HĐND tỉnh khảo sát tại một số trường mầm non: Thiết bị, máy móc chuyên dùng sử dụng chưa hiệu quả

Thứ Ba, 07/05/2019, 18:28 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 7-5, đồng chí Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã làm Trưởng Đoàn khảo sát đột xuất tình hình đầu tư máy móc, thiết bị chuyên dùng trong các trường MN trên địa bàn tỉnh. Ghi nhận cho thấy, thực trạng thiết bị, máy móc chuyên dùng trong trường MN kém hiệu quả.

Đoàn Thường trực HĐND khảo sát việc sử dụng màn hình cảm ứng tại trường MN Long Điền.
Đoàn Thường trực HĐND khảo sát việc sử dụng màn hình cảm ứng tại trường MN Long Điền.

Đoàn đã khảo sát đột xuất tại 4 trường MN được triển khai thí điểm mua sắm bộ thiết bị đồ dùng-đồ chơi vận động thông minh tại: Trường MN Ánh Dương (huyện Châu Đức), Trường MN Hoa Sen (huyện Xuyên Mộc), Trường MN Phước Thạnh (huyện Đất Đỏ) và Trường MN Long Điền (huyện Long Điền). Trong quá trình khảo sát, Đoàn ghi nhận nhiều máy móc, thiết bị được đầu tư cho các trường không phát huy hiệu quả.

Tại các trường, hàng chục danh mục đồ dùng-đồ chơi vận động thông minh như: Vòng đa năng 6 màu, cà kheo thần kỳ, bập bênh xanh da trời, bập bênh đa năng, bập bênh đòn, thang leo, nón ly tâm… được trang bị nhưng ít khi được đưa vào sử dụng. Trên thực tế, có trường còn chưa quan tâm nhiều đến việc đưa vào sử dụng các thiết bị-đồ chơi thông minh. Theo ghi nhận, tại thời điểm khảo sát, Trường MN Long Điền có nhiều thiết bị đồ chơi và đồ chơi thông minh được xếp vào một góc. Thậm chí, một số thiết bị phục vụ cho quá trình vận động của trẻ để lâu ngày, bụi phủ kín. Tại một số lớp được trang bị: Màn hình cảm ứng, Bàn cảm ứng tương tác giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, làm quen tiếng Anh và kỹ năng tìm kiếm thông tin không phát huy hiệu quả. Cô Đặng Hoàng Yến, Hiệu trưởng Trường MN Long Điền đã lý giải việc một số thiết bị vận động dành cho trẻ không đưa vào sử dụng do gần nghỉ hè và hiện trường đang dành thời gian chuẩn bị tổ chức hội thi bóng đá. 

Theo phản ánh, trong quá trình sử dụng các đồ dùng-đồ chơi thông minh, các trường gặp không ít khó khăn vì không gian quá hẹp. Để các em có chỗ chơi, một số trường buộc phải tận dụng hành lang, khu vực trống cho trẻ sử chơi. Trong khi, các trò chơi như sử dụng nón ly tâm, cà kheo thần kỳ, các loại xe trẻ em 3 bánh... cần không gian rộng nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ nhưng trường không đáp ứng được. 

Tương tự, tại Trường MN Hoa Sen, màn hình cảm ứng không còn hoạt động được do hư hỏng. Dù đã nỗ lực đưa vào sử dụng các thiết bị đồ dùng-đồ chơi vận động thông minh nhưng đại diện các trường cho rằng rất khó phát huy hiệu quả. Đặc biệt là với các GV gặp khó khăn trong quá trình sử dụng các thiết bị có yêu cầu cao về yếu tố kỹ thuật như thiết bị màn hình cảm ứng dù đã được tập huấn về cơ bản trước đó. Cô Trần Thị Mỹ Linh, GV Trường MN Ánh Dương cho biết, quá trình sử dụng màn hình cảm ứng vào công tác dạy học đối với cô còn khó khăn do kiến thức về CNTT còn hạn chế. “Thiết bị màn hình cảm ứng cung cấp rất nhiều kiến thức phong phú cho trẻ, tạo sự hứng khởi cho các em trong quá trình học. Tuy nhiên, tôi chưa khai thác hết do còn hạn chế về trình độ CNTT. Tôi thấy bản thân cần phải học hỏi, bồi dưỡng nhiều mới sử dụng tốt công năng của thiết bị này”, cô Linh nói.

Cô Hoàng Thị Xuân Lành, Hiệu trưởng Trường MN Ánh Dương cho biết, các thiết bị, đồ dùng-đồ chơi thông minh hỗ trợ nhiều cho các cô giáo trong công tác giảng dạy cũng như tổ chức các hoạt động cho trẻ tại trường MN. Nhất là màn hình cảm ứng, nếu cô giáo ứng dụng CNTT tốt, có sự sáng tạo thì các cô sẽ thiết kế các trò chơi, các bài dạy trên máy hiệu quả vì phát huy được tính tương tác trong quá trình học và chơi của trẻ. 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 9961/UBND-VP ngày 15-11-2016 về việc mua sắm bộ thiết bị đồ dùng- đồ chơi vận động thông minh cho một số trường MN trên địa bàn tỉnh, Sở GD-ĐT triển khai thí điểm trang bị 6 bộ đồ dùng- đồ chơi vận động thông minh cho 6 trường MN gồm: Trường MN Ánh Dương (huyện Châu Đức), Trường MN Hoa Sen (huyện Xuyên Mộc), Trường MN Phước Thạnh (huyện Đất Đỏ) và Trường MN Long Điền (huyện Long Điền), Trường MN Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ), Trường MN Sơn Ca (TP.Bà Rịa). Tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. 

Sau khi khảo sát thực tế, đồng chí Trần Đình Khoa đánh giá, nhìn chung việc đầu tư, trang bị cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học tại các trường MN. Tuy nhiên, Đoàn nhận thấy một số vấn đề cần xem lại như: Các trường đều được trang bị 1 bộ dụng cụ thiết bị như nhau trong khi không gian từng trường khác nhau. Có trường diện tích không đủ để đưa vào sử dụng các thiết bị này dẫn đến không phát huy hiệu quả. Một số thiết bị có chất lượng kém, hỏng hóc khi sử dụng chưa được sửa chữa. 

“Kinh phí đầu tư đồ dùng-đồ chơi cho các trường MN rất lớn, nhưng sử dụng không hiệu quả. Vì vậy, cần đánh giá lại tính khả thi của việc đầu tư và có cần nhân rộng cho 92 trường MN còn lại hay không. Trên cơ sở khảo sát thực tế, Đoàn sẽ đề nghị Sở GD-ĐT có báo cáo đánh giá cụ thể”, đồng chí Trần Đình Khoa khẳng định.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.