến từng nhà, vào tận nương, lên tận rẫy để thuyết phục gia đình và dẫn các em học sinh quay trở lại lớp học. Học trò quý Hóa. Phụ huynh tin tưởng Hóa. Hóa vì thế càng có thêm động lực để cố gắng.

- Cô ơi, em tặng cô!

- Cô ơi, đây là quà của em!

- Của em nữa! Em nữa!...

Thằng Lìn, thằng Bưn, thằng Léng và con bé Hái đến lớp từ rất sớm. Một tay xách cặp, một tay cầm hoa, cầm quà, miệng đứa nào cũng líu ríu, đứa nào cũng tranh phần được nói với cô giáo, được trao tận tay cho cô giáo món quà của chính mình đã chuẩn bị.

- Em tặng cô bó hoa rừng vừa hái!

- Em tặng cô cây mía chặt từ vườn nhà em!

- Đây là mớ rau rừng em hái chiều hôm qua!

- Còn của em là…

Từ xa, những cô cậu học trò khác cũng chạy tới. Chúng ríu rít đến bên Hóa. Hóa nhận lấy những món quà bình dị mà chứa chan tình cảm của học trò. Khóe mắt Hóa cứ thế rưng rưng, cay xè. Cô thấy yêu sao trên những khuôn mặt trẻ thơ lấm lem là những nụ cười tỏa nắng.

Truyện ngắn của: LÊ THỊ XUYÊN

 

 

;
.