Bé lớn nhà tôi học lớp 8, trong kỳ kiểm tra cuối kỳ vừa qua, cháu đạt điểm 9, 10 ở các môn học và vẫn giữ vững danh hiệu học sinh xuất sắc. Bé nhỏ học lớp 1, kiểm tra cuối kỳ vừa rồi đạt 5 điểm ở các môn, so với học kỳ trước, bé đã có tiến bộ vượt bậc. Vì vậy, tôi đã thưởng cho cả hai bé một chuyến du lịch.
Thế nhưng, bé lớn thắc mắc: “Con được thành tích cao, em học kém vậy mà vẫn được thưởng?”. Tôi đã giải thích với con: “Mỗi người đều được thưởng vì lý do khác nhau. Con được thưởng vì học giỏi, còn em được thưởng vì đã nỗ lực vượt lên chính mình. Sự tiến bộ của mỗi người là khác nhau, và ba mẹ muốn khuyến khích cả hai con tiếp tục cố gắng”.
Câu hỏi tưởng chừng đơn giản của con tôi nhưng phản ánh một thực tế phổ biến hiện nay, khi điểm số trở thành thước đo duy nhất cho sự cố gắng và giá trị của mỗi đứa trẻ.
Ở một trường tiểu học, một cô bé lớp 2 trong học kỳ đầu đạt điểm trung bình các môn chỉ 5, nhưng sang học kỳ hai đã tiến bộ rõ, chăm học hơn, không còn sợ viết bài hay đọc to trước lớp. Tuy nhiên, vì chưa đủ điểm đạt danh hiệu nên bé không được nhận giấy khen như các bạn, dù giáo viên chủ nhiệm ghi nhận bé có cố gắng vượt bậc. Cuối buổi tổng kết, bé rơm rớm nước mắt hỏi mẹ: “Con đã cố gắng lắm rồi mà sao không được khen?”
Tại các trường học, để có tên trong danh sách học sinh xuất sắc, các em phải đạt điểm kiểm tra định kỳ gần như tuyệt đối. Vì vậy, không ít phụ huynh buộc con “luyện đề”, học thêm, kể cả ép học sinh tiểu học học trước chương trình lớp trên. Có em nhỏ từng chia sẻ: “Nếu con không được học sinh xuất sắc mẹ sẽ không cho con đi chơi hè.”
Không ít em học sinh đã mang trong lòng mặc cảm vì “không giỏi như bạn”, “không được gọi tên trên bảng”, hay “không được ba mẹ thưởng gì cả”. Càng lớn, những đứa trẻ này dễ thu mình, hoặc phản ứng tiêu cực, chống đối, hoặc học vì điểm chứ không còn học vì niềm vui và sự phát triển bản thân.
Từ năm học 2024-2025, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành những thay đổi mang tính định hướng lại cách đánh giá và khen thưởng học sinh, đặt trọng tâm vào sự phát triển toàn diện và tiến bộ cá nhân, thay vì chỉ dựa vào kết quả tuyệt đối.
Cụ thể: Ở cấp Tiểu học, Bộ GD-ĐT đã bỏ danh hiệu “Học sinh giỏi”, thay bằng cách đánh giá theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập và rèn luyện. Học sinh sẽ được khen thưởng theo hai danh hiệu chính: “Học sinh xuất sắc” dành cho những em hoàn thành vượt trội các yêu cầu. “Học sinh tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện” dành cho học sinh có nhiều tiến bộ, ý thức tốt. Ở cấp THCS và THPT, học sinh được đánh giá bằng các mức Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt. Khen thưởng cuối năm chỉ còn hai danh hiệu: “Học sinh giỏi” và “Học sinh xuất sắc”.
Những thay đổi này đã phần nào nhằm giảm áp lực thành tích, khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ của từng học sinh, đồng thời tạo môi trường học tập lành mạnh, công bằng và toàn diện. Quan trọng hơn, phụ huynh và nhà trường cần cùng nhau thay đổi tư duy về khen thưởng: Đặt trọng tâm vào quá trình rèn luyện, không chỉ là kết quả; vào sự phát triển cá nhân, không chỉ là thứ hạng; vào giá trị làm người, không chỉ là học sinh giỏi.
Theo đó, các nhà trường có thể linh hoạt hơn trong khen thưởng: thêm danh hiệu “Học sinh tiến bộ vượt bậc”, “Học sinh giàu nghị lực”, hay đơn giản là một lời tuyên dương trước lớp. Phụ huynh thì hãy học cách “thưởng riêng” tùy theo tính cách và hành trình của mỗi con để con hiểu rằng mình được yêu thương vì là chính mình, không phải vì mình đứng hạng mấy.
Một đứa trẻ được động viên đúng lúc sẽ trưởng thành tích cực hơn rất nhiều so với một đứa trẻ chỉ biết học để “được khen”.
ANH ĐÀO