.

Chủ động thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Cập nhật: 17:26, 02/05/2024 (GMT+7)

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và nhiều địa phương luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC), coi đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Phát triển NLCLC vừa là chủ thể, vừa là động lực, đồng thời vừa là mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Nghị quyết số 29 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII (ngày 17/11/2022) về “Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” chỉ rõ, một trong những giải pháp hàng đầu để tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là phát triển nguồn NLCLC. Đây là một định hướng quan trọng, cần thiết nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng nguồn nhân lực và từ những nhận định có cơ sở về xu hướng phát triển kinh tế thế giới trong những năm tiếp theo, Đại hội XIII cũng đã nhấn mạnh, “phát triển nguồn NLCLC là một trong ba khâu đột phá chiến lược để từng bước phá vỡ những điểm nghẽn của sự phát triển kinh tế - xã hội”. Nội hàm về nguồn NLCLC được xác định cụ thể hơn, đó là “nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt” và đặc biệt phải gắn phát triển nguồn NLCLC với “ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo ở nước ta còn rất lớn, chất lượng đào tạo nhân lực thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Theo báo cáo gần đây của Bộ LĐTBXH, lực lượng lao động đã qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, chỉ xấp xỉ ở mức 25% (kế hoạch đặt ra là 40%). Trong khi đó, cạnh tranh quốc tế bằng lao động phổ thông, giá nhân công rẻ không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Hiện nay, nước ta chưa đủ nguồn cung nhân lực có kỹ năng lao động cao, thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, thiếu các nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế then chốt. Sự thiếu hụt nguồn NLCLC đang là một trở ngại lớn đối với tiến trình CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

So với nhiều địa phương khác, nguồn nhân lực đã qua đào tạo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là ở mức cao. Theo đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 80,6%; 33% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Trong số 575.000 lao động đang làm việc tại địa phương, có 37,1% lao động làm việc trong khu vực công nghiệp; 20,5% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và 42,4% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ.

Tuy vậy, để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, phấn đấu đưa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia theo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu thu hút nguồn NLCLC cần được các ngành, các doanh nghiệp quan tâm thực hiện, dựa trên định hướng đột phá “Thành lập các KCN công nghệ cao, sinh thái để thu hút các nhà đầu tư và nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại, hình thành các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị” - đã được lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Chủ động tạo nguồn NLCLC cần phải dựa vào thực tế của địa phương, doanh nghiệp để có chính sách đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài hợp lý, tránh tình trạng “chảy máu” chất xám. Ưu tiên xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên gia, nguồn NLCLC và đội ngũ lao động kỹ thuật trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn. Tạo đột phá trong phát triển nhân lực đầu tàu, có khả năng hướng dẫn lực lượng lao động trình độ thấp tiếp cận được máy móc, khoa học - công nghệ và trình độ quản lý hiện đại, tiên tiến. Khuyến khích phát triển các nền tảng dạy và học trực tuyến mở, các mô hình đại học mới thích ứng với quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, cần chú trọng đến việc nâng cao trình độ, tay nghề cho lao động nông thôn, tăng cường đội ngũ chuyên gia và kỹ sư nông nghiệp.

HOÀNG LÊ

.
.
.