Liên hợp quốc hối thúc các bên tại Libya ngừng bắn

Thứ Năm, 11/04/2019, 14:17 [GMT+7]
In bài này
.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 11-4 đã kêu gọi các bên tại Libya ngừng bắn nhằm tránh để thủ đô Tripoli biến thành “chiến trường đẫm máu”.

Các lực lượng trung thành với tướng Khalifa Haftar tuần tra tại thành phố Sebha, miền nam Libya.
Các lực lượng trung thành với tướng Khalifa Haftar tuần tra tại thành phố Sebha, miền nam Libya.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về căng thẳng hiện nay tại Libya, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres nhấn mạnh, vẫn còn thời gian để các bên ngừng bắn, chấm dứt các hành động hiếu chiến, tránh nguy cơ xảy ra điều tồi tệ nhất là biến Tripoli thành “chiến trường đẫm máu”. Theo ông, Libya hiện đang đối mặt với tình hình “rất nguy hiểm”. Do đó, các bên cần ngừng giao tranh để tạo điều kiện tái khởi động đàm phán chính trị nghiêm túc.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành cuộc họp kín trong hơn 2 giờ nhằm cân nhắc cách thức đối phó với các cuộc giao tranh mới bùng phát ở Tripoli.

Theo Đại sứ Đức tại Liên hợp quốc Christoph Heusgen, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, nhiều nhà ngoại giao cũng đã nhắc lại lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về việc ngừng bắn.

Tuy nhiên, người đứng đầu hội đồng lập pháp chính quyền miền Đông Libya Aguila Saleh cho biết, trong tình hình hiện nay, không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng như không thể tổ chức hội nghị dân tộc - do Liên hợp quốc bảo trợ vốn dự kiến diễn ra vào tuần tới nhằm thúc đẩy lộ trình chính trị, khôi phục trật tự tại quốc gia Bắc Phi này.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, tổ chức này thực sự lo ngại tình hình hiện nay tại Libya, khi các chiến dịch quân sự và leo thang căng thẳng tại Libya gây ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như đẩy tính mạng người dân vào tình thế nguy hiểm.

Cơ quan nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA) cũng quan ngại việc sử dụng thuốc nổ ở những khu vực đông dân cư. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, gần 500.000 trẻ em ở Tripoli và hàng chục ngàn trẻ em ở các khu vực miền Tây đang đối mặt với nguy cơ trực tiếp do xung đột leo thang.

Thậm chí, Tổ chức Khủng hoảng quốc tế còn cảnh báo leo thang căng thẳng có thể gây ra thảm họa nhân đạo. Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi.

AP

;
.