Ứng dụng đặt xe trên Smartphone: Khách hàng, nhà quản lý cùng có lợi

Thứ Ba, 07/05/2019, 16:16 [GMT+7]
In bài này
.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã đưa vào sử dụng các ứng dụng đặt xe trực tuyến - app trên điện thoại thông minh. Khách hàng chỉ cần cài app của các hãng xe trên smartphone là có thể đặt vé bất kỳ lúc nào.

Du khách nước ngoài trải nghiệm xe của Công ty Liên doanh Vận chuyển Quốc tế Hải Vân  tuyến Vũng Tàu - TP.Hồ Chí Minh - Tân Sơn Nhất.
Du khách nước ngoài trải nghiệm xe của Công ty Liên doanh Vận chuyển Quốc tế Hải Vân tuyến Vũng Tàu - TP.Hồ Chí Minh - Tân Sơn Nhất.

Đầu tháng 4 vừa qua, Công ty Liên doanh Vận chuyển Quốc tế Hải Vân đã khai trương Tuyến xe du lịch cao cấp Vũng Tàu - TP.Hồ Chí Minh - Tân Sơn Nhất và sử dụng app Havaz. Đây là ứng dụng đặt xe đường dài thông minh đầu tiên tại Việt Nam. Hành khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ xe tuyến này có thể đặt vé online trên ứng dụng đặt xe đường dài Havaz thông qua việc tải app trực tiếp trên 2 kho ứng dụng phổ biến IOS, Android bằng cách nhấn “havaz” để tìm kiếm và tải. Với hai thao tác đơn giản chọn giờ đi, điểm đến và số ghế, hành khách sẽ được hệ thống xuất vé điện tử ngay tức thì mà không cần gọi điện thoại hay ra phòng vé. Havaz có dịch vụ đón, trả khách tại nhà ở TP.Vũng Tàu; tại TP.Hồ Chí Minh thì trả khách tại những điểm cố định theo lộ trình. 

Anh Ngô Phi Long (Hà Nội) cho biết: “Gần đây, mỗi lần đi từ sân bay Tân Sơn Nhất xuống Vũng Tàu tôi đều đặt vé trên Havaz. So với cách đặt xe truyền thống thì đặt vé trên Havaz thuận tiện, nhanh chóng, chủ động chọn chỗ với mọi thông tin niêm yết minh bạch, chính xác. Sử dụng vé điện tử và hoá đơn điện tử thông minh, hành khách không phải dùng vé giấy, không lo mất vé hay quên vị trí chỗ ngồi. Xe mới, sạch sẽ, có đầy đủ các dịch vụ như wifi, khăn lạnh, nước uống miễn phí, dịch vụ trung chuyển tận nhà,... Xe chạy liên tục, giờ chạy linh hoạt, phù hợp với giờ máy bay cất/hạ cánh nên rất thuận tiện”. 

Theo bà Đoàn Thị Nhung, Trưởng phòng Maketting Công ty Liên doanh Vận chuyển Quốc tế Hải Vân, ứng dụng công nghệ Havaz giúp DN vận tải giải quyết hiện trạng bất cập đã và đang xảy ra trong các tuyến xe khách đường dài như: Lộ trình các điểm dừng đón - trả khách đi qua các trung tâm đô thị, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, đầu mối giao thông lớn kết nối thuận tiện với các loại hình vận tải rất thuận tiện cho hành khách đi lại và khách du lịch trong nước và quốc tế; kết nối với các bến xe, nhà ga, bến cảng, sân bay trên địa bàn. Trong suốt hành trình, DN có thể biết được tài xế chạy với tốc độ như thế nào có tuân thủ về quy định an toàn hay không, cũng như thái độ phục vụ khách hàng của tài xế và tiếp viên trên xe.

Hiện nay, Havaz có 12 chiếc xe Limosine mới loại 10 chỗ chạy với tần suất 60 phút/chuyến. Các điểm trung chuyển trong lộ trình được bố trí hợp lý và thuận tiện. Tới đây, DN sẽ tăng số xe, nâng tần suất phục vụ lên từ 15-30 phút/chuyến. Đồng thời, khuyến khích các DN vận tải tại tỉnh BR-VT tham gia vào mạng lưới của Havaz để phục vụ hành khách tốt hơn.

Ngoài Havaz, hiện tại Vũng Tàu còn có hệ thống xe Grab, một ứng dụng đặt đặt xe thông minh trên điện thoại cảm ứng (smartphone), kết nối giữa hành khách và tài xế có đăng ký sử dụng ứng dụng. Hiện Grab có hai dịch vụ Taxi Grab và GrabBike (xe ôm). Thay vì phải gọi điện cho tổng đài để đặt xe, khách hàng chỉ cần bật App Grab, hệ thống quản lý, điều hành sẽ cung cấp cho khách hàng vị trí chiếc xe đang ở gần nhất để phục vụ khách hàng. Chị Hoàng Thị Yến (chung cư 242, Nguyễn Hữu Cảnh, TP.Vũng Tàu) cho biết: “Chỉ cần cài ứng dụng Grab trên điện thoại, mỗi lần cần đi đâu tôi mở smarphone ra đặt xe cho biết hành trình điểm đi và điểm đến là có ngay tài xế phục vụ và khách hàng được biết trước số tiền cần thanh toán. So với giá cước taxi và xe ôm truyền thống giá đặt qua Grab thường rẻ hơn, lại thuận tiện hơn”.

Theo đánh giá của Sở GT-VT, việc ứng dụng công nghệ 4.0 giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý chặt chẽ các điều kiện liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông, từ phương tiện vận tải, người lái xe đến DN vận tải như: Lập và điều hành kế hoạch chạy xe, quản lý các mốc thời gian bảo dưỡng, bàn giao xe; kiểm soát thời gian hoạt động, tốc độ phương tiện và những lần dừng đỗ, thái độ phục vụ hành khách trên xe; lưu giữ toàn bộ hồ sơ và xếp hạng của từng lái xe… 

Ông Trần Thượng Chí, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Sự ra đời của các hãng xe có áp dụng công nghệ vận tải 4.0  giúp cho hành khách không còn cảnh xếp hàng, chen lấn xô đẩy, không biết chỗ mình ngồi ở đâu khi lên xe. Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ dễ dàng quản lý chất lượng dịch vụ vận tải và doanh thu một cách minh bạch, phòng chống các tiêu cực như “xe dù, bến cóc”, trốn thuế…

Bên cạnh đó, sự ra đời của các hãng vận tải áp dụng công nghệ 4.0 đã tạo ra sự cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải, đặc biệt là dịch vụ đặt vé xe. Để giữ chân khách hàng, các hãng vận tải truyền thống buộc phải thay đổi để theo kịp với công nghệ 4.0. Ngoài ra, tất cả các hãng tham gia hoạt động vận tải hành khách đều tự thay đổi cung cách, thái độ phục vụ hành khách, tổ chức đào tạo hành vi, thái độ nhân viên với khách hàng bài bản. Nếu như trước đây, khách hàng phải ra bến xe xếp hàng mua vé thì giờ đây khách hàng có thể đặt vé online từ các hãng xe như: Phương Trang, Toàn Thắng, Hoa Mai, Kumho,… Bên cạnh đó, các hãng xe cũng chú trọng trong việc đầu tư xe mới, chất lượng phục vụ khách hàng cũng tốt hơn như: đón rước tận nhà, giờ đi - đến chính xác, chạy đúng lộ trình, không đón khách dọc đường…

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
;
.