Lời nguyền Hindu và con mắt của thần Shiva - Kỳ 2: Không ai thoát khỏi lời nguyền

Thứ Bảy, 07/03/2020, 08:00 [GMT+7]
In bài này
.

Sau khi lấy được “Giọt sương của Chúa” trong cuộc Cách mạng Pháp, 2 tên trộm Guillot và Lancry de la Loyelle chuyển nó sang London, Anh quốc. Để không ai còn có thể nhận ra nó, bọn trộm nhờ Wilhelm Fals, một thợ kim hoàn người Hà Lan cắt ra làm 2, trong đó viên 45 carat là viên kim cương hiện vẫn còn lưu giữ được. Trong quá trình gọt cắt, con trai Wilhelm Fals là Steiner Fals lấy cắp một số mảnh vụn. Bị phát hiện và bị la rầy, Steiner Fals bắn chết cha mình rồi tự sát...

Viên kim cương Hy Vọng hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia, Mỹ.
Viên kim cương Hy Vọng hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia, Mỹ.

Về phần Guillot và Lancry de la Loyelle, với số tiền bán “Giọt sương của Chúa”, họ ăn chơi trác táng. Khi đã cháy túi, cả hai lừa đảo nhiều người bằng cách nói rằng họ còn 1 viên lớn hơn nữa để nhận tiền “đặt cọc”. Vụ việc vỡ lở, Guillot và Loyelle nhận án tù chung thân.

Sau những tai họa này, “Giọt sương của Chúa” biến mất. Mãi đến năm 1896, Thomas Hope mua nó từ Ngân hàng Anglo-Dutch với giá 90.000USD và cũng từ đây, “Giọt sương của Chúa” được Hope đổi tên thành “Hy Vọng”.

Năm 1898, Hy Vọng lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng trong một buổi trưng bày bộ sưu tập đá quý. Lúc này, chủ nhân của nó là Philip Hope, em ruột Thomas Hope. Buổi triển lãm vừa kết thúc thì Philip chết vì đột quỵ.

Vì không có vợ nên suốt 10 năm, 3 người cháu của Philip (con Thomas Hope) đã cãi nhau trước tòa để tranh giành quyền thừa kế. Cuối cùng, 1 trong 3 người là Henry Thomas Hope nhận được viên Hy Vọng và 7 viên kim cương khác.

Năm 1900, Henry chết vì bệnh dịch hạch. Viên Hy Vọng qua tay con trai ông rồi đến cháu ông là Francis Hope nhưng thực tế thì nó vẫn nằm trong Ngân hàng Anglo-Dutch. Có lẽ vì vậy, cả con trai lẫn cháu Thomas Hope đều không gặp tai họa gì.

Năm 1902, Francis bán viên Hy Vọng với giá 190.000 bảng Anh cho Adolph Weil, thương gia kinh doanh đồ trang sức ở London. Sau đó Weil bán lại cho Công ty kim cương Simon Frankel, New York, Mỹ với giá 250.000USD. Cũng như con, cháu của Thomas Hope, việc mua bán chỉ diễn ra trên giấy tờ nên Adolph Weil bình an vô sự.

Tại Mỹ, năm 1910, người mua viên kim cương Hy Vọng từ Công ty Simon Frankel là Maoncharides, thương gia Hy Lạp. Chưa đầy 1 năm sau khi sở hữu nó, Maoncharides cùng vợ và con trai chết trong một tai nạn. Chiếc xe do ông cầm lái đâm vào vách đá rồi bốc cháy. Người thừa kế Hy Vọng là Pierre Cartier, em vợ của Maoncharides. Do đã nghe về “lịch sử” của viên kim cương nên cuối năm 1911, Pierre bán nó cho bà Evalyn Walsh McLean, chủ nhân của nhiều mỏ khoáng sản ở Mỹ với giá 300.000USD. Do không biết quá khứ bi thảm của những người đã từng sở hữu nó nên Evalyn cho làm một cái khay bằng lụa trắng rồi đặt Hy Vọng ở chính giữa, xung quanh có nhiều viên kim cương trắng hình quả lê rồi mời bè bạn đến chiêm ngưỡng. Chưa hết, Evalyn còn đặt làm một chiếc vòng bạch kim với 16 viên kim cương trắng bao quanh viên Hy Vọng. Riêng dây đeo chiếc vòng ấy được kết bằng 50 viên, vừa kim cương trắng, vừa lam ngọc. Mỗi khi tham dự một lễ lạc nào đó, Evalyn lại đeo chiếc vòng này.

Khi nước Mỹ rơi vào thời kỳ đại suy thoái, Evalyn phá sản. Chồng bà chạy theo một phụ nữ trẻ đẹp hơn. Con trai đầu của bà chết vì viêm phổi, con gái chết vì uống thuốc quá liều. Oái oăm nhất là lúc này, quá khứ bi thảm của viên kim cương Hy Vọng được nhiều tờ báo phanh phui nên chẳng ai dám mua nó.

Năm 1947, Evalyn chết trong nghèo khó. Để có tiền trả nợ cho mẹ, đứa con còn lại của Evalyn bán viên Hy Vọng cho Harry Winston, một đại gia trong ngành kinh doanh kim cương Mỹ với giá 140 triệu USD. Việc mua bán thông qua một trung gian rồi Hy Vọng được gửi trong két sắt của Ngân hàng Mahattan chứ Harry Winston không nhúng tay vào.

Năm 1958, Harry Winston quyết định tặng Hy Vọng cho Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Mỹ với mong muốn nó sẽ giúp nước Mỹ thành lập bộ sưu tập đá quý lớn nhất hành tinh. Theo nhà sử học Richard Kurin, việc Winston tặng Hy Vọng cho bảo tàng còn có một nguyên nhân nữa: Ấy là ông muốn giải thoát lời nguyền của các tăng lữ Hindu.

Hiện tại, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Mỹ đặt Hy Vọng trên một bệ xoay để người xem có thể nhìn thấy nó ở mọi phía. Bảo vệ nó là lớp kính chống đạn dày 76mm. Trong bảo tàng còn có hàng trăm viên kim cương khác nhau nhưng Hy Vọng luôn là tâm điểm của sự chú ý bởi nó là viên kim cương chứa đựng nhiều bi kịch nhất thế giới và đắt nhất thế giới: 250 triệu USD.

Cũng nói thêm rằng nạn nhân được xem như cuối cùng của “lời nguyền Hindu” là James Todd. Ông là người trực tiếp chuyển viên kim cương Hy Vọng từ trụ sở Tập đoàn Winston đến Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia. 1 ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ, James Todd bị một chiếc xe tải đâm gãy chân khi ông đang băng qua đường. Lúc vừa bình phục, Todd lại gặp phải một tai họa khác: Nhà ông bị cháy, vợ ông và con chó cưng không thoát ra được.

VŨ CAO

(Theo Shiva Eye Mysterious)

-----------

Kỳ 1: Số phận những kẻ chiếm giữ con mắt thần
 
;
.