MICHAEL LAUDRUP

Biểu tượng bóng đá của quốc gia hạnh phúc!

Thứ Sáu, 09/10/2020, 17:07 [GMT+7]
In bài này
.

Bóng đá Đan Mạch luôn sản sinh ra những nhạc trưởng rất hay, trong đó có Christian Eriksen. Tuy nhiên, người mà giới hâm mộ luôn nghĩ đến, một trong những cầu thủ tài hoa nhất lịch sử bóng đá của quốc gia hạnh phúc là Michael Laudrup.

Laudrup (10) một biểu tượng lớn của bóng đá Đan Mạch.
Laudrup (10) một biểu tượng lớn của bóng đá Đan Mạch.

CẦU THỦ XUẤT SẮC KHI MỚI 18 TUỔI

Trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến 1996, cầu thủ vĩ đại nhất bóng đá Đan Mạch từng được xem là tài năng sáng giá nhất châu Âu. Thế nhưng, đều đáng buồn cho Laudrup là anh không đạt một danh hiệu Quả bóng vàng của tạp chí France Football. Đó đúng là sự thực lạ lùng, bởi vì thế, Pep Guardiola từng phải nhận xét: “Tôi không thể tin nổi anh ấy chưa bao giờ có được danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới”.

Laudrup không chỉ là một tiền vệ công toàn năng, có thể thi đấu ở bất cứ đâu trên sân bóng. Anh còn là một dạng “cầu thủ tổng lực” đã được trui rèn, và vươn tới đỉnh cao dưới bàn tay của Johan Cruyff cũng như định hướng của ông ở Barcelona. Và sau Cruyff, có thể nói Laudrup là một trong những cầu thủ tài hoa nhất mọi thời đại.

Năm 18 tuổi, Laudrup được vinh danh là Cầu thủ xuất sắc nhất Đan Mạch. Đó cũng là năm mà Laudrup chuyển sang thi đấu cho Juventus từ Brondby. Đây cũng là thương vụ cực kỳ nổi tiếng thời bấy giờ. Tuy nhiên, Laudrup không có được thành công với quãng thời gian thi đấu trên đất Ý. Đạo luật về cầu thủ nước ngoài ở Serie A buộc Laudrup phải đến Lazio hai mùa giải với một bản hợp đồng cho mượn (anh đã không lường trước chuyện này), và vào mùa giải thứ ba ở đây, Laudrup thường xuyên phải làm bạn với giường bệnh. Năm 1989, anh gia nhập Dream Team của Cruyff và trở thành một trong những trụ cột của thế hệ huyền thoại ở Barcelona. Năm năm ở Camp Nou, anh đã có được 4 chiếc cúp Vô địch Tây Ban Nha, 1 Cúp Nhà Vua, 2 danh hiệu Siêu Cúp Tây Ban Nha, 1 Siêu Cúp Châu Âu và 1 chiếc cúp bạc châu Âu.

Khi Laudrup tuyên bố rằng anh sẽ rời khỏi Barcelona sau những lùm xùm với người thầy Cruyff – ông đã để anh ngồi ngoài trong trận chung kết cúp châu Âu năm 1994 – Guardiola đã thừa nhận rằng vô cùng buồn khi biết được thông tin trên, anh đã khóc và ra sức thuyết phục Laudrup thay đổi quyết định, anh cũng nói rằng anh học được nhiều điều từ người bạn và đồng đội của mình.

Rời khởi Barcelona, Laudrup gia nhập đại kình địch Real Madrid và ngay lập tức mang chiếc cúp La Liga khỏi Catalonia. Mặc dù chỉ thi đấu có 62 trận ở giải vô địch quốc gia cho Real, nhưng vào năm 2002, Laudrup vẫn được vinh danh xếp thứ 12 trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử đội bóng Hoàng gia.

Năm 1999, anh giành được danh hiệu Cầu thủ nước ngoài xuất sắc nhất của bóng đá Tây Ban Nha trong vòng 25 năm; vượt qua những cái tên như Cruyff, Hugo Sanchez, Hristo Stoichkov, Ronaldo, Bernd Schuster, Rivaldo và Luis Figo. Chưa từng có cầu thủ nào có được cảm tình của cổ động viên hai bên chiến tuyến El Clasico như Laudrup, mặc cho chính anh là người đã dẫn dắt đội bóng của mình đánh bại đối phương cùng với tỷ số 5-0, vào hai năm liên tiếp, khi anh chuyển từ màu áo này qua màu áo kia.

NGƯỜI KẾ VỊ VƯƠNG MIỆN CỦA CRUYFF

Trong bóng đá hiện tại, những pha qua người vẫn thường được trình diễn trên sân cỏ. Những tiền vệ tấn công ngày nay thường có một kiểu qua người phổ biến, anh hạ thấp trọng tâm và nhanh cóng “hích” trái bóng từ bên này qua bên kia; Lionel Messi là một ví dụ điển hình cho lối dẫn bóng này. Nhưng Laudrup trở thành nghệ nhân dẫn bóng theo một phong cách hoàn toàn khác biệt. Đó là lối dẫn bóng không cần nhiều pha chạy nước rút, nhưng cầu kỳ với những kỹ thuật căn bản.

Quan trọng là thời điểm, Laudrup thường nắm bắt thời điểm rất tốt. Như một đấu sỹ tung khăn đấu bò, hay một nhà ảo thuật với mánh lới của mình, Laudrup thường dẫn dắt hậu vệ đối phương phán đoán sai những gì sắp diễn ra, để rồi kết quả là họ nhận ra mình là những gã hề. Laudrup thường thả lỏng bản thân, đối diện với đối phương và cho gã thấy quả bóng, nhưng trong một tích tắc khi gã đưa chân quắp bóng, anh đã bẻ ngoặt sang hướng khác.

Tiếp theo chúng ta sẽ nói đến khả năng chuyền bóng, thứ ít được nhớ đến nhưng lại đem về những thành công. Laudrup có một kỹ năng đặc biệt là anh có thể xử lý bóng hoàn hảo bất kể điểm chạm nào của bàn chân cũng như ở quả bóng. Chuyền một chạm, chuyền đảo cánh, đánh gót, trả bóng về bằng chân trái, chuyền vượt tuyến bằng chân thuận. Điều quan trọng nhất, chính sự đa dạng ấy khiến Laudrup trở nên vô cùng khó đoán và đó là điều gây khó khăn cực kỳ cho hậu vệ khi đối mặt với anh. Ngày Laudrup rời Barcelona, Stoichkov đã nói rằng anh ghen tỵ với những đường chuyền mà Ivan Zamorano có được ở Real Madrid.

Nền tảng cho kỹ năng chuyền bóng và dẫn bóng của Laudrup chính là nhãn quan siêu phàm mà anh sở hữu. Huấn luyện viên của Real, Jorge Valdano từng nhấn mạnh “Cậu ấy như có mắt ở khắp mọi nơi”, trong khi Zamorano thường đùa rằng những người đồng đội thường kể Laudrup có con mắt thứ ba.

Vậy tại sao, tài năng của Laudrup không nhận được một sự công nhận cụ thể? Lý do đương nhiên không phải người ta không tôn trọng anh. Những người tham gia bầu bán đều công nhận tài năng của anh. “Tôi hoàn toàn hiểu lý do vì sao anh ấy là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử Barcelona và bóng đá thế giới”, Messi nói. “Ai là cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử? Laudrup”, Andres Iniesta nhận xét. “Ngày Michael còn thi đấu, bóng đá cứ như một giấc mơ, một bức tranh ma thuật và không ai trên thế giới có thể tiệm cận đẳng cấp của cậu ấy”, Cruyff nói về người học trò của mình.

Cả Romario và Raul đều mô tả rằng Laudrup là đồng đội xuất sắc nhất mà họ từng sát cánh. Và danh sách những người thừa nhận tài năng của Laudrup còn có Bebeto, Ronaldo, Ronald Koeman, Stoichkov, Hagi, Ronaldinho, Rivaldo, Davor Suker, Seedorf, Figo, Zidane, Cristiano Ronaldo, Xavi, Luis Enrique và Guardiola.

Có lẽ lý do một phần vì anh thiếu đi sự ích kỷ, anh luôn cố gắng thi đấu như một quý ông và luôn hết sức tiếp bóng và hỗ trợ cho những tiền đạo vĩ đại nhất thế giới. Như Michel Platini một lần đề cập: “Michael có mọi thứ chỉ trừ một điều: anh ta không đủ sự ích kỷ”.

Hoặc cũng có thể, như Cruyff tin rằng, Laudrup đơn giản là anh thoải mái với thứ bóng đá nghệ thuật, người theo đuổi một thứ bóng đá đẹp. Một cầu thủ như thế thường khó để mọi người thấy được sự xuất chúng bởi vì anh khoác vẻ ngoài lười biếng, lý do này thì có vẻ không được công bằng.

Ngay cả khi Cruyff đúng đi nữa, thì cũng không có lý do gì để là suy giảm thứ ma thuật mà Laudrup từng mang lại. Mỗi đội bóng vĩ đại đều cần sự kết hợp giữa những đấu sỹ đường phố và những người nghệ sỹ, và Laudrup đã nổi tiếng nhờ vào những gì anh được trời phú. Laudrup đã khiến bóng đá trở nên đẹp đẽ hơn và kiều diễm hơn bất kỳ ai kể từ thời của người thầy Hà Lan của anh; Laudrup là người kế vị vương miện của Cruyff.

CHƯƠNG NGUYỄN

;
.