Trong bài phát biểu tại một hội nghị công đoàn diễn ra ở TP.Philadelphia, ngày 14/6, Tổng thống Mỹ Biden nêu rõ: “Tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác châu Âu để đưa 20 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các kho chứa tại Ukraine ra thị trường nhằm giúp làm hạ giá lương thực”.
Theo kế hoạch này, các nước phương Tây dự định xây dựng các kho tạm chứa ngũ cốc trên biên giới Ukraine, kể cả ở Ba Lan, để Ukraine có thể vận chuyển ngũ cốc bằng đường sắt tới các kho này, tiếp đó các xe chở hàng của châu Âu vận chuyển ra biển và xuất khẩu ra các thị trường thế giới.
Tổng thống Biden nhấn mạnh tiến trình này sẽ mất thời gian. Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát hồi tháng 2, khoảng 84 tàu nước ngoài hiện vẫn bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine, nhiều tàu trong số này chất hàng hóa là ngũ cốc trên tàu.
Ông Biden cho biết Mỹ đang lên kế hoạch vận chuyển ngũ cốc của Ukraine bằng đường sắt. Tuy nhiên, khổ đường ray của Ukraine khác so với khổ đường ray ở châu Âu. Do vậy, ngũ cốc của Ukraine cần phải được chuyển sang các tàu hỏa khác ở biên giới nước này.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Ukraine ngày 14/6 cho biết các nước châu Âu đang xem xét việc cung cấp các kho chứa tạm ngũ cốc của Ukraine nhằm bảo quản ngũ cốc thu hoạch và đảm bảo nguồn cung ngũ cốc cho các thị trường thế giới trong tương lai. Ukraine cho biết cách tốt nhất để xuất khẩu nhanh chóng ngũ cốc của nước này là vận chuyển qua Biển Đen.
TTK LHQ Antonio Guterres đang nỗ lực làm môi giới về một thỏa thuận liên quan tới việc nối lại xuất khẩu của Ukraine qua biển Đen cũng như xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu với giá ngũ cốc, dầu ăn, nhiên liệu và phân bón tăng vọt. Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 nguồn cung lúa mỳ toàn cầu, trong khi Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón chủ chốt và Ukraine là nước xuất khẩu ngô và dầu hướng dương lớn.
Theo TTXVN