Bảo vệ biển là bảo vệ mình

Thứ Hai, 12/05/2025, 17:04 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây, một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh bờ kè biển Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) ngập ngụa rác thải sinh hoạt và túi nilon. Đoạn video không chỉ là hồi chuông cảnh báo về tình trạng ô nhiễm do rác thải, mà còn là lời nhắc nhở về ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ môi trường.

Ngay sau khi đoạn video được chia sẻ rộng rãi, người dân địa phương đã chủ động thu gom rác tại khu vực này. Chính quyền huyện Xuyên Mộc cũng có công văn chỉ đạo xử lý và tổ chức các lực lượng thu gom rác để khôi phục môi trường biển. Chỉ trong một ngày, hơn 200 người đã cùng nhau thu gom rác thải tại khu vực bờ kè. Với sự vào cuộc khẩn trương của lực lượng chức năng cùng người dân, bãi biển Bình Châu đã sạch đẹp.

Với đường bờ biển dài gần 300 km, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những trung tâm du lịch, khai thác thủy hải sản và kinh tế biển trọng điểm của cả nước. Do vậy, việc bảo vệ môi trường biển, giữ gìn bờ biển luôn sạch đẹp có ý nghĩa rất quan trọng.

 Việc người dân, chính quyền và đoàn thể cùng hành động, nhanh chóng dọn dẹp rác thải tại biển Bình Châu là rất đáng ghi nhận. Điều đó cho thấy cộng đồng vẫn còn tình yêu và trách nhiệm với biển, nơi không chỉ là không gian sống, mà còn là nguồn sinh kế và bản sắc của vùng đất này. Tuy nhiên, hành động đó mới dừng lại ở việc “chữa cháy”. Điều cần hơn chính là thay đổi tư duy từ phản ứng sang chủ động phòng ngừa.

Muốn biển sạch, không phải chỉ mỗi dọn rác, mà cần xây dựng hệ thống quản lý rác thải bài bản, xử lý nước thải hiệu quả, nâng cao nhận thức cộng đồng và siết chặt giám sát các hoạt động khai thác tài nguyên ven biển. Chính quyền các cấp cần rà soát quy hoạch không gian biển, bố trí đầy đủ thùng rác, nhà vệ sinh công cộng, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi xả rác bừa bãi.

Bảo vệ môi trường biển là trách nhiệm của toàn xã hội. Biển không thể lên tiếng khi bị đầu độc. Vì vậy, mỗi hành động nhỏ của mỗi người chúng ta như hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon, không vứt rác bừa bãi, hay nhắc nhở người khác bảo vệ môi trường đều là một cách “lên tiếng” cho đại dương.

Một vùng biển xanh, sạch, đẹp không chỉ là điểm đến hấp dẫn du khách, mà còn là tài sản vô giá cho thế hệ mai sau. Bà Rịa - Vũng Tàu đang có cơ hội trở thành hình mẫu trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường. Để làm được điều đó, cần nhiều hơn những đợt “ra quân” dọn dẹp rác thải sau khi mạng xã hội phản ánh. Đồng thời, cần những chiến lược dài hạn, những chính sách hiệu quả và trên hết là sự chuyển biến thực sự trong nhận thức và hành động của từng người dân trong bảo vệ môi trường.

Bảo vệ biển cũng chính là bảo vệ tương lai của chúng ta.

TRIỆU VỸ

 
;
.