Từ khi thế giới xuất hiện 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, mối đe dọa “bom bẩn”, chế tạo bằng vật liệu hạt nhân thứ cấp cũng tăng lên. Những ảnh hưởng lâu dài về môi trường của một quả “bom bẩn” đã khiến nó đặc biệt hấp dẫn với bọn khủng bố.
Theo các chuyên gia thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, khả năng một hoặc vài đầu đạn hạt nhân bị đánh cắp rồi lọt vào tay bọn khủng bố là điều rất khó xảy ra, nhưng các chất phóng xạ Uranium 325, Caesium 137 lại có thể dễ dàng tìm mua trên thị trường chợ đen bởi lẽ một số thiết bị sử dụng trong y học cùng các ngành công nghiệp nặng chứa loại phóng xạ này, và chúng thường bị đánh cắp…
CHIẾN DỊCH THẢ LƯỚI
Những ngày tiếp theo, kế hoạch theo dõi Chetrus được các đặc vụ thuộc Chương trình chống buôn lậu vật liệu hạt nhân Moldova vạch ra, và ông già Kolevich trở thành một thành viên trong “Chiến dịch thả lưới” với sự bảo vệ ngầm của sĩ quan Malic. Sử dụng một máy ghi âm bí mật giấu trong chiếc áo khoác, Kolevich ghi lại tất cả những cuộc trao đổi giữa Chetrus và khách hàng đến từ Trung Đông. Theo Kolevich, sở dĩ Teodor Chetrus tin tưởng ông vì đã vài lần, ông môi giới cho anh ta bán những lô hàng tên lửa vác vai và chất nổ C4. Kolevich nói: “Chỉ duy nhất một lần Chetrus tỏ ý nghi ngờ, đó là khi tôi hỏi xuất xứ của chất phóng xạ và ai là chủ thật sự của nó. Lần ấy, Chetrus đã nhấn mạnh rằng tôi chỉ là một người trung gian nên tôi không cần phải biết”.
Và trong lần thảo luận cuối cùng, Chetrus cùng với người mua đi đến thống nhất rằng anh ta đồng ý bán 10 gam Uranium 325 với giá 320.000 Euro. Tiếp theo, cứ mỗi tuần Chetrus sẽ giao thêm 1kg Uranium 325 nữa cho đến khi đủ số lượng 10kg mà người mua yêu cầu với tổng trị giá 3,2 triệu Euro. Lượng Uranium này bằng 1/5 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống TP. Hiroshima, Nhật Bản trong Thế chiến II.
10 gam Uranium 325 đựng trong một quả cầu bằng chì trên chiếc Lexus GS-330 của “đại tá’ Alexandr Agheencon. |
Với chiếc máy quay phim tí hon giấu trong mũ, Kolevich quay được toàn bộ cuộc thảo luận ấy, trong đó có hai chi tiết rất đáng chú ý. Đó là người mua thật sự đến từ Sudan, một quốc gia ở châu Phi, nơi tổ chức khủng bố Al Shabaad đang hoạt động và khi việc mua bán 10kg Uranium 325 hoàn tất, khách hàng còn muốn mua thêm chất phóng xạ Plutonium! Trong đoạn phim, Chetrus nói với người mua: “Qua thương vụ này, nếu bạn chứng minh bạn là người nghiêm túc thì chúng tôi sẽ tặng bạn một mẫu Plutonium miễn phí để bạn sử dụng cho mục đích của bạn. Và nếu bạn hài lòng thì chúng ta sẽ thảo luận tiếp”.
Tiến hành xác minh, cảnh sát Moldova biết kẻ mua Uranium của Chetrus là Yosif Faisal Ibrahim, người Sudan, và là thành viên cao cấp của tổ chức khủng bố Al Shabaad. Chính Yosif Faisal Ibrahim đã vạch kế hoạch tấn công chiến hạm Cole của Mỹ khi nó đang neo đậu ở Yemen. Thêm vào đó, một điều tưởng như chỉ có ở trong mơ bỗng xuất hiện: Trong quá trình nghe lén điện thoại của Chetrus, cảnh sát thu được một cuộc gọi - nghi ngờ là gọi cho “đại tá” Alexandr Agheencon. Trong cuộc gọi này, Chetrus chỉ nói vắn tắt: “Lễ cưới sẽ được tổ chức vào lúc 11 giờ trưa ngày 18-6”.
XỔNG CON CÁ LỚN
Sáng ngày 18-6, “đại tá” Alexandr Agheencon cùng vợ ông ta là Galina nhập cảnh Moldova bằng hộ chiếu giả trên chiếc xe hơi Lexus GS-330 do một tài xế cầm lái với lý do “đi mua sắm”. Khi vào thành phố Chisinau, Galina xuống xe cùng tài xế, còn “đại tá” lái chiếc Lexus GS-330 đến một rạp xiếc. Trong khi đó, Chetrus kiểm tra tài khoản của mình ở ngân hàng và hài lòng khi thấy 320.000 Euro đã được chuyển.
Vài phút sau, Chetrus lái chiếc BMW X5 màu xám tiến đến bên cạnh chiếc Lexus GS-330 của “đại tá” Alexandr Agheencon. Lúc này, “đại tá” đã rời khỏi xe và khi Chetrus mở cửa chui vào, anh ta nhìn thấy chiếc túi bằng nylon màu xanh lá cây, bên trong có chứa 10 gam Uranium 325 đựng trong một quả cầu bằng chì đặt trên ghế ngồi. Cách đó khoảng 3km, ông già Kolevich đã đứng đợi trước một cửa hàng bách hóa, chờ nhận gói hàng để giao cho Yosif Faisal Ibrahim.
Thời điểm ấy, các đặc vụ thuộc Chương trình chống buôn lậu vật liệu hạt nhân Moldova vẫn chưa biết vợ chồng “đại tá” Alexandr Agheencon đã đến thành phố Chisinau, họ chỉ tập trung theo dõi Chetrus với hy vọng từ Chetrus, sẽ lần ra “đại tá”. Khi thấy Chetrus vào trong chiếc Lexus GS-330, họ bám theo rồi lúc anh ta đưa cái túi nylon chứa Uranium cho ông già Kolevich, họ ập đến bắt giữ. Điều đáng ngạc nhiên là một chiến dịch được xếp vào hàng tuyệt mật như vậy nhưng chẳng hiểu sao, một số cơ quan báo chí lại biết trước. Hàng chục ánh đèn flash lóe lên khi các đặc vụ thuộc Chương trình chống buôn lậu vật liệu hạt nhân Moldova quật ngã Chetrus xuống lề đường.
Teodor Chetrus lúc bị đặc vụ Moldova bắt giữ. |
Vụ bắt giữ đã khiến cho sĩ quan cảnh sát chìm Malic bất ngờ. Trước đó, Malic đã được thông báo rằng các đặc vụ sẽ theo dõi Kolevich cho đến khi ông ta giao hàng cho Yosif Faisal Ibrahim. Anh nói: “Thay vì tìm ra bọn cầm đầu thì những gì họ làm chỉ đơn giản là tạo một scandal cho giới truyền thông. Chúng tôi đã mất một cơ hội lớn để góp phần bảo vệ cho sự an toàn của thế giới”.
Khai thác nhanh Chetrus, cảnh sát mới biết vợ chồng “đại tá” nhập cảnh Moldova bằng hộ chiếu giả. Yosif Faisal Ibrahim bị bắt ngay sau đó còn Galina, vợ “đại tá” cũng bị bắt khi đang ăn trưa trong một nhà hàng. Riêng “người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới” Alexandr Agheencon thì biến mất không dấu vết. Các thử nghiệm trên mẫu Uranium mà Chetrus định bán cho Yosif Faisal Ibrahim đã xác định rằng nó là vật liệu hạt nhân cao cấp, hoàn toàn có thể sử dụng trong việc chế tạo bom hạt nhân nếu có đủ khối lượng cần thiết. Chưa hết, tài liệu tìm thấy trong nhà Chetrus còn chứng minh rằng anh ta đang có một thỏa thuận khác để bán vật liệu hạt nhân cho người mua ở Syria.
Về phía “đại tá” Alexandr Agheencon, một nguồn tin tình báo từ Moldova cho biết khi không nhận được tín hiệu an toàn từ Chetrus, “đại tá” sử dụng một hộ chiếu giả khác để trốn về Cộng hòa Transnistria ly khai, bỏ mặc cô vợ của mình. Gheorghe Cavcaliuc, sĩ quan cảnh sát cao cấp Moldova, người trực tiếp giám sát cuộc điều tra vụ bắt giữ 10 gam Uranium 325 nói: “Chỉ đến khi những kẻ đứng đầu các đường dây buôn lậu vật liệu hạt nhân bị bắt và bị đưa ra xét xử, và cũng chỉ đến khi chúng tôi xác định được nguồn gốc, xuất xứ của vật liệu hạt nhân đến từ đâu, và chúng sẽ đi đến đâu, chừng đó mới có thể nói rằng mối nguy hiểm không còn nữa”.
Cuối năm 2011, Chetrus ra tòa với tội danh môi giới mua bán chất phóng xạ với mức án 5 năm tù giam, còn Galina, vợ “đại tá” bị buộc tội đồng lõa mua bán chất phóng xạ, án phạt 3 năm vì cô ta khai có con còn nhỏ, chứng minh bằng những hình ảnh trong điện thoại. Về phía Constantin Malic, người sĩ quan cảnh sát trẻ tuổi này còn phá vỡ một vụ mua bán 200 gam Uranium chưa được làm giàu, xảy ra vào ngày 3-12-2014, cũng tại thành phố Chisinau. Số Uranium nói trên bị lấy cắp từ một cơ sở chế tạo đầu đạn hạt nhân của Liên bang Xô Viết sau ngày sụp đổ.
VŨ CAO
Theo Global Witness
Thế giới ngầm của thị trường buôn lậu vật liệu hạt nhân - Bài cuối: Con cá lớn trốn thoát