Không đánh đổi văn hóa

Thứ Sáu, 05/07/2019, 07:05 [GMT+7]
In bài này
.

Nền văn hóa Việt và nền văn hóa Nhật Bản (hay của bất kỳ quốc gia nào) đều là tài sản vô giá. Ngày 30/6/2019, Thị trưởng TP. Kinokawa của Nhật Bản, ông Shinji Nakamura phát biểu trước nhà lãnh đạo Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Văn hóa là thứ không thể đánh đổi. Văn hóa giúp chúng ta cất cánh”. Đó là tâm sự của ông Shinji Nakamura, sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thành phố Kinokawa dự lễ hội hoa sen Việt - Nhật. Ở Việt Nam hoa sen được coi là Quốc hoa, biểu tượng đẹp, thủy chung, trinh trắng - Trong đầm gì đẹp bằng Sen, nước Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ! 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại câu ca dao - một biểu tượng kết tinh văn hóa Việt: “Hoa sen sao khéo giữ màu/ Nắng nồng không nhạt, mưa dầu không phai”. Các nhà lãnh đạo Việt và Nhật tự hào về sự lương duyên của hoa sen, sự thủy chung trọn vẹn giữa nhân dân hai nước trong thời đại mới; khẳng định trách nhiệm “Kinh doanh không bao giờ lãng quên văn hóa - lan tỏa tình thân, bè bạn giữa người với người”. 

Các doanh nhân Việt cùng tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến tình bạn Việt - Nhật được kết nối và hội tụ từ “Nền văn hóa Nhật, văn hóa Hội An của Việt Nam” từ mấy thế kỷ trước. Một doanh nhân nhắc đến sợi dây bền chặt giữa con người và những con vật nuôi, nhất là loài gia cầm thân thương trong văn hóa Việt và văn hóa Nhật. Gà & vịt thuộc họ gia cầm, gần gũi với cuộc sống dân ta. Ca dao, tục ngữ Việt và Nhật đều có câu tương đồng:

Ai lên cho tới cung trăng

Nhắn con vịt nước đừng ăn cá trời…

Hoặc:

Nuôi vịt, vịt đẻ trứng ra

Có công nuôi gà, gà gáy cho nghe!

Trong dân gian, khi nói đến vịt trời, người ta ám chỉ sự “bay đi”, trong một số trường hợp là không có hậu. Ví như, thời phong kiến, có ai đó một bề sinh con gái, người ta nói vui là nuôi … vịt trời. Khi con gái Việt hay con gái Nhật đi lấy chồng, về nhà chồng, sinh con đẻ cái lấy họ chồng, thế là hết. Đó là văn hóa xưa; văn hóa nay, con gái quý hơn vàng, hiếu đạo với cha mẹ, chắc gì con trai sánh kịp?  

Hai tiếng vịt trời, trong văn cảnh khác, người ta ám chỉ sự không trung thực. Ví như, công ty địa ốc Alibaba mua đất nông nghiệp ở BR-VT và mấy nơi khác ở khu vực miền Đông Nam bộ, lập dự án “ma” phân lô bán nền, nổ với khách hàng, sau một thời gian nếu đất không bán được, Alibaba mua lại, khách hàng lãi to, kiếm bộn tiền. Người ta nói đó là “Vịt trời”. Văn hóa Việt, với câu chuyện cổ tích “Alibaba & 40 tên cướp” kể rằng, ngày xưa ở xứ Ba Tư xa xôi có anh thợ mộc nghèo tốt bụng tên Alibaba khi đang dắt con lừa vào rừng đốn củi thì gặp đoàn 40 tên cướp chở các bao tải nặng. Alibaba buộc lừa sau bụi rậm, trốn lên cây. Bọn cướp đến gốc cây thì dừng lại. Thủ lĩnh băng cướp đến bên tảng đá nặng đọc thần chú: “Vừng ơi, mở cửa ra!”. Tấm đá nặng lập tức mở, các bao tải được khuân vào cất dấu trong hang. Bọn cướp ra khỏi hang, tên Thủ lĩnh đọc thần chú: “Vừng ơi, hãy đóng lại”. Lập tức, hòn đá được chèn cửa hang. Sau khi bọn cướp đi khỏi, Alibaba đã đến cửa hang đọc thần chú để vào hang - kho báu đầy vàng. Alibaba lấy 3 bao vàng mang về, kể lại cho vợ nghe mọi chuyện. Từ đó, Alibaba có vốn mở rộng buôn bán, trở nên giàu có. Tên người thợ mộc nghèo Alibaba được lấy đặt tên cho một Công ty Alibaba thời nay, nhưng tiếc thay, những người cầm chịch tập đoàn này đang làm những điều “Vịt trời”, đẩy bao người chạy theo dự án “ma”, mất cả chì lẫn chài, trắng tay! 

Thời nay, cần lắm sự lan tỏa và kết nối văn hóa. Lan tỏa và kết nối văn hóa tạo nên sức mạnh nội sinh. Mọi người, bất kể ai, bất cứ nơi nào hãy là những bông sen đẹp: Nắng nồng không nhạt/ Mưa dầu không phai. Có được điều cốt lõi văn hóa đó, không gì là không thể, không khó khăn nào là không thể vượt qua.

TRIÊU DƯƠNG

 

;
.