Chân gỗ - Điệp viên nguy hiểm nhất Thế chiến II

Thứ Bảy, 27/03/2021, 07:34 [GMT+7]
In bài này
.

Bị mất 1 bàn chân trong tai nạn lúc đi săn, nhưng khi Thế chiến II nổ ra, Virginia Hall trở thành điệp viên của phe Đồng Minh. Những hoạt động của bà hiệu quả đến mức tướng Klaus Barbie, kẻ cầm đầu cơ quan mật vụ Đức Quốc xã Gestapo đã gọi Hall là “Quý bà khập khiễng” còn với phía Đồng Minh, bà là “Điệp viên chân gỗ”.

Bức hình hiếm hoi chụp Hall khi được tướng Donovan, chỉ huy OSS  trao huân chương.
Bức hình hiếm hoi chụp Hall khi được tướng Donovan, chỉ huy OSS trao huân chương.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ) trong một gia đình giàu có, Hall được hưởng nền giáo dục tuyệt hảo. Sau khi tốt nghiệp đại học, thông thạo tiếng Pháp, Đức, Italia cùng tiếng Nga, Hall nộp đơn vào Bộ Ngoại giao với mong muốn được làm việc ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, bà đã bị dội gáo nước lạnh khi nhận được thư trả lời, trong đó có đoạn: “Bộ Ngoại giao không tuyển phụ nữ và điều đó sẽ không bao giờ xảy ra…”.

Quyết không từ bỏ ước mơ, Hall một lần nữa làm đơn xin gia nhập bộ phận dịch vụ nước ngoài. Với sự vận động hành lang của người cha, Hall được cử làm thư ký tại Sứ quán Mỹ ở Warsaw (Ba Lan) rồi sau đó là Lãnh sự quán Mỹ ở Smyrna (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong một lần đi săn với mấy người bạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hall trèo qua một hàng rào và vô tình để súng cướp cò. 24 viên chì trong viên đạn súng hoa cải phá nát bàn chân trái của bà. Bà bị cắt mất chân. Bình phục, Hall trở về quê nhà, nộp đơn vào Sở Ngoại vụ nhưng bị từ chối, lý do không phải vì bà là phụ nữ mà vì bà cụt chân!

Buồn chán, Hall sang Paris (Pháp) cho khuây khỏa. Một lần nữa, định mệnh oái oăm lại tìm đến bà. Ngày 14/6/1940, Đức Quốc xã chiếm Paris nên bà phải chạy sang nước Anh. Tại London, trong một bữa ăn, một phụ nữ đến bên đưa cho bà tấm danh thiếp rồi nói: “Nếu bạn muốn ngăn chặn tên khát máu Hitler thì hãy đến gặp tôi”.

Người phụ nữ đó là Vera Atkins, làm nhiệm vụ tuyển dụng điệp viên cho Cơ quan Điều hành hoạt động đặc biệt Anh quốc (SOE). Trước đó, Vera Atkins biết về Hall qua hồ sơ bà nộp vào Bộ Ngoại giao và đã rất ấn tượng với kiến thức của Hall, cùng khả năng đọc thông nói thạo đa ngôn ngữ.

Sau 1 khóa huấn luyện, năm 1941 SOE bố trí cho Hall quay lại nước Pháp với giấy tờ giả mạo. Trong vai một phóng viên tự do, viết bài cho một tờ báo Pháp thân Đức, Hall gửi thông tin về các đợt di chuyển của quân Đức và cách bố phòng của nhiều căn cứ quân sự Đức cho SOE. Hơn nữa, bà còn xây dựng 1 mạng lưới điệp viên người Pháp. Những điệp viên này liên tục tiến hành các cuộc ám sát sĩ quan Đức, đặt mìn phá hoại đường ray xe lửa, phá cầu, thậm chí tấn công tiêu diệt các đồn bốt nhỏ lẻ.

Mất nhiều ngày truy tìm, hỏi cung các điệp viên trong nhóm của Hall không may bị bắt, Cơ quan mật vụ Đức Quốc xã Gestapo đã nắm được thông tin về Hall. Bà nổi tiếng đến nỗi chỉ huy Gestapo ở Pháp là Klaus Barbie gọi bà là “Quý bà khập khiễng, kẻ nguy hiểm nhất trong tất cả các điệp viên Đồng Minh”. Klaus Barbie nói: “Tôi chấp nhận đánh đổi mọi thứ miễn là tôi chạm vào được quý bà này”.

Cũng qua hỏi cung các điệp viên trong nhóm của Hall, Gestapo vẽ lại chân dung Hall rồi in ra hàng trăm ngàn tờ áp phích truy nã khẩn cấp, dán trên các đường phố Paris cùng nhiều tỉnh, thành khác. Đánh giá được sự nguy hiểm, SOE ra lệnh cho Hall gặp một nhóm kháng chiến người Tây Ban Nha để họ đưa bà về Anh. Để gặp được nhóm này, Hall đã phải đi bộ gần 200km xuyên qua dãy núi Pyrenees, là biên giới giữa Pháp và Tây Ban Nha trong điều kiện nhiệt độ luôn ở mức -50C, thức ăn thiếu thốn và không có đồ ngủ chống lạnh, chưa kể sự truy lùng của quân Đức. Thế nhưng khi gặp nhóm kháng chiến, họ từ chối cho bà lên thuyền vượt biển sang Anh chỉ vì bà là phụ nữ, lại cụt mất một bàn chân!

Cuối cùng, bà phải nhờ nhóm kháng chiến gửi tin về London để nơi này xác nhận. Chuyến vượt biển gian khổ chẳng kém gì lần vượt núi Pyrenees. Đặt chân lên nước Anh, chỉ sau 15 ngày an dưỡng, Hall lại xin quay về Pháp nhưng SOE từ chối vì bà là kẻ bị Đức Quốc xã truy nã hàng đầu ở Pháp. Sau nhiều lần thuyết phục vẫn không thành, Hall tình nguyện gia nhập Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS, tiền thân của CIA sau này.

Năm 1944, vài tháng trước khi Đồng Minh đổ bộ lên Normandy (Pháp), Hall theo một con tàu đánh cá đến Pháp rồi cải trang thành một bà lão 60 tuổi. Tại Normandy, theo báo cáo của OSS, Hall đã làm trật bánh 6 đoàn tàu chở hàng, làm nổ tung 4 cây cầu, giết chết 150 lính Đức Quốc xã và đồng thời dẫn đường cho tổ chức kháng chiến Pháp Tự do bắt 500 tù binh.

Sau chiến tranh, Hall được trao tặng Huân chương Dịch vụ xuất sắc, một trong những danh hiệu cao quý nhất của quân đội Mỹ dành cho những cá nhân đã dũng cảm trong chiến đấu. Bà là người phụ nữ duy nhất được nhận huân chương này trong Thế chiến II.

Hall mất năm 1982. Từ đó đến lúc chết, bà không bao giờ xuất hiện trước công chúng và lại càng không nói gì về mình. Ngay cả những người thân thiết nhất với Hall trong gia đình cũng không biết rõ các hoạt động của bà. Nếu ai đó có hỏi, Hall chỉ cười và nói: “Ô! Tôi chỉ là một cô gái quê tầm thường ở Baltimore thôi mà…”.

VŨ CAO

(Theo OSS Files)

 
;
.