Các nước nghèo sẽ được tiếp cận vắc xin để phục hồi kinh tế

Thứ Ba, 08/02/2022, 18:08 [GMT+7]
In bài này
.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Khối các quốc gia thịnh vượng chung ngày 8/2 đưa ra cam kết bảo đảm các quốc gia nhỏ dễ bị tổn thương được tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19, qua đó hỗ trợ các nước này khôi phục nền kinh tế.

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Gaborone (Botswana).
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Gaborone (Botswana).

Cam kết chung được đưa ra tại cuộc gặp giữa Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và người đứng đầu Khối thịnh vượng chung Patricia Scotland tại trụ sở của WHO tại Geneva (Thụy Sỹ).

Mục đích của cuộc gặp này là ký một thỏa thuận nhằm giúp chấm dứt đại dịch và chống bất bình đẳng vắc xin.

Phát biểu tại cuộc gặp, ông Tedros khẳng định những ảnh hưởng của đại dịch sẽ kéo dài trong hàng chục năm, đặc biệt với các nước dễ tổn thương.

Người đứng đầu WHO nhấn mạnh đại dịch càng kéo dài, những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

WHO mong muốn 70% dân số ở mỗi quốc gia sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 6/2022.

Theo ông Tedros, đến nay 42% dân số Khối thịnh vượng chung đã được tiêm chủng đầy đủ, song tỷ lệ này mới chỉ là 23% dân số các nước châu Phi.

Theo bà Scotland, 32 trong số 42 quốc gia nhỏ trên thế giới là thành viên của Khối thịnh vượng chung và với tốc độ tiêm chủng vắc xin toàn cầu hiện tại, Khối thịnh vượng chung sẽ có thể tiêm chủng toàn thể các nước này chỉ trong 2-3 ngày.

Tính cả Vương quốc Anh, Khối thịnh vượng chung hiện chiếm 1/4 các nước trên thế giới và 1/3 dân số thế giới.

Ngoài COVID-19, bản ghi nhớ của Khối thịnh vượng chung và WHO tập trung vào thúc đẩy các giá trị y tế chung và y tế toàn cầu, củng cố an ninh y tế và trao đổi đổi mới và hiểu biết toàn cầu.

Khối thịnh vượng chung gồm các nước phát triển như Vương quốc Anh, Canada, và Australia, cùng với các nước đang phát triển như Ấn Độ, Nigeria, Malaysia và các đảo quốc như Tuvalu và Barbados.

MINH TRANG

;
.