Chủ động bình ổn thị trường dịp Tết

Thứ Sáu, 20/11/2020, 17:12 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa càng trở nên cấp thiết.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tác động đến toàn bộ nền kinh tế trong nước và thế giới. Hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người dân. Việt Nam là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh tốt, luôn bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát và áp dụng cách ly toàn xã hội.

Tuy nhiên, do là nền kinh tế mở nên Việt Nam cũng đã chịu ảnh hưởng không nhỏ do sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn thế giới. Chín tháng đầu năm nay, GDP của cả nước đạt 2,12%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước (trong nhiều năm trở lại đây con số này đều tăng trưởng trên 10%).

Trong tình hình hiện nay, khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, thời tiết bất ổn, bão chồng bão, lũ chồng lũ tại các tỉnh miền Trung, dịch tả heo Châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái nhiễm trở lại đã và có thể tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Thị trường hàng hóa thế giới và trong nước sẽ còn nhiều diễn biến khó lường.

Vì vậy để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, tại Chỉ thị số 15 /CT-BCT do Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ngày 30/10, về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng có biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh hoặc dịp Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các DN sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.

Thời điểm này nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu cũng như chủ động các phương án dự trữ hàng hóa nhằm tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá...

TP.Vũng Tàu cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Cụ thể là thành phố vận động và khuyến khích các DN, hộ cá thể chủ động xây dựng kế hoạch và dự báo nhu cầu tiêu thụ để cung cấp đủ, kịp thời hàng hóa. Thành phố sẽ triển khai tổ chức Hội Hoa Xuân, Chợ hoa cây cảnh và các hoạt động văn hóa vui chơi giải trí lành mạnh; phối hợp tổ chức chương trình “Hàng Việt về nông thôn”, “ Tết cho công nhân” để tăng sức mua cho thị trường dịp Tết.

Tết đang đến gần. Việc chuẩn bị tốt nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong dịp Tết sẽ góp phần bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

PHƯƠNG ANH

 
;
.