Những vụ trao đổi điệp viên nổi tiếng tại "cầu gián điệp" Glienicke

Chủ Nhật, 20/01/2019, 17:08 [GMT+7]
In bài này
.

Cây cầu nổi tiếng Glienicke được mệnh danh là “Cầu gián điệp” vì thường được chọn làm nơi trao đổi điệp viên trong chiến tranh lạnh.

Cây cầu Glienicke được mệnh danh là “Cầu gián điệp”.
Cây cầu Glienicke được mệnh danh là “Cầu gián điệp”.

Ngày 10-2-1962 đã diễn ra sự kiện trao đổi điệp viên đáng chú ý đầu tiên giữa Liên Xô và Mỹ. Washington khi đó bàn giao cho Moscow điệp viên Rudolf Abel, người từ năm 1948 đã lãnh đạo thành công cả một mạng lưới tình báo hiệu quả trên lãnh thổ Mỹ. Abel bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt vào năm 1947, sau khi bị một nhân viên liên lạc điện đài của tình báo Xô Viết có mật danh là “Vik” khai báo. Abel trước tòa vẫn khăng khăng phủ nhận mình có dính líu tới hoạt động tình báo, từ chối hợp tác với mật vụ Mỹ và phải nhận bản án 32 năm tù.

Liên Xô về phần mình đã trao cho phía Mỹ phi công Francis Powers, người đã lái chiếc máy bay do thám U-2 bị bắn rơi vào ngày 1-5-1960 tại khu vực Sverdlovsk và phải nhận bản án 10 năm tù vì tội hoạt động gián điệp. Vụ trao đổi diễn ra tại cây cầu Glienicke. Đây là cây cầu bắc qua sông Havel nằm giữa Berlin và Potsdam, về sau thường được dùng làm địa điểm trao đổi các điệp viên giữa hai bên. Chính vì vậy, cây cầu này còn được mệnh danh là cây “Cầu gián điệp”.

Ngày 22-4-1964, cũng ngay trên cây cầu Glienicke, Liên Xô đã tổ chức trao đổi điệp viên người Anh Greville Wynne với Konon Molody, một nhân viên của tình báo Xô Viết tại Anh. Konon Molody được đánh giá là một trong những điệp viên thành công nhất trong lịch sử của Liên Xô. Sau khi hợp thức hóa việc định cư tại Canada vào năm 1954 dưới cái tên Gordon Lonsdale, ông chuyển tới Anh chỉ 1 năm sau đó.

Molody-Lonsdale là một người rất quảng giao, thu hút được thiện cảm của mọi người và có quan hệ rộng rãi trong giới quý tộc tại Anh. Ông mở công ty riêng và tổ chức kinh doanh rất thành công, song song với việc khai thác thông tin tình báo còn trở thành một triệu phú bản địa. Molody đã thành công trong việc tuyển mộ chuyên gia mật mã của hải quân Anh là Harry Houghton, người sau này đã cung cấp những bí mật đặc biệt giá trị, giúp Liên Xô tiết kiệm được hàng tỷ USD trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo vũ khí mới.

Houghton thậm chí còn không biết được mình đang bán những bí mật trên cho tình báo Xô Viết, mà chỉ nghĩ đang “làm ăn” với tình báo Mỹ, vốn là một đồng minh thân cận của Anh nên không có gì là quá nghiêm trọng. Molody bị bắt sau một điệp viên của Ba Lan chạy trốn sang phương Tây và khai báo về trường hợp của Houghton. Điều lý thú là không lâu trước khi bị bắt, Molody-Lonsdale còn được Nữ hoàng Anh trao tước hiệu Hiệp sĩ “vì những thành công đặc biệt trong việc phát triển hoạt động thương mại vì quyền lợi Vương quốc Anh”.

Ngày 11-2-1986, Liên Xô và Mỹ theo truyền thống lại gặp nhau tại cầu Glienicke. Trong dịp này, người Mỹ trao cho Liên Xô hai vợ chồng Karel và Hana  Koecher, hai điệp viên của tình báo Tiệp Khắc, những người từ năm 1965 đã được cử tới Mỹ để thu thập những thông tin tình báo-chính trị và thâm nhập sâu vào hàng ngũ CIA. Karel Koecher đã hoàn thành nhiệm vụ của mình đặc biệt xuất sắc.

Tại Mỹ, ông tốt nghiệp Trường ĐH Tổng hợp Columbia, trước khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ triết học vào năm 1970. Sau một thời gian làm tư vấn cho đài phát thanh “Châu Âu tự do”, Karel đã thu hút được sự chú ý của CIA.

Từ năm 1972, ông làm cố vấn trong Ban phụ trách Liên Xô và các nước Đông Âu của CIA. Nhờ đó trong suốt 12 năm, ông đã khai thác và chuyển cho Tiệp Khắc cùng Liên Xô nhiều tài liệu đặc biệt giá trị về hoạt động của CIA. Sau khi bị một kẻ phản bội nổi tiếng trong nội bộ KGB là Đại tá Oleg Kalugin khai báo, vợ chồng Koecher bị FBI bắt giữ vào tháng 12-1984 và phải nằm trong nhà tù của Mỹ 11 tháng trước khi được trao đổi.

Còn Anatoly Sharansky là một phần tử đối lập tích cực hoạt động chống phá nhà nước Xô Viết. Tháng 3-1977, nhân vật này bị bắt giữ với tội danh phản bội tổ quốc và tuyên truyền chống phá nhà nước Xô Viết. Sharansky còn bị cáo buộc hợp tác với CIA, chuyển giao nhiều thông tin bí mật quốc gia. Tổng cộng, ông ta phải nhận bản án 13 năm tù, trước khi được trao đổi với vợ chồng nhà Koecher.

Cần nói thêm, Sharansky sau khi được trả tự do đã về định cư tại Israel, có được một sự nghiệp chính trị khá thành công tại đây - thành lập ra một đảng chính trị, trở thành nghị sĩ quốc hội, cũng như từng nắm giữ những cương vị bộ trưởng nội vụ, xây dựng, công nghiệp và thương mại.

Trên thực tế trong cuộc gặp gỡ tại cầu Glienicke lần này, hai bên còn trao đổi một số điệp viên khác theo thỏa thuận từ trước, nhưng tên tuổi cụ thể đã không được tiết lộ.

HỒNG SƠN

(tổng hợp)

;
.