Các Bộ trưởng ASEAN, Nhật Bản quan ngại diễn biến phức tạp ở Biển Đông

Thứ Năm, 01/08/2019, 19:25 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan tại Thái Lan, sáng 1/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono đã đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nhật Bản.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ 6, từ trái sang), và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chụp ảnh chung.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ 6, từ trái sang), và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chụp ảnh chung.

Trên cương vị là nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021, phát biểu chung thay mặt ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ghi nhận quan hệ ASEAN-Nhật Bản đã phát triển bền chặt hơn 45 năm qua, chia sẻ tin cậy và hiểu biết, đem lại những lợi ích lớn lao cho hai bên và đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.

Phó Thủ tướng hoan nghênh những tiến triển tích cực trong quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Nhật Bản thời gian qua trên các trụ cột “đối tác vì hòa bình, ổn định; vì thịnh vượng; vì chất lượng cuộc sống và từ trái tim đến trái tim”, trong đó có việc lãnh đạo hai bên thông qua Tuyên bố chung nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 21, tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đẩy mạnh quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện ASEAN-Nhật Bản.

Chia sẻ quan điểm này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ghi nhận tiến triển trong quan hệ ASEAN-Nhật Bản, đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực và hợp tác hiệu quả mà Nhật Bản dành cho ASEAN trong xây dựng cộng đồng, kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và các nước ASEAN đề xuất một số định hướng hợp tác trong giai đoạn tới giữa ASEAN-Nhật Bản gồm tăng cường phối hợp và gắn kết chặt chẽ tại các diễn đàn do ASEAN chủ trì, đóng góp thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, đề cao luật pháp quốc tế, xây dựng và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử chung, ứng phó hiệu quả với các thách thức đối với hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư, sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và mở rộng hợp tác kết nối, đổi mới, sáng tạo, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0...; Tăng cường trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân và hợp tác trên các lĩnh vực đem lại lợi ích thiết thực cho người dân như biến đổi khí hậu, chăm sóc người cao tuổi, ứng phó với thiên tai, phát triển môi trường bền vững.

Trao đổi về tình hình thế giới và khu vực, các nước ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), song cũng chia sẻ quan ngại sâu sắc về diễn biến phức tạp trên thực địa, nhất là quân sự hóa và các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình, dẫn đến xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Hai bên khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển khu vực, bao gồm Biển Đông; nhấn mạnh mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); nhấn mạnh thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và khuyến khích các nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

QUANG KIÊN (Vietnam+)

;
.